MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tay trắng lập nghiệp, triệu phú này khuyên bạn "hãy suy nghĩ ít nhất 2 lần trước khi quyết định vào đại học"

14-07-2017 - 07:00 AM | Sống

Chúng ta đang ở trong một nền kinh tế dựa trên ý tưởng và kỹ năng, chứ không phải nền kinh tế dựa trên bằng cấp, chứng chỉ. Tuy nhiên, chúng ta lại quen sống với nền kinh tế dựa vào bằng cấp chứng chỉ. Quan niệm đó đã không còn phù hợp trong thời đại ngày nay.

Doanh nhân, nhà đầu tư kiêm nhà văn James Altucher là một triệu phú tự thân. Ông từng bắt đầu với 2 bàn tay trắng, sau đó sở hữu khối tài sản trị giá 15 triệu USD. Chính vì thế, triệu phú này luôn có quan điểm rất rõ ràng khi đề cập đến giá trị của tấm bằng đại học.

“Trong nhiều trường hợp, tấm bằng đại học chẳng có chút giá trị nào cả”, ông cho biết trong một bài chia sẻ trên chương trình “So Money”.

“Chúng ta đang ở trong một nền kinh tế dựa trên ý tưởng và kỹ năng, chứ không phải nền kinh tế dựa trên bằng cấp, chứng chỉ. Tuy nhiên, chúng ta lại quen sống với nền kinh tế dựa vào bằng cấp chứng chỉ. Quan niệm đó đã không còn phù hợp trong thời đại ngày nay nữa”, triệu phú tự thân nhấn mạnh.

Doanh nhân, nhà đầu tư kiêm nhà văn James Altucher.

Doanh nhân, nhà đầu tư kiêm nhà văn James Altucher.

Theo Altucher, trong yêu cầu tuyển dụng của rất nhiều công ty hiện nay không còn đòi hỏi bằng cấp nữa. Ernst & Young, công ty hàng đầu trong lĩnh vực kế toán – kiểm toán cho biết họ thậm chí còn không hỏi liệu ứng viên đã có bằng đại học hay chưa. Tương tự như vậy, các nhà tuyển dụng Google cũng chẳng quan tâm bạn học trường nào và đã tốt nghiệp chưa.

Mặc dù bản thân Altucher đã từng học tại các trường Ivy League và đại học Cornell nhưng ông nói rằng tấm bằng đại học ngành khoa học máy tính của mình “là một sự lãng phí lớn”.

“Tôi phải bỏ ra 10.000 giờ lập trình, tham dự lớp học về khoa học máy tính và thậm chí thêm 10.000 giờ khác để có thể tốt nghiệp. Sau đó tôi tìm được một công việc thực tế ở thế giới thực tế. Kỹ năng lập trình của tôi quá tồi và sau khi tốt nghiệp với tấm bằng khoa học máy tính ở 2 trường đại học top đầu nước Mỹ, tôi chỉ có thể dừng lại ở việc sửa chữa máy tính”, Altucher chia sẻ.

Chính vì thế, triệu phú này cho rằng thay vì cố gắng để lấy tấm bằng đại học, những người trẻ nên tập trung vào phát triển kỹ năng – thứ mà họ có thể học online, đi tới các thư viện, đọc sách hoặc đơn giản là tham gia vào thị trường lao động.

“Tôi có những nhân viên là chuyên gia về viết lách, tài chính, bán hàng hoặc marketing online… Tất cả những thứ này hầu hết không được dạy ở trường đại học bởi vì đa số là kỹ năng mới cập nhật hàng ngày. Thứ mà nhân viên của tôi giỏi nhất không phải ở tấm bằng mà chính là kỹ năng học hỏi những thứ mới từ hôm qua và áp dụng chúng vào công việc”, triệu phú Mỹ cho biết.

Có thể nói, cho đến nay vai trò của tấm bằng đại học vẫn còn là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Nhiều số liệu thống kê cho thấy giáo dục đại học đang trở thành khoản chi phí tài chính lớn thứ 2 mà ai cũng phải thực hiện trong đời, sau việc mua nhà.

Do học phí các trường đại học ngày càng tăng vọt, trung bình một sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ nợ khoảng 27.000 USD học phí. Trước đây, những sinh viên tốt nghiệp đại học có khả năng kiếm được 1 triệu USD trong suốt cuộc đời nhiều hơn những người không có bằng đại học và vì thế, họ trở thành tấm gương sáng mà xã hội luôn nhắc đến. Tuy nhiên, điều này đã không còn đúng trong xã hội hiện nay.

Altucher không phải là triệu phú duy nhất ở Mỹ phản đối tấm bằng đại học. Trước đó, triệu phú tự thân Grant Cardone cũng cho biết trên CNBC: “Hầu hết mọi người không nên vào đại học. Chúng ta đang gánh 1,3 nghìn tỷ USD tiền nợ học phí. Số nợ học phí của người Mỹ còn lớn hơn số tiền nợ thẻ tín dụng. Đó là một chương trình điên rồ”.

Trong khi Altucher đề cập đến việc tích lũy kỹ năng thì triệu phú Cardone lại khuyên các bạn trẻ nên thiết lập các mối quan hệ với những người đã thành công. “Quan trọng không phải bạn biết những gì, mà là bạn biết những ai. Câu nói từ cổ xưa vẫn đúng đến thời đại ngày nay”, triệu phú tự thân Grant Cardone chia sẻ trên CNBC.

Trịnh Thơm

CNBC

Trở lên trên