Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc yếu nhất trong gần 30 năm, hy vọng nào cho các thành phố đông dân vốn 'chật vật' dựa vào nhà nước để phát triển?
Việc chi quá nhiều tiền cho các dự án cơ sở hạ tầng như ở Bao Đầu (Nội Mông) càng thể hiện rõ những hạn chế của Bắc Kinh trong việc thực hiện chương trình kích thích kinh tế truyền thống.
- 02-07-20199 điều ít biết về kinh tế Trung Quốc
- 15-06-2019Kinh tế Trung Quốc lại thêm dấu hiệu chệnh choạng
- 02-06-2019Trịnh Châu - thành phố trung tâm đang nguội dần vì kinh tế Trung Quốc giảm tốc
- 16-05-2019Mô hình tăng trưởng cũ đã tới hạn, đây là động lực mới của kinh tế Trung Quốc
Vào một buổi tối đầu tháng 7, sân bay Bao Đầu chìm trong bầu không khí yên tĩnh đến lạ thường. Số lượng nhân viên ở sảnh đi còn đông hơn hành khách và những điểm kiểm tra an ninh cũng không có hàng dài người chờ đợi như hầu hết các sân bay khác, mặc dù bảng thông tin cho thấy có ít nhất 3 chuyến bay sẽ cất cánh vào tối ngày hôm đó.
Tất cả các cửa hàng và cửa hàng tiện lợi đều mở cửa nhưng có rất ít khách hàng. Trong số 10 cổng lên máy bay tại đây, chỉ có 1 cổng duy nhất được sử dụng. Một hành khách nói: "Chào mừng đến với Bao Đầu, nơi bạn không bao giờ phải xếp hàng chờ đợi khi kiểm tra an ninh."
Sân bay Bao Đầu luôn trong tình trạng vắng vẻ.
Sân bay Bao Đầu nằm tại thành phố đông dân nhất ở phía bắc Trung Quốc - khu Nội Mông. Nơi này bắt đầu đi vào hoạt động từ cuối năm 2014 và có thể phục vụ 4 triệu lượt khách mỗi năm. Tuy nhiên, số lượng hành khách thực tế chỉ dưới 2,1 triệu vào năm 2017. 1 năm sau đó con số này được nâng lên hơn 2 triệu khi nền kinh tế địa phương giảm tốc.
Sân bay chỉ là một ví dụ về việc cơ sở hạ tầng được xây dựng vượt quá nhu cầu ở một thành phố 3 triệu dân. Chính quyền địa phương đã lên kế hoạch xây dựng đường tàu điện ngầm nối sân bay với khu vực trung tâm thành phố. Dự án này có chi phí là 300 triệu NDT (43,6 tỷ USD) nhưng đã bị dừng lại vào năm 2017 sau khi Bắc Kinh can thiệp, bởi thành phố không đủ khả năng để chi trả.
Cũng như rất nhiều địa điểm khác trên khắp Trung Quốc, chính quyền Bao Đầu biết được rằng mọi thứ không còn giống những năm trước, họ không còn có thể dựa vào chính quyền trung ương để "bơm" tiền vào nền kinh tế dưới hình thức chi tiêu cơ sở hạ tầng. Khi cả thế giới bị rung chuyển bởi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, và tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm xuống còn 6,1% vào quý I/2009, Bắc Kinh đã triển khai chương trình kích thích kinh tế với 4 nghìn tỷ NDT. Phần lớn số tiền được sử dụng cho các dự án cơ sở hạ tầng của chính quyền địa phương.
Kể từ khi chiến tranh thương mại với Washington nổ ra vào năm ngoái, Bắc Kinh đã sử dụng các biện pháp kích thích kinh tế - bao gồm cắt giảm thuế cá nhân và doanh nghiệp, giảm chi phí đi vay - nhằm ổn định nền kinh tế. Thế nhưng, kết quả lại là sự xáo trộn.
Các cửa hàng trong sân bay cũng ít khi có khách.
Mới đây, Trung Quốc đã công bố số liệu kinh tế của quý II/2019, nền kinh tế tăng trưởng 6,2% so với cùng kỳ năm trước - mức thấp nhất trong ít nhất 27 năm qua, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại với Mỹ gây ra nhiều tổn thất. Tăng trưởng quý II ghi nhận sự giảm tốc mạnh nhất kể từ đầu năm 1992, theo Reuters.
Trong quý đầu năm, kinh tế Trung Quốc đạt mức tăng trưởng 6,4% so với năm trước. Trong nửa đầu năm, GDP của Trung Quốc đã tăng 6,3% so với năm ngoái. Reuters đưa tin. Cục Thống kê Trung Quốc cho biết nền kinh tế nước này phải đối mặt với cục diện phức tạp do những bất ổn từ bên ngoài gia tăng. Cục cho biết thêm, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phải đối mặt với áp lực sụt giảm mới và sẽ nỗ lực đảm bảo tăng trưởng kinh tế ổn định.
Tranh chấp thương mại kéo dài là áp lực đè nặng lên nền kinh tế Trung Quốc. Số liệu được công bố hôm thứ Sáu cho thấy số liệu xuất khẩu cũng sụt giảm từ 1 năm trước do thuế quan từ Mỹ gia tăng. Nhập khẩu vào Trung Quốc cũng có diễn biến tương tự, nguyên nhân là do nhu cầu trong nước đi xuống. Nhiều ý kiến lo ngại rằng suy thoái toàn cầu sẽ diễn ra nếu chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn tiếp diễn.
Cổng kiểm tra an ninh không một bóng người.
Bao Đầu là một trong vô số thành phố của Trung Quốc đã phát triển cảnh quan đô thị của họ một cách "thái quá" với những dự án được rót vốn bằng nợ. Ví dụ, tại khu vực trung tâm thành phố, có rất nhiều khu dân cư được xây dựng xung quanh một không gian xanh rộng lớn, nhưng phần nhiều trong số đó lại được xây dựng bằng khoản tiền đi vay.
Văn phòng Kiểm toán Quốc gia Trung Quốc đã phát hiện ra rằng chính quyền thành phố đã cung cấp bảo lãnh tín dụng bất hợp pháp cho 4 phương tiện tài chính địa phương trong 9 tháng đầu năm 2016, đưa mức nợ của họ lên hơn 5,2 tỷ NDT. Nhiều khả năng là từ kết quả điều tra này, chính quyền Nội Mông đã bắt đầu "phóng đại" số liệu kinh tế. Năm ngoái, Bắc Kinh đã phải tìm ra 21,9 triệu NDT để bù đắp vào những khoản thiếu hụt.
Với tình trạng kinh tế tiếp tục được dự đoán sẽ giảm tốc vào năm nay, một số nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh sẽ phải can thiệp. Larry Hu, kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Macquarie Capital, cho biết trong khi Mỹ nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ thực hiện bằng việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) hạ lãi suất, thì chương trình kích thích của Trung Quốc sẽ được thực hiện giới hình thức "kích thích cơ sở hạ tầng và bất động sản."
Bo Zhuang, kinh tế gia trưởng về Trung Quốc tại TS Lombard, cho biết động lực tăng trưởng trong nước của Trung Quốc, bao gồm đầu tư và tiêu dùng, đang ở tình trạng yếu kém và Bắc Kinh có thể sẽ triển khai các hoạt động "chi từ ngân sách và nới lỏng chính sách tiền tệ" để thúc đẩy tăng trưởng vào cuối năm nay.
Dẫu vậy, đối với người dân ở Bao Đầu, ý tưởng về việc xây dựng thêm cơ sở hạ tầng dường như rất đỗi lạ lùng. Một người dân ở đây cho hay: "Mục đích của việc xây dựng tàu điện ngầm là gì trong khi các xe buýt đều trống trơn, không có một bóng người?"