MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tấn công trực diện những điều kiện kinh doanh vô lý

Những điều kiện kinh doanh vô lý đang khiến nguồn lực trong dân không được khai thác hiệu quả.

Trở về từ cuộc gặp giữa Thủ tướng và cộng đồng doanh nghiệp ngày 29-4, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đã dành cho chúng tôi một cuộc trao đổi về vấn đề nóng nhất tại cuộc gặp: Điều kiện kinh doanh và giấy phép con.

Không cho phép các bộ bàn lùi

.Thưa ông, như ông đã từng đề cập, 6.000 giấy phép, điều kiện kinh doanh đang là lực cản khiến doanh nghiệp (DN) không thể phát triển. Vậy việc loại bỏ những điều kiện kinh doanh, nhất là từ ngày 1-7 tới, phải là một trọng tâm ưu tiên của Chính phủ?

+ Ông Vũ Tiến Lộc: Cùng với những tiến bộ của Hiến pháp, Luật DN, Luật Đầu tư, có lẽ việc kiên quyết loại bỏ những quy định, điều kiện và giấy phép kinh doanh không còn phù hợp đang cản trở quyền tự do kinh doanh của người dân, làm tăng rủi ro và chi phí cho DN cũng có những thuận lợi.

Cụ thể, ngày 25-4 vừa qua, Thủ tướng đã có mệnh lệnh dứt khoát thực hiện đúng yêu cầu của Luật DN, Luật Đầu tư, không cho phép các bộ bàn lùi về vấn đề này. Trước mắt, với gần 6.000 điều kiện kinh doanh, đến ngày 1-7 tới cần công bố đầy đủ đối với từng ngành nghề trên cổng thông tin quốc gia về DN theo quy định của Luật DN và Luật Đầu tư để mọi người dân, DN biết và tuân thủ.

Tôi hy vọng mệnh lệnh quan trọng này của Thủ tướng sẽ được các vị bộ trưởng thực thi nghiêm túc, không thể chậm trễ, với nhận thức rằng: Chậm trễ ngày nào là cản trở quyền tự do kinh doanh của DN, của người dân, cản trở sự phát triển của đất nước ngày đó.

. Những thực tế nào khiến ông cho rằng các điều kiện kinh doanh, giấy phép con bất hợp lý đang làm cản trở sự phát triển của DN và đất nước?

+ Rất nhiều. Đơn cử, theo Nghị định 109, DN xuất khẩu gạo phải có kho chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc và một cơ sở xay xát thóc, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn/giờ. Chỉ khi đáp ứng được điều kiện này, dn mới được cấp phép bán gạo sang các nước. Quy định này khiến có công ty xuất khẩu gạo tại Đồng Tháp phải lập một công ty cùng tên ở Singapore để nhập gạo của chính mình qua một đối tác được ủy thác xuất khẩu. Điều này khiến DN vừa tốn thời gian, vừa tốn chi phí.

Hay một công ty nhựa nhập một số hóa chất cơ bản trong danh mục cho phép để làm keo dán sản phẩm. Nhưng bất kể nhập một lô hàng nào cũng phải lên Cục Hóa chất thuộc Bộ Công Thương xin giấy phép. Hầu như hằng tuần, thậm chí vài ngày, đơn vị này lại phải đi xin giấy phép một lần. Việc này khiến DN mất rất nhiều thời gian, công sức, chi phí.

Hạn chế tối đa kẽ hở

. Một cách khái quát, ông thấy những điều kiện kinh doanh, giấy phép con gây ra tổn hại gì cho môi trường kinh doanh?

+ Các điều kiện kinh doanh, giấy phép con được ví von như một “rừng đinh” có khả năng “sát thương” cao đối với DN. Trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng 100.000 DN được thành lập nhưng số đơn vị giải thể, ngừng hoạt động chiếm khoảng 60%. Ngay trong quý I-2016 có gần 23.000 dn ngừng hoạt động và giải thể, tăng gần 14% so với cùng kỳ năm trước. Điều này một phần do quy luật đào thải và có một số ý kiến cho rằng đó là điều bình thường.

Tuy nhiên, điều bình thường ấy chỉ xảy ra trong những nền kinh tế mà số DN đã bão hòa, đáp ứng đầy đủ nhu cầu việc làm và sản xuất, kinh doanh. Còn đối với nền kinh tế nước ta, điều đó phải coi là bất thường trong bối cảnh số lượng DN chưa thể đáp ứng đủ yêu cầu của xã hội. Trong số những DN ngưng hoạt động hoặc giải thể, chắc chắn có không ít đơn vị bị những điều kiện kinh doanh, giấy phép con này làm gục ngã.

Những điều kiện kinh doanh bất hợp lý đang hành hạ DN chắc chắn sẽ làm nản lòng những người muốn đầu tư, kìm hãm và triệt tiêu các nguồn lực khi DN không được giải phóng năng lượng, nguồn lực trong dân không được khai thác triệt để.

Cũng do những điều kiện vô lý này, những rủi ro và chi phí, đặc biệt là chi phí không chính thức, vốn là những yếu tố cần thiết để bảo đảm an toàn và khoan sức DN đã không được giảm thiểu. So với các nước láng giềng, các rủi ro và chi phí về hành chính (giao dịch, gia nhập thị trường, tuân thủ luật pháp…) của Việt Nam đang ở mức cao. Các khoản thuế, phí ở Việt Nam hiện đã chiếm tới 40,8% lợi nhuận của DN. Đây là mức huy động thuộc loại cao nhất trong khu vực!

. Có một thực tế là các bộ, ngành dường như sẽ rất khó bỏ đi các giấy phép con, điều kiện kinh doanh ngay lập tức. Thưa ông, vậy phải làm sao để những tiến bộ của pháp luật đối với môi trường kinh doanh được thực thi triệt để, giảm thiểu cơ chế xin-cho?

+ Chúng tôi đã đề nghị tiến hành ngay việc tổng rà xét các quy định pháp luật về kinh doanh, các điều kiện kinh doanh và giấy phép kinh doanh đang còn hiệu lực. Qua đó loại bỏ những quy định không còn phù hợp đang cản trở quyền tự do kinh doanh.

Tôi cho rằng trong quá trình rà xét các giấy phép, điều kiện kinh doanh nói riêng và cải cách thủ tục hành chính nói chung, chúng ta nên tham khảo kinh nghiệm của các nền kinh tế dẫn đầu ASEAN. Học tập những thực tiễn tốt nhất theo hướng hạn chế tối đa các quy định, thủ tục tiền kiểm làm phát sinh thêm chi phí tuân thủ cho cả Nhà nước và DN. Hạn chế tối đa các kẽ hở cho công chức lợi dụng nhũng nhiễu, tham nhũng vặt đang rất phổ biến.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần đề nghị Quốc hội sửa một số luật chuyên ngành, bảo đảm tính nhất quán của hệ thống pháp luật, thực hiện đúng yêu cầu của Luật DN, Luật đầu tư và Luật ban hành văn bản pháp luật theo hướng: Chỉ có Quốc hội, Chính phủ mới có quyền ban hành các điều kiện và giấy phép kinh doanh hạn chế quyền kinh doanh. Chấm dứt ngay tình trạng tiếp tục giao quyền các bộ, ngành ban hành thông tư, quyết định xác lập điều kiện kinh doanh và giấy phép kinh doanh như quy định tại một số luật chuyên ngành hiện nay.

. Xin cám ơn ông.

Gửi tâm thư tới Thủ tướng

Trước thềm cuộc gặp giữa Thủ tướng và cộng đồng DN ngày 29-4, tổng giám đốc một công ty đã gửi tâm thư tới Thủ tướng để kể về “hành trình đi tới một giấy phép xây dựng”. Bức thư có đoạn: Cửa ải bắt buộc là “giấy chứng nhận thẩm định phương án phòng cháy chữa cháy (PCCC)”. Công ty con của tổng công ty đã nghe theo lời khuyên hãy thuê người bên họ (tức PCCC - PV) thiết kế giúp thì phương án dễ được phê duyệt và đã thỏa thuận đầy đủ mọi chi phí do PCCC đưa ra nhưng vẫn chưa đủ. Công ty còn phải chấp nhận “làm luật” mỗi lần PCCC đến kiểm tra.

Đến ngày hẹn, “một cửa” của PCCC trả lời đơn giản là chưa xong, các sếp bận chưa ký được. Một tuần sau cũng chưa xong, các sếp vẫn bận. Hai tuần sau “một cửa” thông báo sếp về rồi nhưng muốn ký được thì phải “tác động”. Quá mệt mỏi và bức xúc vì một dự án 200 tỉ đồng, thiết bị đã nhập về chất đống đầy sân đã nằm chờ nhiều ngày xin cấp phép xây dựng mà giấy của PCCC còn chưa xong. Không còn cách nào tốt hơn chúng tôi phải nghe theo lời khuyên của “một cửa” là tác động. Nhưng có thể tác động chưa đủ mạnh nên “một cửa” bảo vẫn phải chờ. Tới lúc này chúng tôi không còn chịu được nữa…

“Những điều như thế rất vô lý và luẩn quẩn. Thật trớ trêu khi việc nhập thiết bị và thi công thì có thời hạn. Còn việc cấp giấy phép là vô thời hạn” - bức thư viết.

Loại bỏ nút thắt làm méo mó thị trường

Tại cuộc gặp giữa Thủ tướng với DN diễn ra ngày 29-4, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh Bộ sẽ chủ động rà soát, kiến nghị Chính phủ bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, không còn phù hợp; đảm bảo công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan hành chính nhà nước; tiết giảm thủ tục đăng ký đầu tư, loại bỏ các nút thắt thể chế đang làm sai lệch và méo mó thị trường.

Cũng tại cuộc gặp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tập hợp rà soát các quy định về quản lý nhà nước, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không phù hợp. Thủ tướng nhấn mạnh: “Chính phủ, Nhà nước khi ban hành chính sách thì không được làm theo kiểu sáng nắng chiều mưa. Các cơ quan nhà nước khi ban hành chính sách, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm cuối cùng về chính sách của mình đưa ra. Phải coi DN là đối tượng được phục vụ”.

Thủ tướng quyết liệt

Báo cáo mới đây của Tổ công tác thi hành Luật DN và Luật Đầu tư tỏ ra dè dặt khi đề nghị các bộ phải tập hợp tất cả quy định về điều kiện kinh doanh được ban hành trái thẩm quyền hoặc không phù hợp với Luật Đầu tư kể từ sau 1-7-2015; báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ trước ngày 30-9-2016. Nhưng Thủ tướng kiên quyết ấn định thời hạn 1-7 tới phải có nghị định chung về điều kiện kinh doanh.

Gửi tâm thư tới Thủ tướng

Trước thềm cuộc gặp giữa Thủ tướng và cộng đồng DN ngày 29-4, tổng giám đốc một công ty đã gửi tâm thư tới Thủ tướng để kể về “hành trình đi tới một giấy phép xây dựng”. Bức thư có đoạn: Cửa ải bắt buộc là “giấy chứng nhận thẩm định phương án phòng cháy chữa cháy (PCCC)”. Công ty con của tổng công ty đã nghe theo lời khuyên hãy thuê người bên họ (tức PCCC - PV) thiết kế giúp thì phương án dễ được phê duyệt và đã thỏa thuận đầy đủ mọi chi phí do PCCC đưa ra nhưng vẫn chưa đủ. Công ty còn phải chấp nhận “làm luật” mỗi lần PCCC đến kiểm tra.

Đến ngày hẹn, “một cửa” của PCCC trả lời đơn giản là chưa xong, các sếp bận chưa ký được. Một tuần sau cũng chưa xong, các sếp vẫn bận. Hai tuần sau “một cửa” thông báo sếp về rồi nhưng muốn ký được thì phải “tác động”. Quá mệt mỏi và bức xúc vì một dự án 200 tỉ đồng, thiết bị đã nhập về chất đống đầy sân đã nằm chờ nhiều ngày xin cấp phép xây dựng mà giấy của PCCC còn chưa xong. Không còn cách nào tốt hơn chúng tôi phải nghe theo lời khuyên của “một cửa” là tác động. Nhưng có thể tác động chưa đủ mạnh nên “một cửa” bảo vẫn phải chờ. Tới lúc này chúng tôi không còn chịu được nữa…

“Những điều như thế rất vô lý và luẩn quẩn. Thật trớ trêu khi việc nhập thiết bị và thi công thì có thời hạn. Còn việc cấp giấy phép là vô thời hạn” - bức thư viết.

Loại bỏ nút thắt làm méo mó thị trường

Tại cuộc gặp giữa Thủ tướng với DN diễn ra ngày 29-4, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh Bộ sẽ chủ động rà soát, kiến nghị Chính phủ bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, không còn phù hợp; đảm bảo công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan hành chính nhà nước; tiết giảm thủ tục đăng ký đầu tư, loại bỏ các nút thắt thể chế đang làm sai lệch và méo mó thị trường.

Cũng tại cuộc gặp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tập hợp rà soát các quy định về quản lý nhà nước, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không phù hợp. Thủ tướng nhấn mạnh: “Chính phủ, Nhà nước khi ban hành chính sách thì không được làm theo kiểu sáng nắng chiều mưa. Các cơ quan nhà nước khi ban hành chính sách, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm cuối cùng về chính sách của mình đưa ra. Phải coi DN là đối tượng được phục vụ”.

Thủ tướng quyết liệt

Báo cáo mới đây của Tổ công tác thi hành Luật DN và Luật Đầu tư tỏ ra dè dặt khi đề nghị các bộ phải tập hợp tất cả quy định về điều kiện kinh doanh được ban hành trái thẩm quyền hoặc không phù hợp với Luật Đầu tư kể từ sau 1-7-2015; báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ trước ngày 30-9-2016. Nhưng Thủ tướng kiên quyết ấn định thời hạn 1-7 tới phải có nghị định chung về điều kiện kinh doanh.

Theo Chân Luận

Pháp luật TPHCM

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên