MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tàu hàng Mỹ di chuyển lạ lùng ngoài khơi Trung Quốc suốt 1 tháng

10-08-2018 - 10:39 AM | Tài chính quốc tế

Con tàu Peak Pegasus chở lô hàng đậu nành trị giá hơn 20 triệu USD của Mỹ đã lang thang vô định suốt 1 tháng qua trên Thái Bình Dương.

Đây là một nạn nhân điển hình của cuộc chiến thương mại leo thang giữa Trung Quốc và Mỹ.

Tàu hàng Mỹ di chuyển lạ lùng ngoài khơi Trung Quốc suốt 1 tháng - Ảnh 1.

Tàu Peak Pegasus đi theo vòng tròn ngoài khơi Trung Quốc trong 1 tháng qua. Ảnh: Reuters

Số phận bấp bênh của lô hàng đậu nành này như một sự nhắc nhở đúng lúc về ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Cuộc chiến tiếp tục căng thẳng khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 8-8 công bố vòng trừng phạt thuế quan thứ hai đối với hàng hóa Trung Quốc trị giá 16 tỉ USD và Bắc Kinh cũng lập tức ăn miếng trả miếng tương ứng.

Tàu Peak Pegasus, dài 229 m, chở 70.000 tấn đậu nành Mỹ trở thành biểu tượng bất đắc dĩ của hậu quả tiềm tàng của cuộc chiến thương mại ăn miếng trả miếng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Con tàu thuộc sở hữu của công ty JP Morgan Asset Management này ban đầu dự kiến sẽ dỡ lô hàng đậu nành tại cảng Đại Liên, Trung Quốc vào ngày 6-7 sau khi Tổng thống Trump vừa chính thức áp thuế lên 34 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc.

Con tàu đã chạy đua với thời gian với hy vọng để có thể làm xong thủ tục hải quan trước khi Trung Quốc áp thuế trả đũa lên hàng hóa Mỹ. Câu chuyện của Peak Pegasus đã trở thành một đề tài gây sốt trên mạng xã hội ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, chuyến hàng giàu protein này đã đến nơi quá trễ và không kịp né thuế trả đũa 25% của Trung Quốc. Từ đó, nó đi vòng vèo vô định ngoài khơi biển Hoàng Hải suốt hơn 1 tháng qua trong khi chủ lô hàng - được cho là công ty giao dịch hàng nông sản Louis Dreyfus - vẫn đang cân nhắc nên đưa ra quyết định gì.

Công ty có trụ sở ở Amsterdam - Hà Lan này được cho là đang phải trả khoảng 12.500 USD/ngày để tiếp tục thuê con tàu đang nằm yên ngoài khơi bờ biển Hoàng Hải. Chi phí phát sinh trong vòng hơn 1 tháng qua đã lên tới 400.000 USD.

Các chuyên gia về hàng hóa cơ bản nói rằng việc giữ đậu nành trên biển như vậy, khả năng có thể thêm nhiều tháng nữa, vẫn hợp lý về mặt tài chính, bởi việc ra quyết định sai về hành động tiếp theo có thể gây nhiều rủi ro.

Giá đậu nành Mỹ đã giảm mạnh kể từ khi chiến tranh thương mại bắt đầu, bởi các công ty Trung Quốc - nước nhập khẩu đậu tương lớn nhất thế giới - đã tìm kiếm các nguồn cung cấp khác. Điều này có nghĩa là nếu Louis Dreyfus bán lô đậu tương trên cho khách châu Âu hoặc khách ở khu vực khác, họ sẽ phải chấp nhận mức giá giảm nhiều so với giá ban đầu.

Đưa lô hàng này vào Trung Quốc sẽ phải chịu mức thuế 25%, tức là phải nộp thêm là 6 triệu USD tiền thuế.

Đậu nành vốn là nguyên liệu quan trọng trong sản xuất dầu ăn, dầu diesel sinh học và chế biến thức ăn chăn nuôi, trong đó có thức ăn cho heo - nguồn cung cấp thịt chủ yếu ở Trung Quốc.

Một nhân tố khiến số phận lô đậu nành trên tàu Peak Pegasus thêm phần bấp bênh là khoảng thời gian bao lâu để Trung Quốc có thể thay thế nhu cầu đậu nành Mỹ bằng đậu nành Brazil.

"Vấn đề với Trung Quốc là Brazil thường "cháy hàng" đậu nành vào khoảng thời gian này trong năm" - ông Michael Magdovitz, một nhà phân tích thuộc Rabobank, nêu vấn đề.

Các công ty Trung Quốc đã đẩy mạnh thu mua đậu nành Mỹ để dự trữ trước khi Trung Quốc đánh thuế trả đũa 25%. Theo nhận định của ông Magdovitz, tàu Peak Pegasus và cả một con tàu chở đậu nành khác mang tên Star Jennifer lang thang ngoài khơi bờ biển của Trung Quốc suốt nửa tháng qua, có thể đang đợi với hy vọng Bắc Kinh sẽ quyết định trợ cấp cho các công ty nhập khẩu đậu nành.

Theo Đỗ Quyên

Người Lao động/Guardian

Trở lên trên