Tăng trần một mạch 8 phiên liên tiếp rồi "đổ đèo", chuyện gì đang xảy ra với KPF?
Theo báo cáo tài chính kết thúc 9 tháng đầu năm 2017 của KPF thì công ty đã đầu tư vào 2 doanh nghiệp kể trên tổng cộng 78,4 tỷ đồng tương đương khoảng hơn 45% vốn điều lệ của KPF.
Cổ phiếu KPF tăng sốc rồi giảm sâu
Cổ phiếu KPF của Công ty Cổ phần Đầu tư tài chính Hoàng Minh tăng trần 8 phiên liên tiếp trong sự ngỡ ngàng của nhiều nhà đầu tư. Từ mức giá “đứng im bền vững” quanh ngưỡng 5.300 đồng, cổ phiếu KPF bất ngờ tăng vọt 70% chỉ trong 8 phiên giao dịch.
Biến động giá cổ phiếu KPF 6 tháng qua
Việc tăng giá của cổ phiếu KPF bắt đầu tư ngày 21/11/2017 ngay sau ngày doanh nghiệp này công bố nghị quyết HĐQT về việc thoái vốn tại Công ty liên kết là Công ty cổ phần Phú Gia Hà Nam. Tổng số cổ phần chuyển nhượng là 3,92 triệu cổ phiếu tương ứng 49% vốn điều lệ. Bên nhận chuyển nhượng là Tập đoàn Bắc Đô. Thời gian chuyển nhượng trước 31/12/2017.
Và đến cuối tháng 11, KPF tiếp tục công bố thông tin thoái vốn tại công ty liên kết khác là Công ty cổ phần đầu tư Tam Hà. Tổng số cổ phần chuyển nhượng là 3,92 triệu cổ phiếu tương ứng 49% vốn điều lệ. Bên nhận chuyển nhượng là bà Hà Ngọc Quỳnh. Thời gian chuyển nhượng là trước 31/01/2018.
Cả 2 kế hoạch thoái vốn này đều đang ở trạng thái: “Giao Tổng giám đốc thương lượng và ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần” và “Giao cho Tổng giám đốc thỏa thuận giá chuyển nhượng và lựa chọn thời điểm thích hợp để ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần”. Tức, nói gọn lại là cả 2 thương vụ này vẫn đang là “cua trong lỗ” và lãi/lỗ từ việc chuyển nhượng này chưa biết ra sao.
Theo báo cáo tài chính kết thúc 9 tháng đầu năm 2017 của KPF thì công ty đã đầu tư vào 2 doanh nghiệp kể trên tổng cộng 78,4 tỷ đồng tương đương khoảng hơn 45% vốn điều lệ của KPF.
Phải nói thêm rằng, không những 2 công ty Phú Gia Hà Nam và Đầu tư Tam Hà là 2 khoản đầu tư trọng điểm của KPF mà còn có mối quan hệ vay mượn với KPF. Báo cáo tài chính cho thấy, KPF vẫn còn số dư phải thu về cho vay ngắn hạn 300 triệu đồng, phải thu dài hạn 5 tỷ đồng với Đầu tư Tam Hà và phải thu dài hạn 5 tỷ đồng với Phú Gia Hà Nam.
Bán vốn tại 2 công ty Phú Gia Hà Nam và công ty Phú Gia Hà Nam cũng đồng nghĩa với việc hơn nửa nguồn vốn mà KPF đã bỏ ra được “giải phóng”. Công ty hiện vẫn chưa công bố kế hoạch đầu tư khác.
Sau 8 phiên tăng trần không ngừng nghỉ, phiên giao dịch hôm nay (04/12), cổ phiếu KPF bất ngờ lao dốc mạnh. Có lúc, cổ phiếu này giảm sàn về 8.460 đồng/cổ phiếu nhưng sau đó hồi phục nhẹ về giá 8.610 đồng/cổ phiếu tương đương giảm 5,4% so với giá tham chiếu.
Điều đáng nói là thanh khoản cổ phiếu rất thấp, chỉ đạt hơn 83 nghìn đơn vị thay vì mấy trăm nghìn cổ phiếu các phiên trước đó.
Lãnh đạo cấp tập trao tay cổ phiếu, thay máu nhân sự
Trong khi doanh nghiệp có rất nhiều thông tin có thể coi là hết sức trọng điểm trong hoạt động kinh doanh thì ngược lại, lãnh đạo công ty lại cấp tập bán ra cổ phiếu.
Cụ thể:
- Ông Dương Minh Đức - CT.HĐQT đã bán 1.402.000 cp từ 28/11 đến 29/11/2017. Giá giao dịch bình quân đạt 6.910 đồng/cổ phiếu.
-Ông Đoàn Minh Tuấn là Thành viên HĐQT đã bán 95.000 cổ phiếu trong tổng số 1.688.800 cổ phiếu nắm giữ. Vợ ông Tuấn là bà Nguyễn Thanh Hoa cũng đã bán 1.201.200 cổ phiếu từ 28/9/2017 đến 27/10/2017.
- Bà Tạ Thị Dinh - TV.HĐQT đã bán toàn bộ 825.000 cổ phiếu vào ngày 29/9/2017.
Cùng khoảng thời gian lãnh đạo công ty cấp tập bán cổ phiếu là cảnh thay đổi hàng loạt nhân sự cấp cao. Ông Đặng Quang Thái làm Tổng giám đốc thay ông Đoàn Minh Tuấn từ 16/10; Ông Đồng Văn Tín được bổ nhiệm làm kế toán trưởng công ty; bà Nguyễn Kim Anh được bổ nhiệm làm phó TGĐ…
Và cùng với việc lãnh đạo doanh nghiệp thi nhau bán cổ phiếu là những cổ đông lớn mới liên tục xuất hiện như ông Vũ Đức Toàn, ông Kiều Xuân Nam, bà Lương Thị Hồng Vân…
Nhìn qua những sự việc gần đây của KPF thì dường như, công ty đã thay máu doanh nghiệp. Lãnh đạo cũ ra đi cùng việc bán ra cổ phiếu cho những người mới tiếp quản.
Doanh nghiệp đang trong cảnh doanh thu 9 tháng năm 2017 giảm so với cùng kỳ còn lợi nhuận 9 tháng chỉ ở mức 278 triệu đồng, giảm sâu so với mức 5,5 tỷ cùng kỳ nhưng giá cổ phiếu lại đang tăng mạnh. "Game thoát xác" có vẻ như là thứ đang đưa cổ phiếu KPF tăng vọt còn hoạt động kinh doanh chưa thấy điểm sáng đáng kể nào.
Trí Thức Trẻ