MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tencent hất cẳng Wells Fargo để trở thành công ty lớn thứ 10 thế giới

06-04-2017 - 15:33 PM | Tài chính quốc tế

Tencent, gã khổng lồ trong làng công nghệ Trung Quốc, đã chính thức vượt qua Wells Fargo để trở thành 1 trong 10 công ty có giá trị thị trường lớn nhất thế giới.

Ngày 5/4, cổ phiếu Tencent đã tăng 1,6% trên sàn giao dịch Hồng Kông, giúp giá trị vốn hoá của công ty tăng lên tới 279 tỷ USD. Với thành tích này, Tencent đã hất cẳng Wells Fargo, một tập đoàn trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng toàn cầu có trụ sở tại San Francisco, California, Mỹ để trở thành công ty lớn thứ 10 thế giới.

Tencent cũng là công ty Trung Quốc đầu tiên được “ngồi chung mâm” với các tên tuổi lớn như Apple, Alphabet (công ty mẹ của Google) hay Microsoft, Amazon, Berkshire Hathaway…. Với sự góp mặt của Tencent, 6 trong 10 công ty lớn nhất thế giới là công ty công nghệ, với 4 vị trí top đầu. Facebook đứng ở vị trí thứ 6 trong khi Tencent ở vị trí thứ 10.


Tencent hất cẳng Wells Fargo để trở thành 1 trong 10 công ty lớn nhất toàn cầu.

Tencent hất cẳng Wells Fargo để trở thành 1 trong 10 công ty lớn nhất toàn cầu.

Một trong những sản phẩm nổi tiếng nhất của Tencent là WeChat, ứng dụng nhắn tin trên điện thoại di động tích hợp với hàng loạt tiện ích. Hiện tại, WeChat có 805 triệu người dùng. Ngoài việc nhắn tin, người ta có thể cùng chơi game, thanh toán hoá đơn hay thậm chí là mua cổ phiếu trên sàn chứng khoán bằng ứng dụng này.

WeChat là thành công lớn để đưa Tencent lên vị trí số 1 Trung Quốc. Nhà sáng lập Ma Huateng khuyến khích văn hoá cạnh tranh trực tiếp giữa các nhân viên nhằm tạo ra sản phẩm tốt nhất. Thành công của WeChat đã chứng minh điều đó và hiện tại, Tencent tiếp tục áp dụng chính sách này cho nền tảng live-streaming họ đang phát triển.

“Văn hoá của Tencent giống như một con cá mập, sinh vật có thể hấp thụ những con non chưa sinh để đảm bảo sự sinh tồn của bản thân. Dù không đến mức giết người nhưng văn hoá đó khiến mọi thành viên phải thích ứng nhanh và cạnh tranh mạnh mẽ hơn nhằm đảo bảo sự tồn tại”, Andy Mok, một chuyên gia phân tích, nhấn mạnh.

Ngoài các dịch vụ trực tuyến, Tencent còn phát triển nhiều ứng dụng khác, bao gồm cả công nghệ thực tế ảo. Ross Liang, tổng quản lý nhóm Mạng xã hội của Tencent, cho rằng: “Chúng tôi có tinh thần khởi nghiệp. Ở Tencent, không có đường ranh giới rõ ràng xung quanh việc một người được phép làm vì và không được phép làm gì”.

Dù các ứng dụng của Tencent ít được sử dụng bên ngoài Trung Quốc nhưng thị trường 1 tỷ dân vẫn là mảnh đất màu mỡ trong bối cảnh Twitter và Facebook bị cấm cửa tại quốc gia đông dân nhất thế giới. Chính vì thế, những công ty như Tencent thoải mái phát triển mà không gặp phải sự cạnh tranh của những ông lớn trong lĩnh vực mạng xã hội toàn cầu.

Linh Anh

Bloomberg

Trở lên trên