Tân Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên dầm mưa tìm kế chống ngập
Dưới cơn mưa nặng hạt, đoàn công tác của lãnh đạo TPHCM do tân Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên dẫn đầu đã dầm mưa đi khảo sát thực địa, thăm hỏi người dân bị ảnh hưởng và tìm giải giải pháp giải quyết tình trạng ngập nước tại quận Thủ Đức.
Chiều muộn 25/10, đoàn công tác của lãnh đạo TPHCM do ông Nguyễn Văn Nên - Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TPHCM dẫn đầu đã có mặt tại tuyến đường 16 (phường Linh Đông, quận Thủ Đức) để khảo sát tình hình thực tế dự án chống ngập cho khu vực này.
Tham gia đoàn công tác còn có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong; Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cùng đại diện một số sở, ban ngành TPHCM.
Tuyến đường 16 (phường Linh Đông, quận Thủ Đức) là khu vực vốn chịu ảnh hưởng nặng nề mỗi khi mưa lớn do có địa hình trũng thấp. Tại đây, sau khi nghe Bí thư Quận ủy quận Thủ Đức Nguyễn Mạnh Cường báo cáo tình hình và tiến độ thực hiện dự án giải quyết ngập cho khu vực này, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cùng đoàn đã đến một số hộ dân sống dọc theo tuyến kênh dọc tuyến đường sắt Bắc - Nam thăm hỏi đời sống sinh hoạt, cũng như những ảnh hưởng do tình trạng ngập nước gây ra.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong thăm hỏi người dân sinh sống ở khu vực đường 16 (phường Linh Đông, quận Thủ Đức). Ảnh: Thành ủy TPHCM
Chia sẻ với những khó khăn mà người dân gặp phải do tình trạng ngập nước gây ra, ông Nguyễn Văn Nên mong muốn người dân khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống. Bí thư Thành ủy cho biết mặc dù TPHCM đã cố gắng thực hiện các dự án chống ngập nhưng chưa thể giải quyết triệt để tình trạng ngập nước. Trong thời gian tới, TPHCM sẽ tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng ngập trên địa bàn TP, trong đó, tập trung xử lý những vị trí ngập nước trên địa bàn quận Thủ Đức.
Tiếp đó, dưới cơn mưa nặng hạt, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên và đoàn công tác đã tiếp tục dầm mưa đi khảo sát thực địa tuyến rạch Cầu Ngang, thăm một hộ dân sống cạnh tuyến rạch Cầu Ngang có hoàn cảnh khó khăn. Bí thư Thành ủy TPHCM đã ân cần thăm hỏi và chia sẻ với những khó khăn trong đời sống sinh hoạt của người dân.
Trước đó, báo cáo với đoàn công tác về tình hình thực hiện công tác giảm ngập nước trên địa bàn TPHCM, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Hòa Bình cho biết: Về tình hình ngập nước do mưa, đầu năm 2008 trên địa bàn TPHCM có 126 tuyến đường trục chính bị ngập. Đến năm 2016, TPHCM còn 40 tuyến đường. Ước tính đến hết năm 2020, TPHCM giải quyết được 11/17 tuyến đường ngập nước và 14/23 tuyến đường ngập nước đã xử lý tạm bằng giải pháp cấp bách.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong dầm mưa khảo sát công trình chống ngập và thăm hỏi hộ dân tại tuyến rạch Cầu Ngang (quận Thủ Đức). Ảnh: Thành ủy TPHCM
Về ngập do triều, có 9 tuyến đường trục chính ngập gồm 2 tuyến đường bị ngập nặng là đường Lương Định Của, Huỳnh Tấn Phát và 7 tuyến đường bị ngập nhẹ là đường Nguyễn Văn Hưởng, Xa lộ Hà Nội, Quốc lộ 50, Lê Văn Lương, Trần Xuân Soạn, Tỉnh lộ 10, Đường 26.
Về các giải pháp chống ngập trong thời gian tới, ông Lê Hòa Bình cho biết TPHCM sẽ nâng cao chất lượng quy hoạch, hiệu quả quản lý quy hoạch, trong đó tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm hại đến hệ thống thoát nước, làm tắc nghẽn dòng chảy, gây ngập; triển khai quy chế, giải pháp liên kết giữa các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
“Thành phố sẽ rà soát, bổ sung chính sách đủ mạnh để thu hút các nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo bước đột phá đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình giảm ngập, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hạ tầng thoát nước, xử lý nước thải. Trước mắt, thành phố sẽ tập trung thực hiện các giải pháp, công trình trọng yếu để giải quyết ngập nước” - ông Bình nói và cho biết Sở Xây dựng sẽ tăng cường liên kết, hợp tác khoa học - công nghệ, nâng cao năng lực dự báo phục vụ công tác xóa, giảm ngập nước, đồng thời phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tuyên truyền vận động người dân không xả rác xuống cống, kênh rạch, xâm hại hệ thống thoát nước….
Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, tình trạng ngập nước trên địa bàn có nhiều nguyên nhân, như: lũ đầu nguồn, mưa, triều cường, sụt lún, hệ thống thoát không đồng bộ, một số tuyến đường không có hệ thống thoát nước, công tác quản lý lỏng lẻo (cốt nền bất hợp lý), ý thức của người dân còn hạn chế… Do đó, để giải quyết tình trạng ngập nước, các sở ban ngành, đơn vị chuyên môn phải thực hiện đồng bộ các giải pháp công trình và phi công trình cũng như nghiên cứu xây dựng hệ thống đê dọc sông Sài Gòn. Sở Xây dựng tham mưu các giải pháp công trình, phân kỳ bố trí vốn đầu tư hợp lý.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh: Công tác phòng, chống ngập, giảm ngập nước là công việc thường xuyên của TPHCM. Đây là công việc vừa cấp bách nhưng cũng mang tính lâu dài và đòi hỏi phải tập trung giải quyết.
Làm việc với Sở Xây dựng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên lưu ý tình trạng ngập nước giảm ở khu vực này nhưng xuất hiện ở khu vực khác, kể cả những nơi có địa hình cao như quận Thủ Đức. Ảnh: Thành ủy TPHCM
Ông Nguyễn Văn Nên lưu ý: Gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên thời tiết, thủy văn có những diễn biến khó lường, luôn luôn thay đổi, phức tạp, thậm chí có lúc cực đoan. Chính vì lẽ đó, nhiều nơi trong cả nước hiện nay đang gánh chịu những hậu quả rất lớn, thiệt hại về tài sản, về người.
Theo ông Nên, thời gian qua, TPHCM đã lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiều việc cho chương trình giảm ngập nước, đem lại một số kết quả, giúp giảm ngập nước ở một số nơi, nhưng có điểm đáng lưu ý là có một số nơi xuất hiện điểm ngập mới mà điểm ngập mới nằm ở địa hình cao như Thủ Đức. Do đó, trong thời gian tới, TPHCM cần có những cuộc họp bàn kỹ hơn.
“Đây là vấn đề quan trọng, cấp bách để tập trung xử lý, nếu xử lý không giảm được ngay thì ít ra làm hết những việc đang làm hiện nay, những việc phải làm. Còn việc xử lý tình trạng ngập nước trên địa bàn TPHCM phải làm đồng bộ, phải có sức mạnh tổng hợp, chứ không chỉ đơn thuần xử lý cục bộ. Bởi lẽ, đây là việc lớn và vừa mang tính thực tiễn, khoa học, cơ sở khác để bàn. Hôm nay, tôi mong muốn các đồng chí cùng đi đến những địa điểm thực tế để mình tận mắt thấy được, chia sẻ với bà con và đặt ra trách nhiệm của mình phải làm thế nào để xử lý càng sớm, càng tốt. Bởi vì, theo dự báo thì tình hình mưa, lũ, bão đang diễn biến phức tạp. Nếu chúng ta không tập trung lo trước thì những sự việc đến sẽ trở tay không kịp” – Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh.
Tiền Phong