Tất cả các dấu hiệu đều cho thấy năm 2019 tồi tệ đối với các doanh nghiệp Trung Quốc
Nhìn vào báo cáo tài chính mới nhất của các doanh nghiệp Trung Quốc, có thể thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải đối mặt với thách thức không hề nhỏ.
- 30-05-2019Truyền thông Trung Quốc: Trung Quốc có thể sẽ sử dụng 'con át chủ bài' để đối đầu, cảnh báo Mỹ không nên đánh giá thấp khả năng chiến đấu trong cuộc chiến thương mại
- 29-05-2019Ăn theo chiến tranh thương mại, cổ phiếu đất hiếm tăng vọt trên TTCK Trung Quốc
- 29-05-2019Trung Quốc có thể sử dụng những mục tiêu nào để trả đũa cho lệnh trừng phạt Huawei của Mỹ?
Theo Reuters, cỗ máy tìm kiếm Baidu vừa ghi nhận quý thua lỗ đầu tiên kể từ khi niêm yết năm 2015. Một ông lớn công nghệ khác là Tencent cũng vừa có 1 quý mà doanh thu tăng trưởng thấp kỷ lục (16%) dù 2 mảng fintech và công nghệ đám mây khởi sắc. Trong khi đó Alibaba tuy tăng trưởng vững chãi (doanh thu năm tài khóa 2019 tăng 39%) nhưng vẫn là thấp hơn dự báo.
Không chỉ có vậy, số liệu được Tổng cục thống kê nước này công bố hôm đầu tuần cho thấy sản lượng công nghiệp sụt giảm 3,4% trong 4 tháng đầu năm.
Kể từ mùa hè năm ngoái, Chính phủ Trung Quốc đã thông báo một loạt biện pháp để kích thích tăng trưởng. Mặc dù những biện pháp này giúp tình hình không trở nên quá xấu, giới phân tích hoài nghi liệu chúng có đủ mạnh để giúp nền kinh tế tăng tốc hay không. Kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nội tại chưa thể giải quyết trong một sớm một chiều, chưa kể đến áp lực ngày càng gia tăng từ phía đối tác thương mại lớn nhất là Mỹ.
Trong báo cáo đánh giá các công ty trong chỉ số MSCI China Index, Morgan Stanley nhận định mặc dù một số công ty có kết quả kinh doanh quý tốt hơn dự đoán lần đầu tiên trong ít nhất là 12 tháng, tâm lý chung là rất thận trọng trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang và các số liệu vĩ mô tháng 4 yếu ớt.
Thách thức đối với các doanh nghiệp tư nhân
Một trong những chiến lược được Bắc Kinh sử dụng để thúc đẩy tăng trưởng là giúp các doanh nghiệp tư nhân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn hơn. Doanh nghiệp tư nhân là động lực chính của nền kinh tế khi đóng góp tới 90% số việc làm mới và 70% các cải tiến công nghệ và sản phẩm mới. Đối với đất nước 1 đảng như Trung Quốc thì duy trì sự ổn định xã hội càng trở nên quan trọng.
Vì các ngân hàng lớn nhất Trung Quốc đều thuộc sở hữu của nhà nước, họ thích cho các doanh nghiệp nhà nước vay hơn. Do đó các công ty tư nhân buộc phải tìm đến các nguồn vốn ít minh bạch hơn. Chiến dịch dẹp bỏ hệ thống ngân hàng ngầm mà Trung Quốc triển khai đầu năm ngoái có mục đích tốt đẹp là hạn chế bong bóng nợ phình to nhưng lại có tác dụng phụ là khiến các doanh nghiệp nhỏ gặp khó.
Tuy nhiên ngay từ trước đó họ đã có quãng thời gian tương đối khó khăn. Trung bình các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Trung Quốc chỉ có vòng đời 2,9 năm, so với 7 năm ở Mỹ và 12 năm ở Nhật, theo số liệu từ Boston Consulting.
Bên cạnh đó nguồn thu từ thị trường nước ngoài ngày càng chiếm tỷ trọng lớn hơn tại các doanh nghiệp tư nhân của Trung Quốc, khiến họ càng dễ dàng bị tổn thương khi căng thẳng thương mại leo thang.
Trước tình trạng tăng trưởng giảm tốc, Chính phủ Trung Quốc đã có những đợt cắt giảm thuế phí và nhiều lần chỉ đạo các ngân hàng tăng cường giải ngân cho các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ. Những cố gắng này đã mang lại kết quả bước đầu: dòng tiền mặt tài trợ các doanh nghiệp tư nhân đã tăng lên trong quý I/2019.
Tuy nhiên, vì thiếu thông tin, các định chế tài chính vẫn rất khó xác định doanh nghiệp nào đáng tin cậy để cho vay. Thị trường tín dụng Trung Quốc vẫn chưa phát triển, và một số doanh nghiệp tư nhân sau khi nhận được khoản vay lại giở trò lừa đảo, không trả nợ cho nhà đầu tư kể cả khi vẫn có tiền. Do chưa có khung pháp lý, những công ty này thậm chí không bị phạt, dẫn đến hậu quả là nhiều định chế tài chính không dám mua trái phiếu phát hành bởi các doanh nghiệp tư nhân.
Trên thị trường tài chính Trung Quốc, các vụ lừa đảo không phải là hiếm. Ví dụ, hồi tháng 4, công ty dược Kangmei Pharmaceutical cho biết một "lỗi kế toán" đã khiến tiền mặt của công ty bị thổi phồng, tăng thêm 4,4 tỷ USD so với thực tế. Hôm 20/5, công ty này tiết lộ đã chuyển gần 8,9 nhân dân tệ cho các tổ chức liên quan để giao dịch cổ phiếu của chính mình. Kangmei là 1 thành viên của MSCI’s China Index nhưng hiện công ty này vẫn chưa bị xử lý.
Trung Quốc vẫn là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Khác với phương Tây, kinh tế Trung Quốc vẫn chịu sự chi phối của nhà nước nhiều hơn là thị trường, và Chính phủ nước này cũng đã chứng minh họ có thể vực dậy nền kinh tế. Nhưng giờ đây câu hỏi sẽ là sau khi thời kỳ gian khó qua đi, có phải lúc nào Bắc Kinh cũng có thể "ra tay cứu giúp" hay không.