MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tầm nhìn phát triển thành phố thông minh và bài học từ Thái Lan

Hướng tới cách mạng công nghiệp 4.0, Thái Lan đặt mục tiêu phát triển 100 thành phố thông minh vào năm 2022.

Thành phố thông minh được định nghĩa là thành phố sử dụng công nghệ thông minh, có cư dân thông minh và có sự hợp tác thông minh. Có thể hiểu thành phố thông minh được tích hợp đủ 3 yếu tố: công nghệ, con người và quản trị.

Trong Hội nghị thượng đỉnh ASEAN 2019, Thái Lan đã khởi xướng sáng kiến Hành lang kinh tế phương Đông (EEC) nhằm đưa 3 tỉnh thành của quốc gia này tiến tới mục tiêu phát triển thành phố thông minh. Dự án này đã đạt được những thành công nhất định.

Với mục tiêu tạo lập một trung tâm thương mại, đầu tư, giao thông vận tải và là cửa ngõ chiến lược ở châu Á, dự án này được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển thông suốt trên nhiều lĩnh vực tại ASEAN.

Hướng tới cách mạng công nghiệp 4.0, Thái Lan đặt mục tiêu phát triển 100 thành phố thông minh vào năm 2022. Khoảng cách tới mục tiêu đó đang ngày được rút ngắn sau sự hợp tác của chính phủ Thái Lan, Cơ quan xúc tiến kinh tế số (depa) với mạng lưới phát triển thành phố thông minh toàn cầu City Possible.

Có tới 27 thành phố tại Thái Lan đã được kết nối vào mạng lưới này, vốn được thiết kế để hỗ trợ đưa các ứng dụng công nghệ đi vào đời sống sinh hoạt của người dân. Mạng lưới này cũng cung cấp một nền tảng kết nối các nhà hoạch định, quy hoạch đô thị, các tổ chức phi chính phủ, các học giả nhằm trao đổi và xác định các thách thức có thể gặp phải. Điều này giúp họ có cơ hội học hỏi và thiết lập các giải pháp toàn diện hơn.

Phó điều hành dự án Thành phố toàn cầu của Mastercard, ông Miguel Gamino Jr nhận định: "Nhiều thành phố trên khắp thế giới cũng vấp phải vấn đề tương tự nhưng họ thường chọn phương án tự giải quyết một cách cô lập. City Possible sẽ giúp kết nối các thành phố qua việc chia sẻ nguồn lực và kiến thức quản lý. Điều này giúp tăng tốc độ tiến bộ đô thị hóa và quản trị thông minh."

Tầm nhìn phát triển thành phố thông minh và bài học từ Thái Lan - Ảnh 1.

Phó chủ tịch của Cơ quan xúc tiến kinh tế số Thái Lan, Tiến sĩ Passakon Prathombutr thì nêu quan điểm: "Là một quốc gia phụ thuộc vào nông nghiệp và du lịch, chúng tôi mong muốn các dự án thành phố thông minh có thể cung cấp một hệ sinh thái đồng nhất để thúc đẩy phát triển cả 2 lĩnh vực này. Điều này sẽ góp phần thu hẹp khoảng cách thu nhập và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả nước."

"Hai lĩnh vực quan trọng nhất là môi trường và kinh tế. Chúng tôi đặt vấn đề môi trường lên đầu bởi định nghĩa thành phố thông minh luôn phải đi đôi với một môi trường sạch, thân thiện.", ông nói thêm.

"Ô nhiễm và hạn hán là hai vấn đề môi trường lớn nhất mà người Thái đang phải đối mặt. Điều quan trọng là phải trang bị đủ các trang thiết bị cho cơ quan quản lý như máy cảm biến, hệ thống dữ liệu tích hợp, ứng dụng công nghệ số trong việc theo dõi, dự đoán các vấn đề môi trường sắp xảy đến."

Với việc thiết lập một bộ khung thống nhất, cùng sự thí điểm thành công một số dự án cụ thể đã giúp Thái Lan tiến gần hơn đến mục tiêu phát triển thành phố thông minh của mình.

Tuy nhiên, việc đổi mới cơ sở hạ tầng cũng đi kèm nhiều thách thức và trở ngại. Về mặt sử dụng hiệu quả nguồn lực và ứng dụng công nghệ, có ba thách thức quan trọng trước mắt: tư duy, tầm nhìn lãnh đạo của người quản lý, các quy định hiện hành và dư địa phát triển của thành phố.

Tiến sĩ Prathombutr nhận xét: "Nhiều nhà quản lý chưa cập nhật các kiến thức về công nghệ đủ để lên kế hoạch đổi mới. Có những người đủ điều kiện thì lại không dám mạnh dạn đưa ra các chiến lược đổi mới đột phá".

"Bởi đó ta mới được thấy tầm quan trọng của các dự án trao đổi kiến thức, thay đổi tư duy quản lý. Điều này sẽ đóng vai trò nòng cốt trong việc thiết kế chiến lược, cải thiện trình độ quản lý, kết nối các thành phố với nhau", ông giải thích thêm.

Thái Lan đang nhanh chóng trở thành bên đi đầu trong phát triển mạng lưới các thành phố thông minh, vốn được ASEAN đề xuất từ Hội nghị thượng đỉnh năm 2018. Mặc dù sự hợp tác giữa các thành viên trong khối vẫn còn hạn chế, sự tiến bộ của Thái Lan hay Singapore - với tư duy phát triển thành phố theo định hướng ứng dụng công nghệ - vẫn  đáng được công nhận.

Trong khi các nơi khác cũng có thể phải đối mặt với những thách thức tương tự Thái Lan, cam kết từ chính phủ vẫn luôn là điều kiện tiên quyết trong việc quy hoạch tầm nhìn, định hướng chiến lược phát triển các dự án thành phố thông minh.

Hoàng Linh

The ASEAN Post

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên