Tâm sự của người trong cuộc về khủng hoảng tài chính: Khi thua lỗ 99,9%, thứ bạn mất đi không chỉ là tiền
Đối với Popik và vô số các nhà đầu tư khác đã rơi vào hoàn cảnh tương tự, niềm tin vào sự công bằng của thị trường tài chính đã vỡ tan.
- 15-09-2018Kinh tế thế giới ra sao 10 năm sau 'thảm họa' Lehman Brothers
- 15-09-2018Đạo luật Dodd-Frank - 'Lá chắn khủng khoảng tài chính' thời hậu Lehman Brothers
- 14-09-2018JPMorgan chỉ ra 7 yếu tố sẽ châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo, dự báo khủng hoảng xã hội tồi tệ nhất 50 năm
- 14-09-2018Chuyện gì xảy ra trong văn phòng Lehman Brothers ở Anh sát ngày phá sản?
- 13-09-2018[Infographic] Lehman Brothers và vụ sụp đổ chấn động thị trường thế giới năm 2008
- 13-09-2018Ký ức kinh hoàng của những nhân viên Lehman Brothers bỗng nhiên trắng tay vì khủng hoảng tài chính 10 năm về trước
- 12-09-2018Kịch bản nào cho cuộc khủng hoảng toàn cầu tiếp theo?
- 09-09-20185 bài học vẫn còn như mới từ khủng hoảng tài chính 2008 mà mọi nhà đầu tư nên khắc cốt ghi tâm
Ngày 1/9 vừa qua, Barry Popik nhận được 1 tấm séc trị giá 35,98 USD. Đó là tất cả những gì còn lại của khoản đầu tư 25.000 USD mà anh đã rót vào cổ phiếu ưu đãi của Lehman Brothers tháng 2/2008. Nhưng tiền không phải là tất cả. Đối với Popik và vô số các nhà đầu tư khác đã rơi vào hoàn cảnh tương tự, niềm tin vào sự công bằng của thị trường tài chính đã vỡ tan.
Popik, người sống tại hạt Organe, cách thành phố New York khoảng 60 dặm về phía Bắc, là 1 nhà từ điển học rất kính trọng. Ông đã biên soạn cuốn từ điển online giải thích nguồn gốc của những từ như "hot dog" và "the Big Apple".
Ngày 12/2/2008, Lehman phát hành 1,65 tỷ USD cổ phiếu ưu đãi, với giá 25 USD/cổ, mức lợi tức hàng năm là 7,95%, có thể trả theo quý. Popik nói với người môi giới của mình rằng trên hết ông muốn giữ cho tiền của mình an toàn.
Popik đã được thừa kế cổ phiếu Lehman Brothers, nhưng người môi giới thôi thúc ông đổ thêm tiền vào Lehman, nói rằng đó là 1 khoản đầu tư an toàn. Ở thời điểm đó chẳng có ai nghi ngờ về lời khuyên này. Chỉ sau đó 2 tuần, Lehman báo cáo đạt doanh thu kỷ lục gần 60 tỷ USD và lợi nhuận ròng hơn 4 tỷ USD cho năm tài khóa 2007.
"Bạn nghĩ rằng mình đang đầu tư vào 1 công ty vững mạnh và khoản đầu tư đó có thể bảo vệ gia đình bạn", Popik nhớ lại. "Trong đó có phần tiền của cha mẹ tôi, thậm chí cả của ông bà tôi, và đó sẽ là tiền của các con tôi, cháu tôi. Tôi chỉ muốn an toàn".
Tháng 5 và tháng 8/2008, Popik nhận tổng cộng 990 USD tiền chia cổ tức từ Lehman. Nhưng ngày 14/9/2008, Lehman tuyên bố phá sản. Cổ phiếu này chẳng bao giờ trả cổ tức nữa và gần như mất 100% giá trị chỉ trong nháy mắt.
Popik mua số cổ phiếu này bằng tài khoản nghỉ hưu cá nhân (IRA), và theo luật của Sở thuế vụ Hoa Kỳ, ông thậm chí không được ghi giảm số lỗ này trong thu nhập.
Sau nhiều năm theo đuổi vụ kiện được khởi xướng bởi các quỹ hưu trí và các nhà đầu tư khác, những người nỗ lực tìm kiếm chút tiền bù đắp cho những gì đã mất ở Lehman, Popik nhận được tấm séc nói trên. 36 USD thậm chí chỉ bằng một phần rất nhỏ so với khoản phí môi giới mà ông đã trả khi mua cổ phiếu Lehman.
"Tôi muốn dựa vào những lời khuyên chuyên nghiệp từ cố vấn tài chính cá nhân để đưa ra các quyết định tài chính", Popik nói. Nhưng ông cay đắng nhận ra rằng hệ thống tài chính phục vụ các ngân hàng chứ không phải người dân, với các lãnh đạo Lehman tận hưởng những khoản lương thưởng triệu đô mà không bị trừng phạt khi Lehman đổ vỡ.
Popik chẳng phải là 1 gã khờ về tài chính, ông có cả bằng luật và bằng kinh tế, đồng thời cũng nhận thức được những mặt trái của chủ nghĩa tư bản, nhưng những người để cho 1 nhân viên môi giới định hình suy nghĩ của bản thân về sự an toàn tài chính dựa trên những số liệu đẹp đẽ của Lehman như Popik là 1 câu chuyện điển hình thường thấy.
Nguyên nhân là vì mọi người thường phản ứng thái quá với các thông tin dễ thấy và đặt kỳ vọng quá cao so với thực tế, theo Andrei Shleifer, giáo sư kinh tế tại ĐH Harvard và là đồng tác giả của cuốn sách mới xuất bản viết về khủng hoảng tài chính 2008 có tựa đề "A Crisis of Beliefs: Investor Psychology and Financial Fragility" (tạm dịch: Khủng hoảng niềm tin: Tâm lý nhà đầu tư và sự mong manh về tài chính).
"Khi tôi hỏi bạn có bao nhiêu người Ireland có mái tóc màu đỏ, bạn trả lời là 30% hoặc hơn, nhưng thực tế chỉ có 10%. Tương tự, bạn đoán ít nhất 1/3 hoặc thậm chí một nửa dân số Florida là hơn 65 tuổi, nhưng thực tế con số là 20%".
"Kỳ vọng của nhà đầu tư về lợi nhuận mà các sản phẩm đầu tư tài chính mang lại trong tương lai dựa trên 12 tháng gần nhất cũng vậy. Nếu thị trường ổn định và giá liên tục tăng, người ta nghĩ ngay rằng đó cũng là dấu hiệu cho thấy 1 tương lai ổn định, vì thế dẫn đến đánh giá quá thấp các rủi ro và kỳ vọng quá cao về lợi nhuận".
Kết quả là càng cảm thấy an toàn với khoản đầu tư của mình thì bạn càng bị sốc nặng như thua lỗ ập đến.
Cuộc khủng hoảng tài chính cũng đem đến một bài học đắt giá: điều tồi tệ xảy đến với người tốt trong khi người tồi tệ lại được hưởng điều tốt. Những lãnh đạo của thế giới tài chính giữ được khối tài sản kếch xù của họ, trong khi nhiều người tin tưởng vào họ lại phải gánh những khoản thua lỗ có thể thay đổi cả cuộc đời. Điều này vi phạm 1 nguyên tắc cơ bản mà các nhà đầu tư luôn tin tưởng: đầu tư là 1 trò chơi công bằng.
Ở thời điểm hiện tại, Popik vẫn sở hữu một vài cổ phiếu có chia cổ tức nhưng ông không tin có thứ gì thực sự an toàn. "Chẳng có ai đứng về phía bạn, không có ai quan tâm đến bạn đâu", Popik ngậm ngùi chia sẻ cảm xúc của mình.
Có lẽ niềm tin đã mất cũng chính là lý do ngăn cản thị trường không rơi vào trạng thái đầu cơ và sụp đổ dù đang ở trong thời kỳ tăng giá kỷ lục, chí ít là cho đến thời điểm hiện tại.