Tăng tuổi nghỉ hưu nhanh có thể gây sốc
Cần cân nhắc, xem xét tuổi nghỉ hưu của các đối tượng là công nhân, lao động trực tiếp trong khu vực sản xuất, dịch vụ và một số ngành nghề đặc thù.
- 29-04-2019Sẽ nâng dần tuổi nghỉ hưu của nam và nữ từ năm 2021
- 06-04-2019Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, giờ làm thêm
- 23-12-2018Sửa đổi Luật Lao động: Có nên linh hoạt tuổi nghỉ hưu?
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) vừa công bố dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) với nhiều nội dung quan trọng như: Mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa; điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu; bổ sung 1 ngày nghỉ lễ là ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7). Theo Bộ trưởng LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung, mục đích sửa đổi Bộ Luật Lao động 2012 nhằm giải quyết căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành sau 5 năm áp dụng trên thực tế và tạo khung pháp lý thông thoáng, linh hoạt hơn về tuyển dụng, sử dụng lao động, bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động.
Tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 với nam, 60 với nữ
Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) gồm 17 chương, 221 điều, giảm 21 điều so với Bộ Luật Lao động hiện hành và sửa đổi, bổ sung khoảng 171 điều trong tất cả các chương.
Tổng LĐLĐ Việt Nam khuyến cáo cần cân nhắc, xem xét tuổi nghỉ hưu của các đối tượng là công nhân trực tiếp sản xuất Ảnh: AN KHÁNH
Về vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu, tại dự thảo này, ban soạn thảo đưa ra 2 phương án để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Cụ thể, phương án 1: Kể từ ngày 1-1-2021, tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Phương án 2: Kể từ ngày 1-1-2021, tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 4 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Ban soạn thảo cho biết so sánh với các nước trong khu vực, Việt Nam đang có tuổi nghỉ hưu tương đối thấp trong khi lại có mức tuổi thọ khá cao. Số liệu thống kê của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về quy định tuổi nghỉ hưu của 176 quốc gia cho thấy: Tuổi nghỉ hưu của nữ phổ biến từ 60-62 chiếm 37,5%; tuổi nghỉ hưu của nam phổ biến từ 60-62 chiếm 47,2%. Bộ LĐ-TB-XH khẳng định qua khảo sát, đánh giá và tham vấn ý kiến của các bên trong quá trình soạn thảo, đa số ý kiến đề xuất chọn phương án 1 nhằm tránh gây sốc thị trường lao động, giữ được ổn định xã hội và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Theo ông Lê Đình Quảng, Phó Ban Quan hệ Lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam), Tổng LĐLĐ Việt Nam đồng ý với phương án 1 trong dự thảo, nhằm bảo đảm có lộ trình, giảm các tác động không tốt đến các chính sách kinh tế - xã hội tổng thể. Tuy nhiên, cần cân nhắc, xem xét tuổi nghỉ hưu của các đối tượng là công nhân, lao động trực tiếp trong khu vực sản xuất, dịch vụ và một số ngành nghề đặc thù.
"Đối với những đối tượng này có thể giao cho Chính phủ quy định chi tiết theo hướng xem xét để có lộ trình tăng chậm hơn hoặc có các chính sách hỗ trợ linh hoạt, không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động" - ông Quảng nói.
Lương làm thêm giờ cần tính lũy tiến
Theo tờ trình lên Chính phủ, ban soạn thảo cho biết Bộ Luật Lao động hiện hành quy định số giờ làm thêm tối đa của NLĐ là không quá 50% số giờ làm việc bình thường/ngày, 30 giờ/tháng và tổng số không quá 200 giờ/năm, trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ/năm.
Thời gian qua, ban soạn thảo đã nhận được nhiều ý kiến đề xuất nghiên cứu sửa đổi theo hướng mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động và tăng sự linh hoạt trong bố trí sản xuất - kinh doanh của DN; nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho một bộ phận NLĐ. Sau khi nghiên cứu và tham vấn ý kiến các cơ quan liên quan, ban soạn thảo thấy rằng việc mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ tối đa là cần thiết và áp dụng trong một số trường hợp đặc biệt, đối với một số ngành nghề nhất định. Ban soạn thảo đề xuất mức mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt này sẽ tăng thêm 100 giờ/năm so với hiện hành: từ tối đa 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm.
Bình luận về đề xuất này, luật sư Đặng Anh Đức, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đặng và Cộng sự (TP Hà Nội), cho rằng việc xem xét mở rộng khung thỏa thuận về thời giờ làm thêm là cần thiết. Tuy nhiên, việc xem xét tăng thời giờ làm thêm phải đặt trong mối quan hệ với các yếu tố khác như việc làm, thất nghiệp, sức khỏe của NLĐ, an toàn lao động, các vấn đề về xã hội. Đặc biệt, chỉ đồng ý xem xét mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ như đề xuất của dự thảo luật, khi việc chi trả tiền lương làm thêm giờ cho NLĐ được tính theo lũy tiến. Phương án 1: Vào ngày thường, ít nhất bằng 150% cho giờ làm thêm đầu tiên, 200% cho các giờ làm thêm tiếp theo. Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200% cho 2 giờ làm thêm đầu tiên, 300% cho các giờ làm thêm tiếp theo. Vào ngày nghỉ lễ, Tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% cho giờ làm thêm đầu tiên, 400% cho các giờ làm thêm tiếp theo. Phương án 2: 200 giờ làm thêm đầu tiên, tính như quy định hiện hành; từ giờ 201 đến giờ thứ 300: ít nhất bằng 250%; từ giờ 301 đến giờ thứ 400: ít nhất bằng 300% .
"Việc quy định chi trả tiền lương làm thêm giờ cho NLĐ theo lũy tiến như trên nhằm bảo đảm quyền lợi cho NLĐ, đồng thời góp phần khắc phục tình trạng DN không tuyển dụng lao động phù hợp với quy mô và năng lực mà huy động làm thêm giờ" - ông Đức nói.
Cán bộ, công chức bắt đầu làm việc từ 8 giờ 30 phút
Về thời gian làm việc của công chức, viên chức, NLĐ trong các cơ quan hành chính, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, dự thảo cũng đưa ra 2 phương án. Phương án 1: Bổ sung vào Bộ Luật Lao động quy định giao Chính phủ quy định thống nhất thời điểm bắt đầu và kết thúc thời gian làm việc của các cơ quan hành chính trên cả nước. Thời gian làm việc dự kiến là từ 8 giờ 30 phút đến 17 giờ 30 phút, nghỉ trưa 60 phút.
Phương án 2: Giữ nguyên như hiện hành, thời gian làm việc không được quy định trong luật mà được quy định tại các văn bản hành chính do Thủ tướng hoặc chủ tịch UBND tỉnh quy định.
Người lao động