Tết Nguyên Đán: Dịp gia đình đoàn viên, khởi đầu cho một năm mới vạn sự tốt lành
Được biết đến với tên gọi là Tết Cả, Tết Ta, Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền, hay chỉ đơn giản: Tết, Tết Nguyên Đán là từ xưa đến nay vẫn là ngày lễ quan trọng nhất trong văn hóa của người Việt Nam.
- 13-02-2018Những loại hoa gia đình nào cũng nên trưng trong ngày Tết để rước thêm may mắn và tài lộc vào nhà
- 13-02-2018Đây là những hình ảnh mà hàng triệu người Việt không còn thấy tận mắt tại ngôi nhà của mình
- 13-02-2018"Đột nhập" nhà Đàm Vĩnh Hưng ngày Tết, choáng ngợp với phòng chứa đồ toàn hàng hiệu
Tết bắt đầu từ ngày mồng 1 tháng 1 Âm lịch. Song, công việc sửa soạn cho ngày Tết thường bắt đầu trước một tuần, tức là từ ngày cúng ông Táo 23 tháng Chạp. Đây được xem là sự kiện đầu tiên báo hiệu một mùa Tết nữa lại đến. Tết Nguyên đán được xem là thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, giữa một chu kỳ vận hành của đất trời, vạn vật cỏ cây.
Nguồn gốc của ngày Tết Nguyên đán
Có ý kiến cho rằng, Tết Nguyên đán có nguồn gốc từ Trung Quốc và du nhập vào Việt Nam qua 1000 năm Bắc Thuộc. Theo lịch sử Trung Quốc, nguồn gốc Tết Nguyên đán có từ đời Tam Hoàng Ngũ Đế và thay đổi theo từng thời kỳ. Các vua chúa ở từng thời kì lại có các quan niệm khác nhau về ngày giờ "tạo thiên lập địa" như: Giờ Tý thì có trời, giờ Sửu thì có đất, giờ Dần sinh loài người nên đặt ra các ngày Tết khác nhau.
Đời Tam Vương, nhà Hạ chọn tháng giêng, tức tháng Dần, nhà Thương lấy tháng Sửu, tức tháng Chạp làm tháng đầu năm. Nhà Chu chọn tháng Tý, tức tháng 11. Đời Đông Chu, Khổng Tử đổi ngày Tết vào một tháng nhất định là tháng Dần. Đời nhà Tần (thế kỷ 3 TCN), Tần Thủy Hoàng lại đổi qua tháng Hợi, tức tháng 10. Đến thời nhà Hán, Hán Vũ Đế (140 TCN) lại đặt ngày Tết vào tháng Dần, tức tháng giêng. Từ đó về sau, không còn triều đại nào thay đổi về tháng Tết nữa.
Đến đời Đông Phương Sóc, ông cho rằng ngày tạo thiên lập địa có thêm giống gà, ngày thứ hai có thêm chó, ngày thứ ba có thêm lợn, ngày thứ tư sinh dê, ngày thứ năm sinh trâu, ngày thứ sáu sinh ngựa, ngày thứ bảy sinh loài người và ngày thứ tám mới sinh ra ngũ cốc. Vì thế, ngày Tết thường được kể từ ngày mồng một cho đến hết ngày mồng 7.
Tuy nhiên, theo một luồng ý kiến khác, Tết Nguyên đán bắt nguồn từ Việt Nam và sau đó được người Hoa du nhập cho đến ngày nay.
Phong tục ăn Tết trong những ngày đầu năm mới được hình thành từ thời nhà nước Văn lang – Âu Lạc, đời Hùng Vương, An Dương Vương. Sự tích bánh chưng bánh dày biểu trưng cho quan niệm “Trời tròn – Đất vuông” của cư dân người Việt làm nông nghiệp là một minh chứng cho quan điểm Tết Nguyên đán có nguồn gốc từ Việt Nam, trước cả thời Tam Hoàng Ngũ Đế ở Trung Quốc.
Hơn nữa, Khổng Tử – nhà tư tưởng, nhà triết học, nhà giáo dục, nhà chính trị nổi tiếng người Trung Hoa, viết trong sách Kinh Lễ: “Ta không biết Tết là gì, nghe đâu đó là tên của một ngày lễ hội lớn của người Man, họ nhảy múa, uống rượu và ăn chơi vào những ngày đó”.
Sách Giao Chỉ Chí cũng có đoạn viết: "Người Giao Quận thường tập trung lại từng phường hội nhảy múa hát ca, ăn uống chơi bời trong nhiều ngày để vui mừng một mùa cấy trồng mới,không những chỉ có dân làm nông mà tất cả người nhà của Quan lang, Chúa động cũng đều tham gia lễ hội này". Điều này càng chứng tỏ Tết Nguyên đán là một phong tục truyền thống được cha ông ta tổ chức từ thuở xa xưa.
Giải thích cho cái tên Tết Nguyên đán, nguyên nghĩa của Tết chính là "tiết", “nguyên” là Khởi đầu, “đán” tức là trọn vẹn. Do nhu cầu canh tác nông nghiệp, người Việt xưa đã phân chia thời gian trong một năm thành 24 tiết khác nhau, trong đó tiết quan trọng nhất là tiết khởi đầu của một chu kỳ canh tác, gieo trồng, tức là Tiết Nguyên đán sau này được biết đến là Tết Nguyên đán.
Được tính theo Âm lịch, nên Tết Nguyên đán thường đến muộn hơn tết Dương lịch. Do quy luật 3 năm nhuận một tháng của Âm lịch nên ngày đầu năm của dịp Tết Nguyên đán không bao giờ trước ngày 21 tháng 1 Dương lịch và sau ngày 19 tháng 2 Dương lịch mà thường rơi vào khoảng cuối tháng 1 đến giữa tháng 2 Dương lịch.
Ngày Tết Nguyên đán - Dịp đoàn viên, sum họp
Tết là ngày quan trọng nhất trong năm của người Việt, là ngày kết thúc năm cũ và khởi đầu một năm mới. Vì vậy, ai ai cũng muốn gác lại những công việc bận rộn của năm cũ để trở về với gia đình, quây quần bên nhau, nghỉ ngơi, ăn chơi cho bõ công bao ngày làm việc vất vả. Người đi xa thu xếp để về quê hương, về với mái ấm, cùng đón tết bên gia đình, thờ cúng ông bà tổ tiên, thăm hỏi anh em, hàng xóm, thầy cô, bạn bè... thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn, sự hiếu thảo, tôn sư trọng đạo của các bậc con cháu tới đấng sinh thành, dạy dỗ cũng như sự đoàn kết của người Việt.
Người ta tin rằng, vào dịp Tết, trên bàn thờ gia tiên, tổ tiên cũng đang hiện diện để vui Tết cùng gia đình. Do đó, trên bàn thờ gia tiên trong những ngày này, mâm ngũ quả được sửa soạn đẹp mắt, bánh trái, mâm cỗ được bày soạn cẩn thận để kính dâng lên tổ tiên, khói hương hòa quyện cùng không khí rạo rực của đất trời đang chuyển giao trong ngày Tết.
Từ bữa cơm tối đêm 30, trước giao thừa, các gia đình đã thắp hương mời hương linh ông bà và tổ tiên và những người thân đã qua đời về ăn cơm, vui Tết với con cháu thể hiện sự thành kính, nhớ ơn tới bề trên và cầu mong được tổ tiên phù hộ cho con cháu một năm mới gặp nhiều may mắn, thuận lợi. Đó là ý nghĩa tâm linh của ngày Tết.
Tết là ngày đầu tiên trong năm mới, mọi người có cơ hội ngồi hàn huyên, ôn lại việc cũ và lên kế hoạch cho những dự định trong năm mới. Người người đều sắm sửa cho mình những bộ quần áo mới, dọn dẹp, trang hoàng lại nhà cửa để rước các vị thần may mắn vào nhà. Bao nhiêu mối nợ nần đều được thanh toán trước khi bước qua năm mới.
Với mỗi người, những buồn phiền, cãi vã được dẹp qua một bên, mọi người cười hòa với nhau, nói năng từ tốn, lịch sự để mong suốt năm sắp tới mối quan hệ được tốt đẹp. Vì thế, Tết còn là ngày của sự lạc quan, hy vọng.
Có thể nói, Tết thực sự là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người Việt Nam. Tết là sự chuyển giao năm cũ và năm mới. Là dịp để người ta kết thúc một năm cũ và đón chào những niềm vui cho năm tới với những khởi đầu mới. Và Tết Nguyên đán từ xưa, hiện tại và cho mãi về sau sẽ mãi là một truyền thống văn hóa tốt đẹp, là giá trị đạo đức cốt lõi của cả dân tộc Việt Nam.
* Tham khảo thông tin từ Wikipedia.