Tăng trưởng kinh tế: Có nên kích cầu?
TS. Cấn Văn Lực cho rằng, trong điều kiện ngân sách khó khăn thì không thể dùng tiền để kích cầu. Thay vào đó cần tập trung vào một số nhóm giải pháp thúc đẩy tiêu dùng và dịch vụ, đẩy mạnh chính sách ưu tiên dùng hàng Việt Nam... Chia sẻ Tweet
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6, Thủ tướng Chính phủ đã cùng các bộ ngành, địa phương trên cả nước bàn giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Để đạt mức tăng trưởng 6,7% cả năm 2017 thì 6 tháng cuối năm phải đạt mức trên 7,4% - con số được nhận định là rất cao, khó khăn và nhiều thách thức trong bối cảnh hiện nay. Một trong các giải pháp được bàn tới, đó là có cần kích cầu hay không.
Trao đổi với BizLIVE, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng để thúc đẩy nền kinh tế thì có rất nhiều giải pháp, trong đó có việc “kích” cả cung lẫn cầu.
Tuy nhiên, ông Lâm cho rằng việc quan trọng hiện nay vẫn là phải thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Bởi đây sẽ là yếu tố tạo ra tăng trưởng cao, bền vững. Trong việc kích cầu thì cần chú ý tới tiêu dùng ngoài nước, tức là xuất khẩu.
“Sản xuất nhiều thì mới có nhiều việc làm, nếu không có việc làm, không có thu nhập thì dù có “kích” người dân cũng không có tiền mà tiêu. Do vậy khi tiến hành phải cân bằng các giải pháp”, ông Lâm nêu quan điểm.
Cũng theo vị này, khi thực hiện kích cầu trong nước cũng cần phải tính toán các giải pháp thực hiện cũng như mức độ nhất định. Thực tế, tiêu dùng quý II/2017 đã cao hơn so với quý trước và thường tổng mức bán lẻ tiêu dùng có tốc độ quý sau cao hơn quý trước.
Còn theo TS. Bùi Trinh, chuyên gia kinh tế, có 3 yếu tố quan trọng để “thúc” tăng trưởng kinh tế đó là tiêu dùng, xuất nhập khẩu và đầu tư . Nếu đẩy các yếu tố này lên thì tăng trưởng sẽ cao.
Tuy nhiên, ông Trinh cho rằng không cần thiết kích cầu tiêu dùng nữa, bởi sức khoẻ nền kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào khả năng tích lũy, vì tích lũy chính là nguồn lực cơ bản để đầu tư.
Trước đề đề xuất nới tăng trưởng tín dụng để tăng GDP , ông Trinh cho rằng: Cần phải hết sức cân nhắc đối với đề xuất này. Bởi nếu không được kiểm soát tốt, nguồn tín dụng đi vào tiêu dùng sẽ có nguy cơ rủi ro, lạm phát cao và dễ phát sinh nợ xấu.
Không nên dùng các gói kích cầu?
Bày tỏ quan điểm về việc kích cầu hay kích cung, ông Nguyễn Tú Anh - Phó vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng: Phải trả lời được câu hỏi quan trọng nhất lúc này là sản lượng tiềm năng của Việt Nam hiện nay là gì?
Theo ông Nguyễn Tú Anh, chính sách kích cầu như nới lỏng chính sách tiền tệ, tài khoá chỉ có tác dụng thúc đẩy tăng trưởng khi nền kinh tế đang hoạt động dưới sản lượng tiềm năng. Khi nền kinh tế hoạt trên mức sản lượng tiềm năng thì các chính sách nới lỏng tiền tệ và tài khoá chỉ làm tăng lạm phát mà ít có tác dụng lên sản lượng.
“Nếu nhìn vào khoảng cách sản lượng tiềm năng hiện nay thì dư địa cho các chính sách kích cầu là rất hẹp nếu không muốn nói là không còn. Nhưng nếu quan sát xu hướng sản lượng tiềm năng tiếp tục gia tăng từ năm 2011 đến nay lại cho thấy chính sách thúc đẩy tăng cung, tăng năng lực và tăng sản lượng tiềm năng của nền kinh tế đang đi đúng hướng”, ông Nguyễn Tú Anh nhận định.
Ông Nguyễn Tú Anh cho rằng, định hướng chính sách ở đây cần phải tập trung vào các chính sách kích cung, nâng cao năng lực của nền kinh tế chứ không phải là các chính sách tiền tệ, tài khoá đơn thuần để kích cầu.
“Các chính sách cần tập trung cải thiện sản lượng tiềm năng đó là các chính sách khuyến khích đầu tư. Trong bối cảnh đầu tư công còn hạn chế thì khuyến khích đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài đóng vai trò chủ đạo”, ông Nguyễn Tú Anh nói.
Còn theo quan điểm của TS. Cấn Văn Lực, tiêu dùng là một cấu phần quan trọng của nền kinh tế. Do vậy, khi thúc đẩy tăng trưởng thì cần thiết phải có một số giải pháp thúc đẩy tiêu dùng.
Tuy nhiên, ông Lực cũng cho rằng chúng ta cần phải hiểu đúng kích cầu trong bối cảnh hiện nay là gì. Trong điều kiện ngân sách khó khăn thì không thể dùng tiền để kích cầu. Thay vào đó cần tập trung vào một số nhóm giải pháp thúc đẩy tiêu dùng và dịch vụ.
“Cần phải làm tốt chính sách khuyến khích người Việt Nam dùng hàng Việt Nam. Bên cạnh đó thúc đẩy cho vay tiêu dùng. Cho vay tiêu dùng ở Việt Nam khá là thấp chỉ chiếm 10% tổng dư nợ hệ thông ngân hàng, tổ chức tín dụng. Trong khi đó, con số này là ở Trung Quốc là 16-17% Mỹ là 35-40%”, ông Lực cho biết.
Bên cạnh đó, theo ông Lực cần đẩy mạnh phát triển ngành du lịch để thúc đẩy tiêu dùng dịch vụ. Đó là giải pháp rất quan trọng giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Bizlive