Tăng thuế thu nhập cá nhân nhìn từ kinh nghiệm quốc tế
Theo các chuyên gia, đối với thuế thu nhập cá nhân, cơ quan thuế có thể nâng thêm bậc thuế và tăng mức thuế suất luỹ tiến so với hiện tại, đồng thời tăng cường kiểm soát để tránh thất thoát nguồn thu.
- 13-12-2021Chìa khoá nào giúp ngành tài chính Việt Nam phát huy tối đa tiềm năng và nắm bắt cơ hội trong năm 2022?
- 13-12-2021Sắp tích hợp căn cước công dân gắn chip với bằng lái xe, BHYT
- 13-12-2021Tự tin mở cửa bầu trời
Trong tham luận với chủ đề “Kiến tạo động lực cho phục hồi và phát triển” mà Ban Kinh tế Trung ương gửi tới Diễn đàn Kinh tế Việt Nam; Nhóm nghiên cứu cũng đề xuất để giảm áp lực lên tài khóa, cần thay đổi một số chính sách thuế trong thời gian 2 năm. Đồng thời nghiên cứu khả năng tăng đánh thuế thu nhập cá nhân của người giàu, để chia sẻ với người nghèo trong thời kỳ khó khăn.
Bậc thuế cao nhất trong biểu thuế luỹ tiến được áp dụng như tại Việt Nam là còn thấp. Cơ quan thuế có thể bổ sung thêm một bậc thuế cao hơn 35% so với 7 bậc như hiện tại (ảnh minh hoạ)
Kinh nghiệm quốc tế
Theo dữ liệu mới nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), trên thế giới hiện có 5 quốc gia đánh thuế thu nhập cá nhân cao nhất như sau:
Một là Bồ Đào Nha. Chính phủ quốc gia này đánh thuế thu nhập từ việc làm và thu nhập từ kinh doanh theo tỷ lệ lũy tiến lên đến 47,2% và thu nhập đầu tư, thu nhập bất động sản, gia tăng giá trị ròng và lương hưu ở mức cố định là 28%. Người lao động nộp thuế an ninh là 11% còn người sử dụng lao động phải trả 23,8%.
Năm 2016, Bồ Đào Nha đánh thuế thêm 3,5% đối với thu nhập trên mức lương tối thiểu. Bất động sản bị đánh thuế ở cấp thành phố dưới hình thức thuế tài sản và thuế chuyển nhượng. Cụ thể, nếu người dân bán nhà ở chính rồi dùng tiền đó để mua một ngôi nhà khác ở Bồ Đào Nha, hoặc một bang khác thuộc Liên minh Châu Âu thì được miễn thuế.
Hai là Slovenia, đánh thuế thu nhập từ việc làm, thu nhập từ kinh doanh, thu nhập từ nông nghiệp và lâm nghiệp cơ bản, thu nhập từ tiền thuê và tiền bản quyền, thu nhập từ vốn (cổ tức, lãi) và các thu nhập khác. Thuế suất lũy tiến cao nhất là 50%. Người lao động đóng thuế an sinh xã hội 22,1% trên tổng thu nhập và người sử dụng lao động đóng 16,1%.
Thu nhập từ vốn, hoạt động kinh doanh nhất định và bất động sản cho thuê bị đánh thuế theo từng nhóm riêng biệt và ở mức đôi khi khác với tất cả các nguồn thu nhập khác.
Slovenia cung cấp một khoản trợ cấp thuế thu nhập cho các cá nhân, với các khoản phụ cấp bổ sung cho người tàn tật hoặc có người phụ thuộc. Chủ sở hữu bất động sản nộp thuế ở một số khu vực nhất định dựa trên một số yếu tố. Slovenia đánh thuế thừa kế và quà tặng theo tỷ lệ lũy tiến dựa trên giá trị tài sản và mối quan hệ của người nhận với người đã khuất hoặc người tặng.
Ba là Bỉ, đánh cả thuế thu nhập quốc gia và thuế thu nhập khu vực đối với cư dân của mình. Các cá nhân đóng thuế đối với động sản và bất động sản, cũng như thu nhập nghề nghiệp và thu nhập khác. Thuế suất lũy tiến cao nhất là 50%, có thể tăng thêm do phụ thu cộng đồng từ 0-9%. Thuế suất an sinh xã hội đối với người lao động là 13,07% trên tổng thu nhập.
Thu nhập vốn của cá nhân từ cổ phiếu được phân loại là thu nhập nghề nghiệp thường bị đánh thuế theo thuế suất thu nhập cá nhân thông thường, nhưng hầu hết thu nhập vốn từ các cá nhân không tham gia hoạt động kinh doanh không bị đánh thuế.
Bỉ cho phép khấu trừ thuế đối với chi phí kinh doanh, đóng góp xã hội và tiền cấp dưỡng. Quốc gia này cũng cung cấp một khoản trợ cấp cá nhân dựa trên việc người nộp thuế có độc thân, có con cái phụ thuộc hay không,...
Tùy thuộc vào khu vực, việc mua lại bất động sản bị đánh thuế 10-12,5% và cũng có thuế tài sản hàng năm. Thuế thừa kế áp dụng ngay cả đối với vợ/chồng, người chung sống hợp pháp và con cháu. Tỷ lệ có thể cao tới 30% đối với những người hưởng lợi này. Những người thụ hưởng không liên quan và họ hàng xa có thể trả thuế thừa kế cao tới 80%.
Bốn là Phần Lan, cơ quan thuế nước này phân loại tất cả thu nhập cá nhân theo một trong hai cách: Thứ nhất, thu nhập kiếm được phải chịu thuế quốc gia, địa phương và an sinh xã hội. Đồng thời phải chịu thuế nhà thờ đối với các thành viên của một trong hai nhà thờ quốc gia của Phần Lan.
Thuế thu nhập quốc dân có thuế suất lũy tiến cao tới 31,25%, trong đó 18.600 Euro đầu tiên được miễn thuế thu nhập quốc dân, nhưng không tính thuế thu nhập địa phương, nhà thờ hoặc an sinh xã hội. Thuế địa phương cũng được áp dụng lũy tiến và tối đa là 23,5%, và thuế nhà thờ là 1% đến 2,2%.
Thứ hai, thu nhập từ vốn bị đánh thuế có hai tỷ lệ: 30% đối với thu nhập lên đến 30.000 Euro và 34% đối với thu nhập vượt quá số tiền đó. Riêng chuyển nhượng chứng khoán tại Phần Lan phải chịu thuế 1,6%, thu nhập từ lương hưu vượt quá 47.000 Euro sẽ phải chịu mức thuế phụ thu 5,85%.
Bất động sản tại nước này bị đánh thuế từ 0,93- 6% ở cấp thành phố, tùy thuộc vào vị trí và loại bất động sản. Ngoài ra còn có 4% thuế chuyển nhượng bất động sản. Thuế thừa kế phụ thuộc vào mối quan hệ giữa người chết và người thừa kế nhưng có thể cao tới 35%.
Năm là Thụy Điển. Chính phủ quốc gia Thụy Điển đánh thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập từ việc làm có tỷ lệ lũy tiến hàng đầu là 57,1% và thu nhập từ vốn, một danh mục bao gồm lãi vốn và lợi nhuận, bị đánh thuế ở mức 30%.
Trong các giao dịch bất động sản, người mua phải trả thuế đóng dấu bất động sản là 1,5% trên thị trường bất động sản hoặc giá trị chuyển nhượng cùng với thuế bất động sản của thành phố. Thụy Điển không có thuế thừa kế hoặc di sản và không có thuế giá trị tài sản ròng.
Ngoài ra, các mức thuế hàng đầu cũng khá cao ở một số quốc gia OECD khác như Nhật Bản (55,9%), Đan Mạch (55,9%), Pháp (55,4%), Hà Lan (52,0%), Ireland (48,0%), Hoa Kỳ đứng thứ 17 trong danh sách, với tỷ lệ 43,7%.
Kiểm soát thuế thu nhập tại Việt Nam
Tại Việt Nam, thuế suất thuế thu nhập cá nhân được tính luỹ tiến từ 5-35% theo mức độ thu nhập, sau khi đã trừ các khoản miễn thuế. Công ty Luật Việt Nam phân tích, với cá nhân không ký hợp đồng lao động hoặc ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng mà có thu nhập từ tiền lương, tiền công mỗi lần nhận từ 2 triệu đồng trở lên phải nộp thuế 10%.
Sự thất thoát trong việc thu thuế là rất lớn do thiếu kiểm soát về nguồn thu, thu nhập của người lao động, với các chiêu trò né thuế vẫn đang diễn ra, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại điện tử và nền kinh tế kỹ thuật số phát triển (ảnh: Diễm Ngọc)
Với người lao động ký hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên chỉ phải nộp thuế khi có thu nhập từ 11 triệu đồng/tháng trở lên (132 triệu đồng/năm) nếu không có người phụ thuộc. Riêng thuế thu nhập cá nhân phải nộp của cá nhân không cư trú được xác định là 20%. Với thuế thu nhập từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất có nhà ở hoặc không có nhà ở, hay chuyển quyền sử dụng nhà ở không có đất là 2%.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Đinh Hồng Sơn, chuyên gia tài chính số cho rằng, có hai vấn đề đặt ra trong câu chuyện về thu thuế bao gồm:
Thứ nhất, bậc thuế cao nhất trong biểu thuế luỹ tiến được áp dụng như tại Việt Nam là còn thấp. Cơ quan thuế có thể bổ sung thêm một bậc thuế cao hơn 35% so với 7 bậc như hiện tại. Mức thuế suất cho bậc bổ sung này là bao nhiêu thì cần có sự nghiên cứu, tính toán của các cơ quan một cách phù hợp.
Thứ hai, sự thất thoát trong việc thu thuế là rất lớn do thiếu kiểm soát về nguồn thu, thu nhập của người lao động, với các chiêu trò né thuế vẫn đang diễn ra, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại điện tử và nền kinh tế kỹ thuật số phát triển. Do đó, việc tăng thuế chưa chắc đã có hiệu quả cao bằng việc kiểm soát nguồn thu...
Về việc quản lý thuế suất này, TS. Trần Trung Kiên (ĐH Kinh tế TP HCM) đã đề xuất các giải pháp như:
Một là áp dụng kỹ thuật số vào công tác quản lý thuế giúp kiểm soát và quản lý thuế hiệu quả đối với các mô hình kinh doanh kỹ thuật số.
Hai là hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về chính sách thuế, quản lý thuế một cách cụ thể và toàn diện đối với các mô hình kinh doanh kỹ thuật số.
Diễn đàn Doanh nghiệp