MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tân Bộ trưởng Giao thông: Không được tư túi, lợi ích nhóm khi làm BOT

"Giai đoạn vừa qua, cùng với các dự án nhà nước đầu tư, các dự án giao thông BOT đã tạo lên một diện mạo mới cho ngành giao thông cả nước, song các hạn chế cũng còn nhiều", tân Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể nói.

Chiều 26/10, Quốc hội đã phê chuẩn ông Nguyễn Văn Thể - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, giữ chức Bộ trưởng Giao thông Vận tải với tỷ lệ 93,98% tổng số đại biểu đồng ý.

Trả lời báo chí sau khi được Quốc hội phê chuẩn làm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), ông Nguyễn Văn Thể chia sẻ: "Tôi trân trọng cảm ơn Quốc hội đã phê chuẩn đề xuất của Chính phủ về việc bổ nhiệm tôi làm Bộ trưởng Bộ GTVT. Đây là một vinh dự, cũng là một trách nhiệm rất lớn của cá nhân.

Chúng ta đều biết, giao thông phải luôn đi trước một bước, nhưng trong giai đoạn hiện nay ngân sách hạn hẹp, kinh phí ít, nợ công tăng cao, vốn ODA cũng khó khăn, huy động xã hội còn hạn chế. Do đó, trước nhu cầu đầu tư rất lớn nhưng nguồn vốn lại hạn chế, tôi nghĩ rằng nhiệm vụ của ngành giao thông là rất khó khăn.

Dù vậy, Đảng, Nhà nước tin tưởng giao trách nhiệm, tôi sẽ cố gắng hết sức mình để cùng ngành giao thông, cố gắng tập trung phát triển ngành giao thông hiện nay và giai đoạn tới".

Nói về vấn đề BOT mà dư luận, báo chí nêu rất nhiều thời gian qua, ông Thể cho biết: "Bộ GTVT cách đây 3-4 năm đã tập trung rất nhiều tâm huyết để cụ thể hóa Nghị định 108 của Chính phủ nhằm phát triển giao thông. Tuy nhiên, qua thời gian triển khai chủ trương BOT, bản thân Bộ GTVT cũng nhận thấy có nhiều vấn đề đặt ra.

Do vậy, Bộ GTVT đã chủ động mời Bộ Xây dựng tham gia đi kiểm tra tại các tỉnh, cùng với Bộ Tài chính để xác định vị trí các trạm thu phí, cùng với chính quyền các địa phương để triển khai các dự án BOT cho đúng quy định.

Giai đoạn vừa qua, cùng với các dự án nhà nước đầu tư, các dự án giao thông BOT đã tạo lên một diện mạo mới cho ngành giao thông cả nước, song các hạn chế cũng còn nhiều.

Chủ trương của Đảng, Nhà nước về BOT là rất đúng, nhưng trong quá trình triển khai thì Bộ GTVT dù đã chủ động song việc tuân thủ luật pháp còn chưa đầy đủ. Nguyên nhân một phần do áp dụng theo Nghị định 108, đây là nghị định dành cho hình thức đầu tư PPP của tất cả các ngành, trong đó có giao thông.

Gần đây, Chính phủ đã ban hành nghị định 15, 30 quy định cụ thể hơn về các dự án BOT nên việc triển khai các dự án BOT theo 2 nghị định này đã chặt chẽ hơn.

Cách đây vài ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã có nghị quyết về vấn đề BOT. Tôi nghĩ tới đây, Bộ GTVT sẽ tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội, nếu cần thiết thì có thể nâng cấp Nghị quyết, Nghị định về BOT thành một pháp lệnh hoặc luật về PPP, thì lúc đó chúng ta sẽ thực hiện những dự án BOT theo đúng quy định pháp luật.

Tôi nghĩ rằng có làm thì cũng có đúng, có sai. Nhưng cái quan trọng là cái tâm của những người làm giao thông chúng tôi phải vì lợi ích chung, không tư túi, không vì lợi ích nhóm. Những người nào làm sai, có vấn đề thì chắc chắn pháp luật sẽ xử lý nghiêm. Cuối cùng là phải làm sao đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, của người dân, của doanh nghiệp.

Còn về cái chung, tôi nghĩ là nếu không làm BOT thì trong giai đoạn hiện nay chúng ta không thể phát triển hạ tầng giao thông được".

Theo Văn Kiên

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên