Tăng trưởng GDP: Chưa kịp mừng đã vội lo
Sau niềm vui vì tăng trưởng GDP năm 2015 đạt mức cao nhất trong vòng 5 năm qua – với 6,68% – nền kinh tế Việt Nam lại đối mặt với những rủi ro, thách mức mới.
- 04-05-2016“Mục tiêu 6,7% GDP năm nay có thể không đạt”
- 30-04-2016Năm 2016, GDP bình quân đầu người ước đạt 2.200 USD
- 12-04-2016Đặt chỉ tiêu tăng GDP bình quân đầu người lên 3.200 - 3.500 USD
Tôi chưa nhìn thấy những nền tảng cho tăng trưởng kinh tế của năm nay. Dư địa chính sách tài khóa và tiền tệ không đủ để tạo động lực cho tăng trưởng nữa mà chỉ để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô
Tăng trưởng GDP quý I/2016 chỉ đạt 5,46%, thấp hơn tốc độ tăng trưởng 6,12% của cùng kỳ năm 2015. Hạn hán kéo dài, xâm nhập mặn, xuất khẩu gặp khó , sản xuất công nghiệp tăng thấp hơn so với cùng kỳ (chỉ 6,2% so với 9,27% – PV)… được cho là những nguyên nhân cơ bản.
Manh nha dấu hiệu
Dù vẫn có quan điểm của các chuyên gia kinh tế cho rằng, 5,46% không phải là mức thấp, đặc biệt là khi sản lượng dầu thô khai thác giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, song sự giảm tốc là có thật.
Trên thực tế, xu hướng giảm tốc đã manh nha từ quý IV/2015. Khi đó, phân tích về tốc độ tăng trưởng của từng quý trong năm 2015, chuyên gia cao cấp Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã khuyến cáo: “Đà tăng trưởng của quý cuối cùng trong năm 2015 đã không còn mạnh như các quý trước. Đây là điều cần phải cảnh báo trong năm 2016. Khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam còn thấp, nên ngay cả mục tiêu tăng trưởng 6,7% cũng đòi hỏi phải nỗ lực phấn đấu và quyết liệt trong điều hành”.
Cùng với việc đạt được tốc độ tăng trưởng GDP thì điều quan trọng là chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế ra sao
Nhìn nhận về tình hình quý I, ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nói, ông không quá bất ngờ trước tốc độ tăng trưởng chậm lại của quý I, vì ngoài thiên tai thì những khó khăn trong công nghiệp khai khoáng, đặc biệt là dầu thô – ngành chiếm tỷ trọng khá lớn trong nền kinh tế, sẽ tác động tới tăng trưởng kinh tế năm nay.
Thậm chí, ông Nguyễn Đức Thành, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) còn cho rằng, tốc độ tăng trưởng 5,46% của quý I/2016 đã “gây thất vọng”.
“Chỉ số PMI đạt mức trung bình 50,7 điểm trong quý I, phản ánh sự mở rộng khiêm tốn của khu vực sản xuất. Đặc biệt, Chỉ số hoạt động kinh tế VEPI của VEPR đã có một quý giảm mạnh nhất kể từ khi được đưa vào tính toán (quý I/2015) tới nay. Chỉ số này chỉ tăng xấp xỉ 4%, so với mức tăng trung bình 5,6% trong năm 2015”, ông Thành quan ngại.
Nguy cơ không đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%
Chính phủ sẽ không điều chỉnh mục tiêu mà phải bằng mọi cách tháo gỡ rào cản, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Việt Nam đã bước vào năm đầu tiên của Kế hoạch Phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016 – 2020 trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều bất ổn. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây đã phải hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống còn 3,4% trong năm 2016. Đặc biệt, kinh tế Trung Quốc cũng đang giảm tốc: Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc xuống chỉ còn 6,5% trong năm 2016 so với mức dự báo tăng 6,7% mà chính định chế tài chính này đưa ra hồi tháng 12 năm ngoái.
“Dư địa chính sách năm nay rất hạn hẹp để hỗ trợ tăng trưởng. Trước đây, để thúc đẩy tăng trưởng thì ta có thể khai thác thêm dầu thô, than đá, nhưng câu chuyện năm nay khác đi nhiều. Với giá dầu giảm sốc như hiện nay – bình quân trong quý I/2016 chỉ 36 USD/thùng – tăng khai thác dầu thô là lợi bất cập hại”, ông Vũ Viết Ngoạn phân tích.
Thực tế, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đề xuất về việc tăng khai thác dầu thô thêm 2 triệu tấn (so với kế hoạch là 14 triệu tấn) cũng đã từng được đặt ra. Song khai thác thêm 2 triệu tấn dầu thô thì sẽ góp phần tăng trưởng kinh tế và tăng thu ngân sách được bao nhiêu?
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chia sẻ lo ngại này: “Tôi chưa nhìn thấy những nền tảng cho tăng trưởng kinh tế của năm nay. Dư địa chính sách tài khóa và tiền tệ không đủ để tạo động lực cho tăng trưởng nữa mà chỉ để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô”.
Được biết, vào thời điểm ngay trước khi công bố báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam hôm 11/4/2016 vừa qua, Ngân hàng Thế giới (WB) đã bất ngờ hạ dự báo mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2016 xuống chỉ còn 6,2% thay vì con số 6,6% trước đó.
Ngày 11/4/2016, Ngân hàng Thế giới đã bất ngờ hạ dự báo mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2016 xuống chỉ còn 6,2%
Ông Sandeep Mahajan, Chuyên gia Kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam, lý giải thay đổi này là do sự suy giảm chung của nền kinh tế toàn cầu, cùng với xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long đã gây ra tình trạng tăng trưởng âm trong lĩnh vực nông nghiệp quý I/2016. Lý do thứ hai là vì nhu cầu của các nước bên ngoài đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam đã giảm. Trong quý I/2016, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đã giảm tốc. Ngay cả xuất khẩu từ khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) – vốn là động lực tăng trưởng xuất khẩu chính của Việt Nam cũng đã giảm sút. Nguồn tin từ Ngân hàng ANZ cũng cho biết, họ đang cân nhắc việc hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam xuống, thay vì con số 6,9% được đưa ra trước đó.
Có nên điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng?
Xã hội mong chờ những thay đổi mang tính chất thực chất hơn của nền kinh tế
Câu hỏi này đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trả lời rõ ràng sau khi thực hiện các chuyến làm việc mới đây tại các bộ, ngành chịu trách nhiệm tư vấn cho Chính phủ điều hành kinh tế vĩ mô. Thủ tướng cho biết sẽ không điều chỉnh mục tiêu mà phải bằng mọi cách tháo gỡ rào cản, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, cùng với việc đạt được tốc độ tăng trưởng GDP thì điều quan trọng là chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế ra sao. Đây là điều dư luận xã hội rất quan tâm.
Cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, khi thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội, các đại biểu Quốc hội vẫn không khỏi quan ngại trước những “món nợ” mà Quốc hội, Chính phủ nhiệm kỳ trước chưa thể giải quyết dứt điểm. Từ nợ xấu, nợ công còn cao đến chất lượng tăng trưởng chưa chuyển biến, tái cơ cấu nền kinh tế còn chậm và có phần chưa thực chất…
Bởi vậy, cũng dễ hiểu vì sao ông Nguyễn Đình Cung thẳng thắn cho rằng, con số tăng trưởng 6,5% hay 6,7% trong năm nay chưa phải quan trọng nhất. Xã hội mong chờ những thay đổi mang tính chất thực chất hơn của nền kinh tế. Trách nhiệm không hề nhỏ đang được đặt trên vai Chính phủ mới.
Diễn đàn doanh nghiệp