MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng tuổi nghỉ hưu sẽ được thực hiện từ 2021?

13-07-2018 - 15:20 PM | Xã hội

Trước tốc độ già hóa dân số nhanh, Bộ LĐTBXH cho rằng, việc tăng tuổi nghỉ hưu là tất yếu, các phương án cụ thể sẽ được trình Quốc hội vào năm 2019.

Nghị quyết 28-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách BHXH vừa được ban hành ngày 23/5/2018 có nội dung từ năm 2021, thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo mục tiêu tăng tuổi nghỉ hưu chung, thu hẹp dần khoảng cách về giới trong quy định độ tuổi nghỉ hưu.

Thực tế, việc thay đổi độ tuổi nghỉ hưu sẽ có tác động đến hàng triệu người đang trong độ tuổi lao động và cả những đối tượng chuẩn bị bước vào thị trường lao động, do vậy, vấn đề này vẫn đang nhận được nhiều ý kiến khác nhau.

Tăng tuổi nghỉ hưu là tất yếu

Trao đổi tại buổi Giao lưu cải cách chính sách BHXH hướng tới mục tiêu an sinh bền vững do Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam tổ chức sáng nay (13/7), Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Doãn Mậu Diệp cho rằng, trong bối cảnh già hóa dân số, hầu hết các nước trên thế giới và các châu lục (trừ Châu Phi) đều đã có lộ trình điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu.

Tăng tuổi nghỉ hưu sẽ được thực hiện từ 2021? - Ảnh 1.

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho rằng cần thiết phải tăng tuổi nghỉ hưu để tránh việc thiếu hụt lao động trong tương lai. (Ảnh tư liệu)


Ông Diệp đơn cử như Indonesia đang trong lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu từ 55 lên 65, Malaysia điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu bình quân từ 60 lên 65 tuổi, Hàn Quốc dự kiến điều tăng từ 62 lên 65 tuổi vào năm 2034… Tuổi nghỉ hưu của các nhân viên trong World Bank là 67 tuổi.

“Tăng tuổi nghỉ hưu là việc không thể cưỡng lại khi chúng ta đang đối mặt với già hóa dân số. Theo dự báo, đến năm 2015 cứ 6 người trong độ tuổi lao động thì có 1 người cao tuổi; đến năm 2055 cứ có 2 người trong độ tuổi lao động thì có 1 người cao tuổi. Năm 2000, số người bước vào độ tuổi lao động gấp 3,4 lần số ra khỏi tuổi lao động, năm 2017 chỉ còn gấp 1,36 lần và năm 2035, số người vào độ tuổi lao động chỉ gấp 1,2 lần số ra khỏi tuổi lao động. Như vậy, nếu không điều chỉnh tuổi nghỉ hưu thì sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động trong tương lai không xa”, ông Diệp lo ngại.

Minh chứng như tại Nhật Bản hiện đang cần một lượng lớn thực tập sinh điều dưỡng từ các nước khác, do số lượng người cao tuổi lớn, thậm chí, nhiều thị trấn của Nhật Bản rơi vào phá sản do không có lao động.

Từ bài học kinh nghiệm của các nước trên thế giới, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho rằng, việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu cần được thực hiện theo lộ trình phù hợp với các yếu tố tăng trưởng kinh tế với giải quyết bài toán về việc làm và thất nghiệp; sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực; trình độ kỹ thuật và công nghệ áp dụng vào sản xuất; qui mô, chất lượng và cơ cấu dân số; bình đẳng giới; cân đối Quỹ BHXH trong dài hạn; xu hướng già hóa dân số, tính chất, loại hình lao động và giữa các ngành nghề, lĩnh vực. Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần có tầm nhìn dài hạn nhưng phải được thực hiện sớm và tiến hành khẩn trương theo lộ trình, không gây sốc cho thị trường lao động.

Theo dự kiến, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu ở Việt Nam sẽ được thực hiện từ năm 2021. Việc điều chỉnh này là cần thiết để ứng phó với tác động của biến đổi cấu trúc dân số và tiến trình già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng.

“Ở đây cũng cần khẳng định việc điều chỉnh tăng tuổi nói trên là áp dụng đối với những người làm việc trong điều kiện bình thường. Đối với những người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người bị suy giảm khả năng lao động thì vẫn tiếp tục được thực hiện với chính sách nghỉ hưu sớm hơn, nghỉ hưu trước tuổi so với độ tuổi quy định nêu trên”, ông Diệp nhấn mạnh.

Người trẻ có mất cơ hội việc làm?

Cùng bàn về vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, trong nhiều năm qua, tuổi nghỉ hưu không thay đổi từ khi tuổi thọ trung bình của người Việt Nam dưới 50 và đến nay là 74 tuổi.

“Trên thực tế, chúng ta đã điều chỉnh tuổi nghỉ hưu đối với những người làm trong các ngành giáo dục, y tế như: Giáo sư, bác sĩ, những người làm nghiên cứu khoa học...,  tuổi hưu đã kéo dài đến 65,70 tuổi. Nhưng nếu nâng tuổi hưu đồng loạt sẽ gặp rất nhiều phản ứng của người lao động, đặc biệt là nhóm người lao động ở môi trường độc hại, nguy hiểm, ở lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Những đối tượng này trên thực tế đã được giảm 3-5 năm so với độ tuổi nghỉ hưu trung bình.

Tăng tuổi nghỉ hưu sẽ được thực hiện từ 2021? - Ảnh 2.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội.


Do vậy, trong thực tế, chúng ta đã đưa ra dư luận nhưng không đúng thực tiễn dẫn đến phản ứng không đúng về việc tăng độ tuổi nghỉ hưu”, ông Lợi cho hay.

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, những người tham gia BHXH và những người trong quan hệ lao động chỉ chiếm 30% trong tổng số 54 triệu lao động (tức khoảng 16-17 triệu lao động); số còn lại khoảng 38 triệu lao động làm việc không nằm trong mối quan hệ lao động, không đóng BHXH như những người làm trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhóm lao động này sẽ làm đến khi không còn khả năng lao động. Như vậy, nếu muốn tiến tới BHXH toàn dân, nhưng không thay đổi độ tuổi nghỉ hưu là rất khó.

“Tôi không đồng ý tại sao nữ Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh lại về hưu ở tuổi 60, trong khi các địa phương khác lại chỉ đến 55 tuổi?”, ông Bùi Sỹ Lợi đặt câu hỏi.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, thời điểm bắt đầu thay đổi tuổi nghỉ hưu từ năm 2021 là hợp lý, gắn với cải cách BHXH và cải cách chính sách tiền lương. Song ông Bùi Sỹ Lợi cũng đặc biệt nhấn mạnh, việc xây dựng lộ trình và các bước triển khai cần dứt khoát, đảm bảo yếu tố bình đẳng.

Ông Bùi Sỹ Lợi cũng cho rằng, việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ không ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của giới trẻ: “Đào tạo hiện nay khác với đào tạo thời kỳ bao cấp. Thời bao cấp, đào tạo theo kế hoạch và phân bổ lao động. Còn hiện nay đào tạo theo nhu cầu thị trường, ai giỏi vẫn có việc làm”./.

Các phương án tăng tuổi nghỉ hưu:

Phương án 1: Từ năm 2021, thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, mỗi năm tăng 3 tháng đối với nam cho đến khi đạt tuổi 62, mỗi năm tăng 6 tháng đối với nữ cho đến khi đạt tuổi 60.

Như vậy, tuổi nghỉ hưu của nam sẽ đạt tuổi 62 vào năm 2028 và nữ đạt tuổi 60 vào năm 2030.

Phương án 2: Từ năm 2021, thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, mỗi năm tăng 3 tháng đối với nam cho đến khi đạt tuổi 62, mỗi năm tăng 4 tháng đối với nữ cho đến khi đạt tuổi 60.


Theo Nguyễn Trang

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên