MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tập đoàn xuất khẩu lao động 'ma'?

Đã có nhiều lao động phản ánh bị nhân viên tuyển dụng tự xưng là người của tập đoàn “ma” HR Group ôm tiền cao chạy xa bay nhưng tất cả đều rơi vào bế tắc, vì không xác định được pháp nhân công ty tuyển dụng lao động.

Nhan nhản thông tin ảo

Trước sự bí ẩn của HR Group, và câu trả lời chưa thỏa đáng của lãnh đạo Cty Cổ phần kết nối nhân lực Việt, Cty Cổ phần liên kết nhân lực Việt Nhật…trong vai người lao động (NLĐ) có nhu cầu đi làm việc tại Nhật, PV Tiền Phong nộp hồ sơ tham dự kỳ thi tuyển dụng lao động để tìm sự thật ẩn phía sau.

Theo thông tin đăng tuyển của Cty Cổ phần liên kết nhân lực Việt Nhật, phóng viên tiếp cận một quản lý tuyển dụng tên là Hùng. Hùng cho biết, các công ty trên đều thuộc “một hệ thống” 9 tổng công ty (TCT) thành viên. Theo ông Hùng, những người trong các công ty này quy ước gọi một công ty thành viên là “TCT”(?).

Ông Hùng giới thiệu cụ thể: “Tại tòa nhà Sông Đà có 5 TCT, trong đó 2 TCT ở tháp A, 3 TCT ở tháp B. 1 TCT ở tòa nhà Mitec (số 1 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy), 1 TCT ở tòa nhà Suced (108 Nguyễn Hoàng, Nam Từ Liêm)… Ngoài ra, dưới mỗi TCT, còn có gần chục công ty con khác nhau”.

Tiếp tục nộp hồ sơ và tham dự thi tuyển tại 9 tổ chức được gọi là TCT nói trên, chúng tôi nhận thấy nhân viên ở đây tỏ ra nhạy cảm đối với bất cứ ai hỏi về pháp nhân của công ty. Có người còn dò xét thông tin rất kỹ, kiểm tra giấy tờ, số điện thoại, trang Facebook cá nhân… của chúng tôi xem có dấu hiệu gì bất thường hay không rồi mới tư vấn tiếp.

Theo quan sát, tại trụ sở của nhóm công ty này, hầu hết đều không có biển hiệu công khai tên công ty. Những website mà các công ty công bố trên trang thông tin của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cũng là website “chết”. Thay vào đó, hàng loạt thông tin thật, ảo về địa chỉ và tên gọi của nhóm công ty này lẫn lộn vào nhau, khiến những ai muốn tìm hiểu như lạc vào ma trận. Thậm chí, cùng một địa chỉ nhưng có đến 3 công ty thông báo là trụ sở.

Quá trình hoàn tất thủ tục từ nộp hồ sơ, thi tuyển, đến đóng tiền…. cũng có đường đi khá lòng vòng, mỗi khâu ở một công ty. Sự mù mờ này khiến không ít lao động khi bị tuyển dụng ôm tiền đã rơi vào tình cảnh không biết liên hệ với đơn vị nào để truy trách nhiệm.

Cơ quan chức năng sẽ cho kiểm tra xử lý

Từ những địa chỉ công ty mà ông Hùng cung cấp, qua nhiều ngày phóng viên đã xác minh được tên gọi và cách thức hoạt động bí ẩn của nhóm công ty trên. Chúng tôi phát hiện bên cạnh mỗi công ty Bộ LĐ-TB&XH cấp giấy phép đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài (gọi tắt giấy phép XKLĐ) là một công ty không có giấy phép. Ví như văn phòng Cty Cổ phần nhân lực liên kết Á Châu (không phép) đặt cạnh Công ty Cổ phần kết nối nhân lực Việt.

Tại tầng 2, tháp A, tòa nhà Golden Palace, khi phóng viên nộp hồ sơ theo chương trình tuyển dụng của Cty cổ phần đầu tư và nhân lực số 1 Hà Nội. Nhân viên bất ngờ dẫn sang Cty Cổ phần nhân lực tiến bộ quốc tế cách đó khoảng chục bước chân để phỏng vấn. Người này cho biết, hai công ty là một. Tuy nhiên, khi người lao động ký kết hợp đồng, Cty Cổ phần tiến bộ quốc tế sẽ núp dưới tên Cty Cổ phần đầu tư và số 1 Hà Nội. Đây cũng là địa chỉ mà chị T.T.V được đưa đến để khai thông tin làm hồ sơ.

Tại tầng 7, tháp B, tòa nhà Sông Đà, có hai công ty là Cty Cổ phần liên kết nhân lực Đông Du và Cty Cổ phần nhân lực quốc tế Thắng Lợi. Tại đây, phóng viên còn phát hiện thêm một công ty khác có tên Cty Cổ phần nhân lực hữu nghị Việt Nhật (không có giấy phép) nằm lọt thỏm bên trong Cty Cổ phần nhân lực quốc tế Thắng Lợi.

Trong quá trình thi tuyển, chúng tôi được nhân viên các công ty xưng danh trực thuộc tập đoàn “ma’ HR Group (trong nhóm này, còn có các công ty như Cty Cổ phần cung ứng nhân lực Châu Á (địa chỉ ở tầng 9, tòa nhà Mitec); Cty Cổ phần nhân lực Việt Phát (tầng 25, tháp A, tòa nhà Sông Đà); Cty Cổ phần nhân lực tương lai Việt Nam Nhật Bản, Cty Cổ phần nhân lực liên kết Á Châu (tầng 20, tháp B, tòa nhà Sông Đà)…

Theo tìm hiểu của chúng tôi, HR Group bao gồm các công ty họ “nhân lực” nói trên liên kết với nhau để trao đổi nguồn lao động. Trong đó, có 5 công ty không được Bộ LĐ-TB&XH cấp giấy phép XKLĐ gồm: Cty Cổ phần nhân lực tiến bộ quốc tế, Cty Cổ phần nhân lực hữu nghị Việt Nhật, Cty Cổ phần cung ứng nhân lực Châu Á, Cty Cổ phần nhân lực liên kết Á Châu, Cty Cổ phần liên kết nhân lực Đông Du. Riêng Cty Cổ phần nhân lực tương lai Việt Nam Nhật Bản đã hoạt động 3 năm nhưng mới được cấp phép đầu tháng 8/2019.

Mặc dù không được cấp phép nhưng các công ty này vẫn tuyển lao động và thu tiền. Nằm cạnh các công ty có giấy phép XKLĐ là cách để các công ty “chui” qua mặt cơ quan chức năng, giở trò với NLĐ.

Trong hệ thống HR Group, các đơn hàng sẽ được các công ty chia sẻ với nhau. Điều này dẫn đến việc nhân viên của công ty này nhưng có thể tuyển lao động cho nhiều công ty khác trong nhóm. Đây cũng là lý do khiến rất nhiều NLĐ khi bị môi giới hay nhân viên tuyển dụng của nhóm công ty này “om” tiền không xác định trách nhiệm của bên nào.

Theo xác minh của phóng viên, Trần Văn Lương là nhân viên của Cty Cổ phần nhân lực liên kết Á Châu do ông Nguyễn Văn Ninh làm đại diện pháp luật. Công ty này không được cấp phép nên thường mượn danh các công ty được cấp phép trong nhóm hoặc dùng tên HR Group để tuyển lao động. Liên hệ với lãnh đạo công ty này, phóng viên nhận được câu trả lời: “Trần Văn Lương đã nghỉ việc nên công ty hết trách nhiệm”(?!).

Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, theo quy định mỗi công ty XKLĐ chỉ được thành lập tối đa không quá 3 văn phòng tại 3 tỉnh khác nhau trên cả nước. Nghĩa là tại mỗi tỉnh, thành, công ty đó chỉ được phép thành lập duy nhất 1 văn phòng.

Ngoài ra, khi tuyển lao động các công ty chỉ được phép tuyển trực tiếp, không được phép qua môi giới hay công ty trung gian.

Theo vị này, qua các công ty môi giới, NLĐ sẽ chịu một mức phí cao hơn. Trường hợp thu tiền, NLĐ sẽ chịu rủi ro rất lớn vì những công ty này không thể đưa được lao động đi làm việc ở nước ngoài. Do đó, để tránh những rủi ro, NLĐ nên tìm hiểu kỹ và lựa chọn những công ty được cấp phép trước khi đóng tiền, tránh tiền mất tật mang.

“Ở đây có thể diễn ra việc “mua bán” lao động. Nếu NLĐ không biết sẽ chịu rủi ro lớn. Từ thông tin báo Tiền Phong phản ánh, chúng tôi sẽ cho kiểm tra và xử lý”, ông Liêm cho hay.

Theo điều tra của phóng viên Tiền Phong, HR Group là tập hợp của nhóm công ty họ “nhân lực” liên kết với nhau để trao đổi nguồn lao động. Trong đó, có 5 công ty không được cấp giấy phép XKLĐ. Theo lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước, ở đây có thể diễn ra việc mua bán lao động. h, diễn giải...


Theo Nhóm Phóng viên ​

Tiền phong

Trở lên trên