Tâm lý đáng sợ của bản chất con người: Coi thiện ý của người khác là điều đương nhiên, nhưng lại chẳng bao giờ tự đòi hỏi chính mình
Thiện ý giúp người có thể là niềm vui nhưng đừng biến nó thành áp lực hay gánh nặng của bất cứ ai. Khi người khác tốt với bạn, đó là vì họ thích, chứ không phải vì trách nhiệm.
- 13-03-2020Chỉ khi lâm vào túng quẫn khủng hoảng, tôi mới nhận ra: Tuổi 25, cần bỏ thói tiêu xài không tính toán và học cách tiết kiệm tiền ngay
- 08-03-2020Khi ta nghèo, tất cả những gì ta lo lắng chỉ đơn giản là TIỀN: Thế giới của người trưởng thành không bao giờ có lựa chọn dễ dàng!
- 04-03-2020Cùng đối mặt với khủng hoảng, kẻ nhanh chóng chán chường, người phất lên nhanh chóng: Sự khác biệt nằm ở đâu?
01.
Trước kia, hễ có bạn bè, người thân hoặc đồng nghiệp có cơ hội du lịch nước ngoài, không ít người đều “tiện thể” nhờ vả mua hộ ít đồ. Chuyện sẽ không thành vấn đề nếu chỉ có thế, nhưng rất nhiều hệ lụy diễn ra sau đó bỗng chốc trở thành gánh nặng đối với người được nhờ.
Một chủ đề được đăng tải trên mạng xã hội Facebook đã đưa ra câu hỏi thảo luận: “Bạn nghĩ thế nào khi được nhờ mua đồ ở nước ngoài trong quá trình du lịch?”.
Rất nhiều câu trả lời đã được đưa ra, trong đó, hàng loạt bình luận nổi bật đầu tiên đều là những lời phàn nàn:
“Trừ khi là người cực kỳ thân thiết, không thì nên từ chối. Lần trước tôi có dịp sang Mỹ một chuyến, được một đồng nghiệp nhờ mua 1 bộ mỹ phẩm dưỡng da hàng hiệu, giá hơn 2 triệu đồng. Đã bỏ thời gian, bỏ tiền bạc, bỏ công sức đi mua hộ rồi, thế mà mang về đến nơi, đồng nghiệp đó lại chê đắt hơn giá thị trường ở đây, không muốn trả tiền. Ơ kìa, muốn dùng hàng hiệu xách tay, hóa đơn rõ ràng, thuế phí đầy đủ, không một đồng tiền công, thế mà còn bị nói xấu như thể mình ăn chặn vậy!”.
"Tôi đi xếp hàng mua đồ sales cho người ta mất cả ngày trời, cuối cùng đem về, da người ta dùng không hợp, thế là nghi ngờ mình đem hàng giả về bán cho họ. Chán chẳng buồn nói".
"Vừa tốn công vô ích, vừa mang tiếng mang điều. Bây giờ tôi không bao giờ nhận mua đồ hộ nữa rồi".
“Tốt nhất là len lén đi, len lén về, không rêu rao để ai biết cả”.
Chúng ta luôn tuyên truyền rằng, giúp người là niềm vui. Thế nhưng có những tình huống muốn làm niềm vui cho chính mình, vậy mà kết quả cuối cùng nhận lại chỉ có tức giận mà thôi.
Rất nhiều người đồng ý cho đi không cần nhận lại, chẳng yêu cầu báo đáp, nhưng ít ra họ cũng cần có sự tôn trọng tối thiểu. Nếu lòng tốt cứ không ngừng bị giẫm đạp, còn ai nguyện ý vươn tay giúp đỡ người khác nữa đây?
Đừng để bản chất của con người trở nên tiêu cực hơn khi bạn cứ coi thiện ý của người khác là một điều đương nhiên, không hề trân trọng hay biết ơn như vậy.
02.
Ca sĩ hát nhạc đồng quê của Trung Quốc là Chu Chi Văn, xuất thân từ một gia đình nghèo khó, sau một lần tình cờ tham gia chương trình truyền hình, anh đã bất ngờ trở nên nổi tiếng hơn, nhận được nhiều lời mời tham gia chương trình và đóng quảng cáo hơn. Từ đó, ai cũng biết Chu Chi Văn kiếm được nhiều tiền.
Kể từ khi sự nghiệp phát triển, Chu Chi Văn bắt đầu quyên góp tiền để xây dựng lại đường xá ở quê nhà. Nhiều hàng xóm cũ tới tìm vay tiền, anh cũng không hề từ chối. Dần dần, dân làng bắt đầu coi lòng tốt của Chu Chi Văn là điều hiển nhiên.
Khi anh đóng góp gần 1 tỷ để làm đường, họ nói: “Sao lại chỉ làm mỗi đoạn đường này? Còn đường ở vùng lân cận thì sao?”.
Khi đến hỏi vay tiền, họ nói: “Anh giàu có thế này, chắc không cần người nghèo chúng tôi phải viết giấy vay nợ đâu nhỉ?”.
Khi Chu Chi Văn từ chối không cho vay tiền nữa, họ kéo nhau ném gạch đập vỡ cửa sổ nhà anh.
Có thể thấy rằng, dù bỏ tiền sửa đường, xây nhà trẻ, giải quyết rất nhiều vấn đề điện nước cho thôn làng, người ta vẫn cảm thấy không thỏa mãn. Trong mắt họ, tiền của Chu Chi Văn là tiền “bỗng dưng mà có” và “tiêu hoài không hết”. Họ không quan tâm tới những nỗ lực anh đã bỏ ra để gặt hái thành quả bây giờ, cũng không chấp nhận sự thật rằng, tiền của anh vốn không hề quan hệ tới họ. Anh giúp họ là lòng tốt, chứ không phải nghĩa vụ.
Một bộ phận những người làng ở đây đã thể hiện rất rõ bản chất của loại tâm lý đáng sợ: Chỉ biết đòi hỏi người khác nhưng không bao giờ tự yêu cầu bản thân mình.
03.
Thông qua những câu chuyện ở trên, chúng ta phải hiểu rằng: Không phải lúc nào dùng thiện ý hành xử cũng sẽ nhận lại thiện ý từ người đời xung quanh.
Thi ân mà không được báo đáp, thậm chí ăn cháo đá bát, qua cầu rút ván lại là chuyện rất bình thường. Nó xảy ra hàng ngày trong cuộc sống khiến chúng ta dần dần mặc định một điều sai trái như một đạo lý đương nhiên.
Cứ như vậy, ngày càng nhiều người tìm cách tự bảo vệ mình bằng “nguyên tắc 3 Không”: giả vờ không nhìn, không nghe và không biết. Nhờ đó, họ sẽ không phải đau đầu tìm cách từ chối những lời nhờ vả không thỏa đáng, cũng không phải lo lắng thiện ý của mình bị người khác giẫm đạp.
Lại có người xây dựng cho mình một số nguyên tắc, giới hạn cụ thể chứ không “ban phát một cách bừa bãi”. Điều đó sẽ khiến bạn không tự đẩy bản thân vào hoàn cảnh phải tự hỏi, “Lòng tốt của mình có sai ở đâu hay không?”
Trong cuốn sách “Lòng tốt của bạn cần thêm đôi phần sắc sảo”, tác phẩm trở thành best-seller, tạo nên cơn sốt nổi tiếng tại Trung Quốc, Hong Kong và Đài Loan của bác sĩ tâm lý Mộ Nhan Ca cũng cho rằng:
Chúng ta không sống để nhượng bộ, nhượng bộ càng nhiều, không gian cho việc hít thở càng ít. Bạn càng nhún mình, hạnh phúc sẽ càng xa tầm tay với. Và bạn cũng không cần đặt mình vào vị trí quá thấp.
Hãy phân biệt rõ ràng lòng tốt và sự nhu nhược. Nếu bạn chỉ một mực nhường nhịn người khác để lấy lòng hết lần này đến lần khác, tự bỏ qua nguyên tắc, tự chà đạp giới hạn của mình thì đó không còn là lòng tốt nữa.
Sự cho đi ngốc nghếch và hy sinh miễn cưỡng của bất cứ bên nào đều không bình thường.Chỉ có thẳng lưng lên, thế giới mới cho bạn thứ thuộc về bạn. Đời người vốn không ai nợ ai. Người khác đối tốt với bạn, là vì họ thích; còn bạn đối tốt với người khác, là do bạn cam tâm tình nguyện.
Bạn phải tin rằng, khi không có khả năng, chỉ nên đối tốt với những người tốt với mình mà thôi. Khi bạn có khả năng, trên thế gian này, không ai không đối xử tốt với bạn, mà cũng chẳng có ai bạn không đối xử tốt được cả.