Tăng kịch trần thuế nhập khẩu một số máy móc cơ khí?
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đang lên phương án điều chỉnh thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng máy móc cơ khí hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất máy móc, thiết bị trong nước sản xuất được nhằm thúc đẩy ngành cơ khí phát triển để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong các dự án đầu tư.
- 29-06-2016Trung Quốc dọa kiện Mỹ tại WTO vì thuế nhập khẩu thép
- 28-06-2016Thuế nhập khẩu xăng dầu đang gây bất lợi cho người tiêu dùng?
- 23-06-2016Mỹ áp thuế chống bán phá giá với thép nhập khẩu Trung Quốc, Nhật
Theo Bộ Tài chính, qua rà soát 1.269 dòng thuế là các mặt hàng mặt hàng máy móc, thiết bị cơ khí nhận thấy, có 158 dòng hàng là linh kiện, phụ tùng thuộc danh mục các mặt hàng trong nước đã sản xuất được, trong đó 104 dòng hàng đã có mức thuế suất MFN bằng mức cam kết WTO; 54 dòng hàng có mức thuế suất thấp hơn mức cam kết WTO thuộc đối tượng xem xét điều chỉnh tăng thuế suất lên bằng WTO.
Sau khi rà soát các mặt hàng này theo nguyên tắc đảm bảo phù hợp khung thuế suất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Danh mục máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế, phương tiện vận tải chuyên dùng, nguyên liệu, vật tư, linh kiện, bán thành phẩm trong nước đã sản xuất được, Bộ Tài chính dự kiến điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu của 4 mặt hàng máy móc cơ khí.
Cụ thể, thuế nhập khẩu mặt hàng máy sản xuất bia (mã 8438.40.00) dự kiến tăng từ 3% lên 5%; máy để sản xuất giấy hoặc bìa (mã 8439.20.00) tăng từ 2% lên 5%; bộ phận của máy giặt (mã 8450.90.10) tăng từ 3% lên 5%; máy xát vỏ cà phê (mã 8438.80.11) tăng từ 3% lên 5%.
Trong phương án điều chỉnh, có 3 mặt hàng được tăng kịch trần cam kết WTO cũng như khung thuế suất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Riêng mặt hàng bộ phận của máy giặt không tăng kịch trần để đảm bảo nguyên tắc thuế suất bộ phận không cao hơn thuế suất của sản phẩm nguyên chiếc.
Bộ Tài chính tính toán, sau khi điều chỉnh thuế, số thu vào ngân sách Nhà nước về thuế nhập khẩu tăng khoảng 24 tỷ đồng nếu kim ngạch nhập khẩu tương đương năm 2015.
Báo hải quan