Tăng lãi suất USD: Hệ lụy khó lường
Gần đây, một số chuyên gia kinh tế đề nghị tăng trần lãi suất USD như là giải pháp để thu hút ngoại tệ trong dân. Chuyện tăng lãi suất USD luôn là đề tài nóng hổi với các luồng ý kiến đồng tình cũng như những phản biện, cần xem xét đến những hệ lụy có thể xảy ra.
- 29-07-2017Nâng trần lãi suất USD lên bao nhiêu còn phụ thuộc nhiều yếu tố!
- 28-07-2017TP.HCM: Lãi suất USD 0%/năm, tiền gửi ngoại tệ tiếp tục giảm trong tháng 7
- 25-07-2017Ngân hàng Nhà nước sẽ kiên định chính sách lãi suất USD ở 0%?
Lộ trình giảm lãi suất USD
Sau một thời gian dài các ngân hàng duy trì lãi suất tiền gửi USD từ 4 - 6%/năm từ năm 2011 trở về trước, thì từ ngày 13/4/2011, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bắt đầu áp dụng mức trần lãi suất huy động USD tại các tổ chức tín dụng (TCTD) qua việc ban hành Thông tư số 09/2011/TT-NHNN, theo đó, đối với các tổ chức kinh tế, mức trần được áp dụng là 1%, cá nhân là 3%/năm. Đây được xem là giải pháp kỳ vọng hạn chế tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế.
Dù vậy, mức trần lãi suất huy động USD tại Việt Nam khi đó nếu so với mức lãi suất cơ bản USD của Mỹ do FED đặt ra vẫn ở mức khá cao.
Cụ thể, FED đã liên tục giảm lãi suất đồng USD từ mức 5,25% vào tháng 4/2007 xuống mức thấp kỷ lục 0 - 0,25%/năm vào tháng 12/2008 và duy trì suốt 7 năm sau đó nhằm hỗ trợ nền kinh tế thoát khỏi khủng hoảng. Chính vì vậy, dòng vốn rẻ từ Mỹ đã tìm đến các thị trường có lãi suất cao như Việt Nam để kiếm lợi thông qua kinh doanh chênh lệch lãi suất (carry trade).
Với định hướng giảm bớt tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế nhằm hạn chế những bất ổn do thị trường ngoại hối gây ra, NHNN tiếp tục giảm dần trần lãi suất huy động USD về chỉ còn 0% đối với cả tổ chức lẫn cá nhân kể từ 18/12/2015.
Đáng chú ý, động thái này chỉ diễn ra sau đúng một ngày FED tăng lãi suất thêm 0,25%, cho thấy NHNN đã nghiên cứu kỹ những hệ quả có thể xảy ra và tự tin với chính sách mới này.
Kết quả là dòng vốn USD đã dần dịch chuyển sang VND để tìm kiếm lãi suất cao hơn, cụ thể tiền gửi USD tại các ngân hàng giảm dần, trong khi tiền gửi VND tăng lên đáng kể nhờ dòng vốn găm giữ, đầu tư ngoại tệ trước đây đã chuyển sang VND, nhất là trong bối cảnh tỷ giá và lạm phát được kiểm soát ổn định, khiến việc nắm giữ đồng USD không còn nhiều hấp dẫn với kỳ vọng tăng giá mạnh như giai đoạn trước đây.
Với lượng tiền gửi VND tăng mạnh giúp thanh khoản của các ngân hàng trở nên dồi dào và có cơ hội giảm lãi suất huy động đầu vào VND.
Tăng lãi suất USD, hệ quả khó lường
Nếu tăng lãi suất huy động USD trở lại theo như một số ý kiến đề xuất gần đây thì hệ quả đầu tiên là chi phí vốn huy động đầu vào USD của các ngân hàng sẽ tăng, dĩ nhiên lãi suất cho vay USD sẽ tăng. Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu có vay USD khi đó sẽ chịu mức lãi suất vay cao hơn, do đó có thể phải tăng giá bán sản phẩm để duy trì tỷ suất sinh lời. Kết quả là hàng nhập khẩu tăng giá có thể ảnh hưởng lên lạm phát vốn đang được kiểm soát ổn định, trong khi hàng xuất khẩu nếu tăng giá sẽ giảm lợi thế cạnh tranh.
Hiện tại chênh lệch lãi suất tiền gửi VND và USD đang duy trì ở mức từ 5 - 7% tùy theo kỳ hạn, do đó nếu tăng lãi suất USD thì mức chênh lệch này sẽ co hẹp lại và có thể làm đảo ngược sự chuyển dịch vốn từ USD sang VND.
Trong bối cảnh các doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay gặp khá nhiều khó khăn để duy trì sức cạnh tranh so với các nước khác, nhất là khi VND thực tế vẫn đang bị định giá cao so với các đồng tiền khác, thì việc chi phí tài chính tăng lên sẽ càng khiến các doanh nghiệp xuất khẩu gặp thêm khó khăn. Nếu lãi suất tiền gửi USD tăng, các doanh nghiệp xuất khẩu có nguồn thu ngoại tệ sẽ có xu hướng găm giữ ngoại tệ trên tài khoản với kỳ vọng vừa được hưởng lãi vừa trông chờ vào sự điều chỉnh của tỷ giá, thay vì chuyển sang VND.
Thứ hai, nếu lãi suất USD tăng sẽ tăng áp lực tăng lãi suất huy động VND. Hiện tại chênh lệch lãi suất tiền gửi VND và USD đang duy trì ở mức từ 5 - 7% tùy theo kỳ hạn, do đó nếu tăng lãi suất USD thì mức chênh lệch này sẽ co hẹp lại và có thể làm đảo ngược sự chuyển dịch vốn từ USD sang VND. Các ngân hàng khi đó muốn hạn chế tình trạng này buộc phải tăng lãi suất VND lên tương ứng đảm bảo mức chênh lệch được giữ nguyên, để khách hàng vẫn duy trì tiền gửi VND.
Thứ ba, khi lãi suất huy động đầu vào VND tăng, lãi suất cho vay VND sẽ tăng theo nguyên lý "nước lên thuyền lên". Đây rõ ràng là điều mà nhà điều hành không muốn xảy ra, khi suốt thời gian qua luôn định hướng phải giảm thêm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp và tăng trưởng nền kinh tế. Theo Đề án Tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 thì mục tiêu đến năm 2020, lãi suất cho vay giảm về mức 5%.
NHNN đã đạt được một số kết quả nhất định trong lộ trình chống đô la hóa trong những năm vừa qua, nhất là từ khi giảm trần lãi suất USD về 0%. Trong một chia sẻ gần đây, NHNN cho rằng quy định về trần lãi suất tiền gửi USD được kết hợp đồng bộ với điều hành tỷ giá trung tâm và các giải pháp thị trường ngoại tệ đã góp phần ổn định tỷ giá, kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.
Doanh nhân Sài Gòn