Tăng lương cho công chức, viên chức: Cách nào?
Phải nghiêm túc đánh giá chất lượng công việc, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng cán bộ công chức và cần có nguồn để cải cách tiền lương.
- 01-09-2016Chính thức tăng lương hưu cho hàng loạt đối tượng từ hôm nay
- 22-08-2016Lấy ý kiến về tăng lương tối thiểu vùng năm 2017
- 03-08-2016Nhiều DN không đồng tình mức đề xuất tăng lương tối thiểu 7,3%
- 03-08-2016Tăng lương tối thiểu 7,3% từ 2017 chỉ đáp ứng 90% nhu cầu sống tối thiểu
- 02-08-2016Chốt mức tăng lương tối thiểu vùng 2017: Chỉ tăng 7,3%
Thực tế những lần cải cách hệ thống tiền lương vừa qua cho thấy, việc xây dựng mới hệ thống tiền lương là rất quan trọng nhưng không khó bằng việc giải quyết những vấn đề vượt tầm của hệ thống tiền lương. Thậm chí, những vấn đề nằm ngoài hệ thống tiền lương nhưng lại có ý nghĩa quyết định đến sự thành bại của cải cách hệ thống tiền lương.
Điều dễ thấy, đội ngũ công chức hiện nay quá cồng kềnh, không hiệu quả. Chính vì thế, Chính phủ đã tiến hành tinh giản biên chế. Nhưng xem ra, biên chế càng tinh giản lại càng phình to. Với đội ngũ công chức hùng hậu như hiện nay thì không có nguồn ngân sách nào tải nổi. Nhưng chúng ta cứ mãi loay hoay câu chuyện tinh giản – tăng lương mà không có lối ra.
Để tinh giản biên chế, Chính phủ đã hướng dẫn các bộ ngành, địa phương tập trung xây dựng đề án vị trí việc làm, trong đó có việc xây dựng quy chế, quy định về quản lý công chức, viên chức theo Luật Cán bộ, công chức và phù hợp với đặc thù công tác của các cơ quan nhằm tạo được hành lang có tính pháp lý cho công tác quản lý và là điều kiện để công chức, viên chức phát huy năng lực tối đa, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của cơ quan. Xác định vị trí việc làm và cơ cấu công chức trong cơ quan nhằm kịp thời phát hiện những công việc còn sót hoặc sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các vụ, đơn vị; thấy rõ mức độ phức tạp của từng công việc, khối lượng công việc của từng vị trí việc làm từ đó có kế hoạch sắp xếp, bố trí cho phù hợp. Đây là giải pháp tích cực nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, xác định chỉ tiêu biên chế, công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng và đánh giá đúng cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan. Tuy nhiên, thực tế trong tình hình biên chế vượt chỉ tiêu nhưng nhiều cơ quan đơn vị lại xây dựng đề án vị trí việc làm “vừa xoẳn” với số lượng biên chế hiện có, thậm chí còn “vẽ” thêm nhu cầu và vị trí việc làm mới.
Chính vì thực tế này nên qua các lần cải cách tiền lương cho thấy tình trạng “gọt chân cho vừa giày”. Cụ thể, phương án ban đầu thường rất hay, rất khoa học nhưng cuối cùng vì thiếu nguồn nên vừa phải hạ bớt mức tăng tiền lương tối thiểu vừa phải giãn cách của hệ số tiền lương so với đề án ban đầu.
Theo TS Đặng Đức Đạm – Viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục nghề nghiệp, nguyên Phó trưởng ban Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính chủ, để giải quyết vấn đề nguồn cho cải cách tiền lương phải đổi mới tư duy về nguồn lực con người và thay đổi quan điểm về đầu tư phát triển cũng như về tích lũy và tiêu dùng theo hướng: Nhà nước cần dành nhiều hơn nguồn lực cho đầu tư phát triển con người, mà trực tiếp nhất là để giải quyết các yêu cầu cuả cải cách tiền lương. Thậm chí, nếu có phải vì vậy mà giảm bớt đầu tư cho xây dựng cơ sở vật chất, nhất là các công trình tư nhân có thể làm được thì vẫn phải giảm. Tuy nhiên, có thể thấy rằng việc này rất khó, khó từ đổi mới tư duy đến hành động thực tế.
Mấu chốt nhất là cần xây dựng người công chức nhà nước đúng nghĩa của từ đó. Đồng thời, nâng cao rõ rệt chất lượng, hiệu quả và hiệu suất làm việc của cán bộ công chức, viên chức. Đây là việc nan giải nhất nhưng nếu không làm thì không có hệ thống tiền lương nào phát huy thực sự được.
Chúng ta không thể chỉ yêu cầu tăng lương mà không yêu cầu người nhận lương phải làm việc như thế nào để xứng đáng với tiền lương cao hơn đó. Tiền lương hiện nay thấp là một thực tế không thể phủ nhận, nhưng cũng còn một thực tế nữa là một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức đang làm việc với hiệu suất và chất lượng kém, kém tới mức mà ngay cả với mức tiền lương thấp như hiện nay cũng chưa xứng đáng chứ đừng nói tới tăng lương.
“Tranh luận xem cái gì phải chuyển biến trước trong trường hợp này chẳng khác gì tranh luận xem con gà có trước hay quả trứng có trước.Hợp lý hơn sẽ là cả hai phía đều phải chuyển biến thì rồi mới có lúc gặp nhau” – ông Đạm nói.
Để tạo các điều kiện tiền đề cho cải cách tiền lương, cần thực hiện đồng thời các nhóm giải pháp như: Nhà nước cần bớt đi một phần đầu tư cho các doanh nghiệp nhà nước, dành vốn đầu tư nhiều hơn cho phát triển yếu tố con người trong bộ máy hành chính nhà nước; thực hiện triệt để chủ trương “tiền tệ hóa lương”, đưa tất cả các khoản bao cấp vào thể hiện trong tiền lương (xe công, điện thoại…). Công khai hóa, tiến tới quản lý các khoản thu nhập ngoài lương của công chức, trước hết là các khoản thu nhập từ đề tài khoa học, dự án hợp tác quốc tế, hợp đồng ký với cơ quan, doanh nghiệp…
Đối với cán bộ công chức, viên chức, trên cơ sở xác định đúng vai trò và những việc cần làm của nhà nước trong kinh tế thị trường mà xác định rõ từng cơ quan hành chính phải làm gì và mỗi công chức phải làm gì thể hiện trong bản mô tả vị trí việc làm của từng người. Cùng với đó, đánh giá công chức một cách thực chất căn cứ vào việc thực hiện các nhiệm vụ được giao trong bản mô tả công việc của từng người.
VOV