MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng giá điện, dịch vụ y tế phải đặt trong tính toán vĩ mô

Tăng quyền tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập, thu hút đầu tư xã hội vào dịch vụ công, tính đúng tính đủ chi phí trong điều chỉnh giá… được nghị quyết của Quốc hội đặt ra, nhưng không dễ thực hiện.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi bên hành lang Quốc hội ngày 8-11, TS Hoàng Quang Hàm - Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - ngân sách khẳng định lộ trình thị trường hóa giá các dịch vụ công (như viện phí, học phí), các mặt hàng thiết yếu do doanh nghiệp nhà nước còn chi phối (như điện) là việc không thể không làm, nhưng sớm hay muộn lại phụ thuộc vào điều hành của Chính phủ.

* Phát biểu tại Quốc hội, ông có đề nghị là phải minh bạch hóa, tính đúng, tính đủ chi phí giá cả các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu mà nhà nước còn chi phối. Nay nghị quyết của Quốc hội đã thể hiện giải pháp này, theo ông thì có thể thực hiện ngay được không?

- Có nhiều việc Chính phủ đã chỉ đạo làm, đang làm, ví dụ như giá các dịch vụ y tế. Hay là giá xăng dầu là một mặt hàng trước đây doanh nghiệp nhà nước chi phối, thì nay đã lên xuống theo thị trường. Lần này nghị quyết của Quốc hội nhấn mạnh như một giải pháp cần quyết tâm thực hiện.

Thực hiện như thế nào, vào thời điểm nào, thì lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó Chính phủ phải tính toán vĩ mô để cân nhắc lộ trình. Với những dịch vụ công như y tế, giáo dục hay mặt hàng thiết yếu như điện thì rất nhạy cảm, bởi việc tăng hay giảm giá sẽ lập tức ảnh hưởng đến toàn dân, tác động ngay đến chỉ số giá cả, lạm phát.

Tôi lấy ví dụ như viện phí, nếu điều chỉnh ngay theo nguyên tắc thị trường, nghĩa là phải tính đúng tính đủ chi phí, thì giá dịch vụ y tế có khả năng tăng đột biến, một giường bệnh đang 20.000 mà lập tức tăng lên 200.000/ngày thì sốc, người bệnh khó chấp nhận. Thành ra phải có lộ trình, như năm 2016 đưa chi phí gián tiếp rồi năm sau đưa cả chi phí trực tiếp vào, đến năm 2020 thì đưa thêm cả chi phí khấu hao vào.

Tất nhiên các đơn vị sự nghiệp công lập hay doanh nghiệp nhà nước nếu phải cung cấp dịch vụ hay bán hàng dưới giá thành thì họ mong muốn thúc đẩy lộ trình tăng giá, nhưng với Chính phủ thì luôn phải cân nhắc nhiều khi rất khó khăn, bởi nó phải nằm trong chính sách điều hành kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, làm sao để đảm bảo dung hòa.

* Nhưng làm thế nào để dung hòa? Ví dụ, với mặt hàng rất quan trọng là điện, mỗi khi EVN đề nghị tăng giá thì thường dư luận phản ứng và không ít lần Chính phủ không cho tăng và trong trường hợp này đâu chỉ có “ông điện” kêu mà “ông khí”, “ông than” là sản phẩm đầu vào của điện cũng kêu… Hay với giá dịch vụ y tế cũng thế, đôi khi cả dân và bệnh viện đều kêu?

- Chính vì vậy Chính phủ mới phải xây dựng các nghị định để thực hiện lộ trình thị trường hóa giá cả các dịch vụ công và mặt hàng thiết yếu, trong đó phải tính toán được các chi phí hình thành giá. Việc này các bộ, ngành thực hiện chậm, tuy nhiên tôi có đồng cảm với họ là việc xây dựng các nghị định như vậy không phải dễ.

Bởi như tôi đã nói trong điều kiện kinh tế - xã hội của mình còn khó khăn, thu nhập bình quân vẫn thấp, thành ra điều chỉnh giá luôn phải đặt trong yêu cầu bắt buộc là đảm bảo an sinh xã hội.

Bây giờ phải làm rõ ra, những người có thu nhập trung bình, thu nhập cao thì họ tự lo, còn người nghèo thì Nhà nước phải hỗ trợ. Ví dụ nhà nước hỗ trợ người nghèo một phần bảo hiểm y tế, giáo dục, giá điện sinh hoạt…, tức là nhà nước cũng phải bỏ tiền ra và dân cũng phải bỏ tiền ra.

Đối với doanh nghiệp cũng vậy, tới đây phải tách bạch ra phần nào họ sử dụng tài sản nhà nước, khấu hao tài sản đó thế nào. Khi giá cả dịch vụ được tính đúng, tính đủ thì phần khấu hao tài sản nhà nước phải thu về ngân sách.

Khi mà minh bạch hóa các yếu tố như vậy, với một thị trường cạnh tranh lành mạnh, thì sẽ không còn chuyện các bên đều kêu như bạn nói.

Tôi lấy ví dụ đối với ngành y tế, bây giờ bắt đầu cạnh tranh rồi, thì bên cạnh việc tăng giá thì các cơ sở y tế phải cạnh tranh về chất lượng dịch vụ để thu hút bệnh nhân, và trong đó người bệnh cũng được lợi.

* Có ý kiến cho rằng khi để cho doanh nghiệp định giá trên cơ sở tính đúng, tính đủ chi phí thì sẽ có lợi hơn. Bởi khi doanh nghiệp nhà nước bị lỗ thì ngân sách không thu được thuế, các khoản nợ lớn lên, khó thu hút đầu tư vào lĩnh vực đó…, còn nếu để họ tính đúng, tính đủ giá thành, làm ăn có lãi thì ngân sách thu được thuế, tiền thuế đó phục vụ an sinh xã hội, trong khi thị trường không bị méo mó?

- Vấn đề vẫn như tôi nói ở trên là Chính phủ tính toán như thế nào cho có lợi nhất và tính thời điểm của nó. Chẳng hạn điện tăng giá thì ảnh hưởng đến chi phí đầu vào của rất nhiều ngành sản xuất chứ không chỉ là sinh hoạt của người dân, nhưng nếu cứ níu giá lâu thì xảy ra tình trạng như bạn nói.

Nên phải hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, người dân và Nhà nước chứ không phải cứ nói tăng là tăng được.

Ở đây có cả 3 lợi ích: Nhà nước, người dân, doanh nghiệp. Nhà nước phải tính là người dân có chịu được không, nền kinh tế bị tác động thế nào. Ta mong muốn điều hành theo quy luật của kinh tế thị trường nhưng cũng có qui luật của nền kinh tế nữa, có những cái quan hệ đan xen và Chính phủ phải điều hành để ổn định vĩ mô.

Lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng trong đó có giá điện phải tiệm cận theo giá thị trường mà Chính phủ đã xác định là chắc chắn phải làm rồi. Nhưng nó phải đi theo xu hướng không gây nên bất ổn, không gây ảnh hưởng lớn quá đến người dân.

Theo LÊ KIÊN thực hiện

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên