Tết Nguyên Đán tại Hàn Quốc: Giống các nước Á Đông về ý nghĩa nhưng lại khác xa về phong tục và ẩm thực
Giống với các quốc gia Á Đông khác, người Hàn Quốc xem Tết Nguyên Đán không chỉ là đánh dấu một năm mới, mà còn là dịp đặc biệt để nhớ về tổ tiên và gặp gỡ những thành viên trong gia đình.
- 11-02-2021Chùm ảnh: Hà Nội đẹp nao lòng trong nắng ngày 30 Tết
- 11-02-2021Đồ ăn ngày Tết còn thừa nhưng không nỡ vứt đi, các mẹ nhớ bỏ túi các lưu ý sau để không ảnh hưởng sức khỏe gia đình
- 11-02-2021Sinh con tuổi Sửu chẳng khác gì bắt được hũ vàng: Sức khỏe, tính cách khỏi chê, đặc biệt tiền đồ cực kỳ sáng láng
Seollal là tên gọi Tết Nguyên Đán của người Hàn Quốc, một trong hai ngày Tết lớn nhất ở Hàn Quốc (cùng với Tết Trung thu). Cũng giống như Việt Nam, người Hàn Quốc đón Tết cổ truyền vào ngày 1 tháng Giêng Âm lịch hàng năm. Đây không chỉ là đánh dấu một năm mới, mà còn là dịp đặc biệt để nhớ về tổ tiên và gặp gỡ những thành viên trong gia đình.
Trong những ngày Tết truyền thống, người Hàn Quốc thường mặc hanbok, thực hiện các nghi lễ, chơi các trò chơi dân gian, ăn các món ăn truyền thống, nghe kể chuyện và gặp gỡ mọi người.
Phong tục biếu quà tạ ơn
Trong dịp Tết Seollal người Hàn Quốc sẽ mua quà biếu để bày tỏ lòng biết ơn và sự kính trọng đối với ông bà, cha mẹ. Quà tặng thường là trái cây tươi, nhân sâm, mật ong, giỏ quà cá ngừ, kẹo truyền thống, cá khô, đồ dùng hàng ngày và tiền mặt.
Phong tục thờ cúng "Charye"
Ngày đầu tiên của Tết Seollal bắt đầu với nghi thức thờ cúng “charye”. Đây là nghi lễ bày tỏ sự tôn kính với tổ tiên và cầu cho năm mới hạnh phúc, bình an. Các thành viên trong gia đình sẽ mặc trang phục truyền thống của Hàn Quốc và tập trung trước bàn thờ đã được chuẩn bị sẵn để thực hiện nghi lễ.
Nghi thức bắt đầu bằng việc cúi lạy tổ tiên - "sebae" và lễ "eumbok" – xin tổ tiên phù hộ những điều tốt lành đến với các thành viên trong gia đình. Trong nghi lễ, nam và nữ có cách cúi đầu khác nhau. "Sebae" không đơn thuần chỉ là cái bái lạy mà còn là một nghi thức quan trọng trong dịp năm mới.
Sau bữa ăn, các thế hệ trẻ trong gia đình cùng bái lạy và tặng quà người lớn tuổi. Sau đó, ông bà cũng chúc cho con cháu một năm mới thịnh vượng và tặng "sebaetdon" – tiền mừng tuổi cho trẻ em. Tất cả các "sebaetdon" sẽ được cất vào một chiếc túi may mắn được gọi là “bokjumeoni”.
Món ăn trong dịp Seollal
Sau lễ cúng gia tiên, mọi người trong gia đình sẽ quây quần cùng thưởng thức những món ăn vừa cúng. Tùy theo vùng miền mà các món ăn có thể khác nhau, nhưng món ăn phổ biến nhất vẫn là tteokguk – canh bánh gạo truyền thống.
Người Hàn Quốc tin rằng ăn "tteokguk" trong ngày đầu năm mới tượng trưng cho việc thêm 1 tuổi cùng với đó là để cầu mạnh khỏe và sống lâu.
Ngoài ra, món Manduguk cũng được nhiều gia đình Hàn Quốc thưởng thức trong ngày Tết, giống với canh bánh gạo của Hàn Quốc, nhưng món canh Manduguk được nấu với mandu – bánh xếp cùng nước tương, muối và hạt nêm.
Một món ăn cũng phổ biến trong dịp Tết là món bánh gạo Ddeok làm từ bột gạo nếp. Người Hàn Quốc thường ăn bánh Ddeok trong ngày cưới, tiệc tùng và lễ hội.
Trò chơi dân gian
Seollal là dịp để cả gia đình cùng nhau tham gia vào các hoạt động vui vẻ. Yutnori là một trong những trò được chơi phổ biến vào những ngày Tết ở Hàn Quốc và thu hút được sự tham gia của nhiều người. Trò chơi Yutnori bao gồm bàn chơi, quân chơi và 4 gậy Yut.
Yutnori này có thể chơi 2 người hoặc chơi theo 2 đội. Trò chơi này đã có lịch sử từ lâu đời. Lúc tung lên, những đường đi của gậy Yut được người xưa ví như đường di chuyển của Mặt Trời, hiểu theo nghĩa khác là cầu mong cho năm mới sung túc nhiều may mắn. Chính vì thế mà trò này được chơi vào ngày mùng 1 Tết.
Một số trò chơi phổ biến khác được chơi trong kỳ nghỉ này là jegichagi (đá cầu), yeonnaligi (thả diều), neolttwigi (bập bênh) và paengi chigi (trò con quay).
(Nguồn: Tổng hợp)
Pháp luật và Bạn đọc