MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng hàng chục phần trăm chỉ trong thời gian ngắn, cổ phiếu hàng không đã đến thời “cất cánh”

Trong 9 tháng đầu năm 2017, sản lượng vận tải hành khách đạt 47,1 triệu lượt, vận tải hàng hóa đạt 833 nghìn tấn, tăng tương ứng 20,3% và 34% so với cùng kỳ 2016. Dự kiến năm 2017, sản lượng thông qua các hàng hàng không đạt 94,5 triệu khách (+17% yoy) và 1,4 triệu tấn hàng hoá (+25,8% yoy).

Trong vài tháng gần đây, cổ phiếu hàng không sau thời gian dài “lặng sóng” đã trở thành tâm điểm tìm đến của dòng tiền. Tính từ đầu quý 4 tới nay, không ít cổ phiếu trong ngành hàng không đã có mức tăng trưởng vài chục phần trăm, bỏ xa mức tăng chung của thị trường như VJC (tăng 23%), HVN (tăng 49%), ACV (tăng 24%), NCT (tăng 33%), SCS (tăng 26%)…


Cổ phiếu hàng không cất cánh

Cổ phiếu hàng không "cất cánh"

Việc nhóm cổ phiếu hàng không tăng mạnh trên thực tế cũng không bất ngờ bởi đây là ngành có nhiều tiềm năng tăng trưởng.

Theo số liệu từ Cục Hàng không Việt Nam (CAA), trong 9 tháng đầu năm 2017, sản lượng vận tải hành khách đạt 47,1 triệu lượt, vận tải hàng hóa đạt 833 nghìn tấn, tăng tương ứng 20,3% và 34% so với cùng kỳ 2016. Dự kiến năm 2017, sản lượng thông qua các hàng hàng không đạt 94,5 triệu khách (+17% yoy) và 1,4 triệu tấn hàng hoá (+25,8% yoy).

Trong khi đó, quá trình đầu tư nâng cấp hạ tầng Hàng không vẫn chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng sản lượng khiến một số Cảng Hàng không rơi vào tình trạng quá tải. Năm 2017, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) thực hiện kế hoạch chi 6.050 tỷ đồng để nâng cấp 6 Cảng Hàng không, bao gồm Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Phú Quốc, Phù Cát, Chu Lai.

Nâng cấp hệ thông cảng Hàng không (CHK)

Theo nhận định của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) về thị trường hàng không thế giới giai đoạn 2015-2035, Việt Nam nằm trong nhóm 5 thị trường có tốc độ tăng trưởng lượng khách di chuyển bằng đường hàng không cao nhất thế giới (sau Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Indonesia) với mức tăng trưởng khá hấp dẫn khoảng 8,2%/năm.

Trong Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Hàng không giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, đến năm 2020 sẽ có 29 CHK được đưa vào khai thác, sử dụng, trong đó có 13 CHK quốc tế và 16 CHK nội địa, với khả năng luân chuyển 62-106 triệu hành khách và 2-4 triệu tấn hàng hóa. Theo đó, trong năm 2018, các CHK đã hoạt động vượt công suất thiết kế và có nhiều tiềm năng tăng trưởng sẽ được ưu tiên đầu tư nâng cấp, bao gồm Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc, ….

Theo thông tin từ Cục Hàng Không Việt Nam, trong giai đoạn 2016-2018, khoảng 18 nghìn tỷ đồng sẽ được đầu tư mở rộng các cảng hàng không khắp cả nước. Trong đó, hơn 6 nghìn tỷ đồng sẽ được dành cho việc đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng thuộc khu bay và hơn 11 nghìn tỷ đồng đầu tư nâng cấp công trình nhà ga, sân đậu.

Nâng cấp đội bay

Thời điểm cuối năm 2017, đội bay của các hãng Hàng không Việt Nam gồm khoảng 180 chiếc, chủ yếu là các dòng Airbus A320, A321 nhằm phục vụ các chuyển bay nội địa và khu vực châu Á. Theo số liệu mới nhất từ CAPA Fleet Database, Việt Nam hiện đứng thứ 6 trong khu vực Đông Nam Á về số lượng máy bay đang khai thác và đơn đặt hàng máy bay đã vươn lên hạng thứ 3, sau Malaysia và Indonesia.

Theo Dự thảo Chiến lược phát triển sản phẩm vận chuyển hàng không và đội tàu bay dân dụng Việt Nam giai đoạn 2016-2020 của Cục Hàng không Việt Nam, quy mô đội tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam đến năm 2020 sẽ vào khoảng 230 chiếc. Vietnam Airlines sẽ tăng mạnh các dòng máy bay thân rộng như Boeing 787 hay Airbus A330, A350, trong khi các hãng hàng không giá rẻ như Vietjet Air hay Jetstar Pacific tiếp tục tập trung vào dòng Airbus A321, A320.

CTCK VCBS nhận định thị trường Hàng không vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng dựa vào (1) thu hút khách du lịch quốc tế, (2) tầng lớp trung lưu với nhu cầu du lịch, thăm thân gia tăng nhanh, (3) tăng trưởng hoạt động đầu tư FDI trong khu vực, (4) kế hoạch nâng công suất khai thác các CHK và (5) kế hoạch tăng trưởng đội bay của các hãng hàng không Việt Nam.

Tuy nhiên, do tốc độ phát triển hạ tầng vẫn còn chậm, trong năm 2018, tăng trưởng của ngành có thể chậm lại đôi chút so với năm 2017, mặc dù vẫn duy trì ở mức cao so với khu vực và thế giới. Trong khi đó, các hãng Hàng không nội địa sẽ đối mặt với một số thách thức trong việc duy trì tăng trưởng, bao gồm: (1) sự gia nhập của các hãng Hãng không quốc tế như AirAsia, (2) áp lực tăng chi phí nhiên liệu và phí khai thác sân bay.

VCBS dự báo sản lượng vận tải hành khách năm 2018 đạt khoảng 74,1 triệu lượt (+18% yoy). Trong đó, lượng hành khách quốc tế đạt 14 triệu lượt (+30% yoy), lượng hàng khách nội địa đạt 60,1 triệu lượt (+16% yoy). Các hãng Hàng không Việt Nam vận chuyển khoảng 51 triệu lượt khách (+16% yoy).

Công ty Quản lý quỹ Bảo Việt (Bảo Việt Fund) cũng là một trong những quỹ đầu tư hưởng lợi từ cổ phiếu hàng không. Cổ phiếu HVN của Hãng hàng không Việt Nam (VietnamAirLines) là một khoản đầu tư khá trọng điểm của quỹ này.

Minh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên