MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng hơn 20 điểm sau chuỗi ngày giảm sâu, thị trường liệu đã tạo đáy hay tiếp tục “bull trap”?

VnIndex đã điều chỉnh 23,4% tính từ đỉnh 1211 xuống mức thấp 927,47 và đây là mức điều chỉnh rất lớn nếu xét trong một bối cảnh hoàn toàn không có khủng hoảng; lạm phát tăng cao (lạm phát hiện đang thấp) hay sự xấu đi đột ngột của các chỉ báo kinh tế vĩ mô chủ chốt trong nước.

Sau chuỗi ngày điều chỉnh mạnh gần đây, phiên giao dịch 29/5 đã khép lại với những tín hiệu tích cực khi sắc xanh phủ kín 3 sàn. Đóng cửa phiên giao dịch, chỉ số VnIndex tăng 20,43 điểm (2,19%) lên 952,18 điểm và cũng là mức tăng mạnh nhất trong 3 tuần qua.

Không chỉ tăng mạnh về điểm số, tín hiệu tích cực trong phiên còn đến từ yếu tố thanh khoản. Khối lượng khớp lệnh trên HoSE đạt 155 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị 4.245 tỷ đồng, thấp hơn phiên giảm sâu trước đó nhưng cao hơn đáng kể so với mặt bằng chung từ đầu tháng.

Giao dịch khối ngoại cũng đáng chú ý khi áp lực bán ròng đã hạ nhiệt rõ nét. Trong phiên giao dịch 29/5, áp lực bán ròng trên toàn thị trường chỉ vỏn vẹn 20 tỷ đồng, so với mức bán ròng hàng trăm tỷ đồng những tuần trước là dấu hiệu khá tích cực. Cần lưu ý, trong phiên giao dịch trước đó, khối ngoại đã trở lại mua ròng 20 tỷ đồng.  

Mặc dù có những tín hiệu tích cực, tuy nhiên sau chuỗi ngày giảm sâu liên tiếp với những phiên "bull trap" đan xen đã khiến tâm lý giới đầu tư trở nên thận trọng hơn rất nhiều. Câu hỏi được đặt ra lúc này là thị trường đã chính thức tạo đáy hay tiếp tục là một đợt "bull trap"?

Tăng hơn 20 điểm sau chuỗi ngày giảm sâu, thị trường liệu đã tạo đáy hay tiếp tục “bull trap”? - Ảnh 1.

Thị trường liệu đã chính thức tạo đáy hay tiếp tục "bull trap"?

Trong bản tin nhận định thị trường vừa được đưa ra, CTCK HSC cho rằng để trả lời được câu hỏi trên cần phụ thuộc vào một số nhân tố dưới đây:

(1) Giá dầu hiện đã giảm trở lại và không còn là mối lo. Theo HSC, giá dầu nằm trong biên độ 60-65 USD sẽ không ảnh hưởng đến thị trường và từ đó giá dầu không còn là yếu tố tiêu cực.

(2) Đồng USD – có tiếp tục mạnh lên hay không? Đêm qua chỉ số đô la ICE (tính dựa trên giỏ các đồng tiền chính tính theo tỷ trọng thương mại) đã hướng về ngưỡng kháng cự 95 và giảm nhẹ trở lại. Đây là ngưỡng kháng cự mạnh trong vài tháng qua và theo đó chỉ số đô la ICE có lẽ sẽ có thời gian củng cố. Nếu điều này xảy ra sẽ tích cực cho thị trường. Giá dầu giảm cũng hỗ trợ cho yếu tố này.

(3) GTGD – GTGD trong những tuần gần đây thấp hơn khoảng 19,5% so với mức bình quân trong quý 1 và những nhịp hồi ngắn hạn gần đây không giúp GTGD tăng khi giá tăng. Phiên hôm nay hơi khác một chút với mức độ tham gia thị trường của NĐT được cải thiện so với những nhịp hồi trước trong thời gian gần đây. Điều này cho thấy niềm tin của NĐT ở mặt bằng giá hiện tại đã tăng lên.

(4) Yếu tố dư thừa nguồn cung – do quy mô thương vụ bán cổ phần Vinhomes và Techombank là rất lớn, nên một số quỹ đầu tư nhiều khả năng đã bán bớt cổ phiếu khác để có tiền tham gia 2 thương vụ này, từ đó dẫn đến dư thừa nguồn cung cổ phiếu trên thị trường. Tuy nhiên hiện Vinhomes đã niêm yết còn Techcombank cũng sẽ niêm yết vào đầu tháng 6. Từ đó, sự ảnh hưởng của 2 thương vụ trên chỉ còn gói gọn ở ảnh hưởng của 2 cổ phiếu Vinhomes và Techombank đối với Vnindex tương ứng với tỷ trọng của mình. Do vậy hiện đây cũng không còn là yếu tố tiêu cực.

(5) Mặt bằng định giá cao – theo dự báo của HSC, mức P/E dự phóng năm 2018 của 70 mã vốn hóa lớn nhất là 19,98 lần khi thị trường ở đỉnh. Hiện mức P/E này đã giảm về 15 lần. Và đây cũng không còn là yếu tố tiêu cực.

(6) Cho vay margin – theo ước tính của HSC, hiện mức cho vay margin đang thấp hơn 35% so với đỉnh gần đây. Đã có những dấu hiệu cho thấy các NHTM trong nước đang thắt chặt cho vay mới đối với hoạt động cho vay margin vài tuần trước. Hiện rõ ràng với mức cho vay margin giảm mạnh như trên, thì nguồn vốn dành cho vay margin hiện đã trở nên dồi dào. Và đây cũng không còn là yếu tố tiêu cực.

VnIndex đã điều chỉnh 23,4% tính từ đỉnh 1211 xuống mức thấp 927,47 và đây là mức điều chỉnh rất lớn nếu xét trong một bối cảnh hoàn toàn không có khủng hoảng; lạm phát tăng cao (lạm phát hiện đang thấp) hay sự xấu đi đột ngột của các chỉ báo kinh tế vĩ mô chủ chốt trong nước.

Trong 6 yếu tố đề cập ở trên, HSC cho rằng chỉ có diễn biến của đồng USD là đáng lo ngại. Trong khi đó tác động (tiêu cực) của 5 yếu tố còn lại gần như đã biến mất sau khi thị trường điều chỉnh mạnh.

Do vậy, HSC đánh giá diễn biến phiên 29/5 có vẻ giống với động thái lập đáy hơn là một nhịp hồi tạm thời như trong tuần trước. Tuy nhiên lực bán ra đã mạnh lên về cuối phiên khi VnIndex chạm đường MA 200 ngày là điều đáng lo ngại.

Cũng theo HSC, trừ khi VnIndex vượt trở lại lên trên đường MA 200 ngày trong khoảng 1 hay 2 phiên tới và được xác nhận, bằng không gần như chắc chắn Vnindex sẽ giảm trở lại và kiểm định các mức thấp. Phiên giao dịch tiếp theo sẽ cho thấy xu hướng ngắn hạn của thị trường.

Minh Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên