MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng mạnh khi cả thị trường lao dốc, giảm sâu khi chứng khoán đi lên, “ông tổng” Sông Đà “trái tính” đang như thế nào?

03-06-2018 - 11:25 AM | Doanh nghiệp

Giữa nước mắt của nhà đầu tư là cảnh "mở tiệc" ăn mừng của cổ đông "ông tổng" Sông Đà khi cổ phiếu SJG bỗng chốc tăng giá 71% chỉ trong 1 tuần giao dịch. Và, khi nhà đầu tư đang say trong sóng tăng của thị trường thì một mình SJG đi xuống.

Biến động thất thường cổ phiếu của "ông tổng" Sông Đà

Những ngày tháng 5, chứng trường đầy lời cay đắng của những người chưa kịp bán thì thị trường đã rơi và càng bắt dao rơi thì lại càng đứt tay. Hàng loạt cổ phiếu về mức giá thấp nhất 2-3 năm ròng bất chấp triển vọng kinh tế vẫn sáng và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp cũng sáng sủa hơn mấy năm trước đây.

Giữa nước mắt của nhà đầu tư là cảnh "mở tiệc" ăn mừng của cổ đông "ông tổng" Sông Đà khi cổ phiếu SJG bỗng chốc tăng giá 71% chỉ trong 1 tuần giao dịch.

"Ông tổng" Sông Đà lâu nay khá vô danh trên thị trường chứng khoán. Thực chất, với tên tuổi từng lừng lẫy một thời của mình, khi lên sàn vào tháng 2/2018, cổ phiếu SJG cũng thu hút được sự quan tâm của nhiều người. Tuy nhiên, sự quan tâm đó nhanh chóng bị cạn kiệt khi mà ông tổng lên sàn gần như chẳng ai mua, bán gì cổ phiếu. "Game" cũng nhàn nhạt khi mỗi sóng chỉ 10-15% và thanh khoản có vài trăm, vài nghìn cổ phiếu. Chẳng bõ bèn gì với thị trường chứng khoán hàng nghìn tỷ đồng vần vũ trao tay mỗi ngày.

Tăng ầm ầm khi cả thị trường lao dốc, giảm không phanh khi cổ phiếu ầm ầm đi lên, “ông tổng” Sông Đà “trái tính” đang như thế nào? - Ảnh 1.

Biến động giá cổ phiếu SJG từ khi lên sàn chứng khoán

Nhà đầu tư trên thị trường chưa kịp hiểu có "game" gì hay không thì bỗng nhiên, khi toàn thị trường chứng khoán tăng ồ ạt, cổ phiếu SJG lại ngược đời, giảm sâu. Phiên 29/5 là phiên hàng loạt cổ phiếu đảo chiều đi lên thì SJG đảo chiều từ trần xuống sàn. Tổng khối lượng khớp lệnh chỉ 200 cổ phiếu. 2 phiên sau đó, cổ phiếu không có giao dịch và phiên đầu tháng 6 này tiếp tục "đi tong" hơn 10% còn 8.600 đồng/cp.

"Ông tổng" Sông Đà "trái tính" đang như thế nào?

Nếu ai đang trông chờ vào game tăng vốn hay gì thì câu trả lời là theo kế hoạch đến năm 2020, vốn điều lệ của Tổng Sông Đà vẫn chỉ 4.495 tỷ đồng, tức bằng số vốn công ty dự kiến khi cổ phần hoá hồi năm 2017. Với mức vốn này, vốn điều lệ của Sông Đà lớn hơn một loạt các doanh nghiệp trong ngành xây dựng tại Việt Nam như Vinaconex (4.417 tỷ đồng), FLC Faros (4.300 tỷ đồng), Hòa Bình (954 tỷ đồng), Coteccons (770 tỷ đồng)…

Về kết quả kinh doanh, báo cáo tài chính gần nhất công ty công bố là báo cáo tài chính hợp nhất đã soát xét 6 tháng đầu năm 2017. Tại báo cáo này, tình hình kinh doanh sa sút so với cùng kỳ được thể hiện khá rõ ràng khi doanh thu chri còn 4.416 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ và lãi sau thuế chỉ còn hơn 75 tỷ đồng, giảm 61% so với cùng kỳ.

Còn về kế hoạch kinh doanh thời gian tới, "ông" Tổng Sông Đà vừa mới được Đại hội cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh không mấy sáng sủa với lợi nhuận tăng trưởng khá "ì ạch" trong 3 năm tới đây dù doanh thu tăng khá mạnh. Cụ thể: Năm 2018 công ty dự kiến tổng doanh thu 2.400 tỷ, năm 2019, doanh thu tăng ~21% lên mức 2.900 tỷ đồng và năm 2020 dự kiến tăng tiếp ~21% lên 3.500 tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận gần như không tăng trong 3 năm khi năm 2018 công ty lên kế hoạch lãi 207 tỷ đồng và năm 2019, 2020 giữ nguyên là 216 tỷ đồng. Cổ tức cũng được công ty "duy trì" ở mức 3%.

Tăng ầm ầm khi cả thị trường lao dốc, giảm không phanh khi cổ phiếu ầm ầm đi lên, “ông tổng” Sông Đà “trái tính” đang như thế nào? - Ảnh 2.

Tổng Sông Đà hiện có đến 12 công ty con và rất nhiều công ty liên kết. Các công ty này đều hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng nhà, các công trình kỹ thuật dân dụng và công nghiệp, thuỷ lợi…

Tổng tài sản của Tổng Sông Đà hiện đạt ~30.000 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả ~23.000 tỷ đồng. Tại thời điểm kết thúc 6 tháng đầu năm 2017, công ty còn theo dõi khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối hơn 1 nghìn tỷ đồng và quỹ đầu tư phát triển hơn 1.200 tỷ đồng.

Với lần IPO hồi cuối tháng 12 được coi như thất bại với chỉ 229 cá nhân tham dự và bán được chưa đầy 0,36% số cổ phần đưa ra đấu giá thì hiện tại, chỉ mới chưa đầy 670 nghìn cổ phiếu SJG được đăng ký giao dịch trên UpCOM. Giá cổ phiếu liên tục giảm và những nhà đầu tư tham gia đấu giá đã thua lỗ nặng nề, chuyện cổ phiếu SJG có lẽ chỉ còn một điểm sáng để đợi là cổ phần bán đấu giá bị "ế" sẽ xử lý thế nào vì lộ trình thoái bớt vốn Nhà nước xuống dưới 51% phải chờ đến 2020 mới tính tiếp được.

Hải An

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên