Thắc mắc của giáo sư Mỹ và vòng luẩn quẩn ở Việt Nam: Nghèo nhưng giỏi, nhưng tại sao giỏi vẫn nghèo?
Người Việt có thể rất tự hào về thành tích học tập của mình, vượt cả các nước phát triển như Mỹ, Anh, tạo thành một thứ thách thức tranh cãi đối với thế giới. Nhưng cũng chính điều này lại khiến người ta tự vấn: Tại sao mình giỏi nhưng vẫn cứ nghèo?
- 16-12-2016Giáo sư Mỹ thắc mắc về nghịch lý tại Việt Nam: Nghèo nhưng học sinh lại giỏi toán, khoa học hơn nước giàu như Anh, Mỹ
- 10-12-2016Năng suất lao động nhiều ngành cao vì “ăn theo” tài nguyên
- 26-11-2016Làm ra 1,74 tỷ đồng/người/năm, đây là ngành có năng suất lao động cao gấp 21,9 lần mức trung bình của Việt Nam!
- 06-11-2016Nghiêm cấm tìm kiếm đồ vật, vứt bỏ chúng khi không cần thiết, đây là cách người Nhật tránh lãng phí, tối đa hoá năng suất lao động
Tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra...
Cách đây 2 hôm, tại một phiên thảo luận chuyên đề liên quan đến giáo dục và nguồn nhân lực, ông Paul Glewwe, giáo sư Đại học Minnesota đã thốt lên “Tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra...” khi nói về giáo dục Việt Nam. Bởi lẽ, Việt Nam dù nghèo nhưng lại nền giáo dục chất lượng, học sinh Việt Nam học giỏi hơn học sinh Anh, Mỹ.
Điều này được chứng minh thông qua kết quả Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (Programme for International Student Assessment – PISA) trong 2 năm 2012 và 2015.
Theo kết quả PISA 2015 vừa được công bố hôm 6/12, Việt Nam xếp thứ 8 trong 72 nước về Khoa học, thứ 22 về Toán và thứ 32 về Đọc hiểu. Trước đó, năm 2012, vị thứ của Việt Nam đối với các môn này cũng khá cao lần lượt là 8, 17 và 19.
Giáo sư người Mỹ cho biết, xếp hạng PISA thường tỷ lệ thuận với GDP của mối quốc gia và luôn có mối tương quan thuận chiều với mức độ sung túc. Với những điều “thông thường” đó, Việt Nam đang là một trường hợp ngoại lệ, vượt ra ngoài cuộc tranh cãi “chỉ có quốc gia có trình độ phát triển cao mới có nền giáo dục chất lượng”.
Để tìm câu trả lời cho bản thân, vị giáo sư này cho biết khi so sánh Việt Nam với các nước, nghiên cứu của ông không dừng lại ở GDP mà còn xét đến cả những yếu tố khác như trình độ học vấn của cha mẹ, tài sản của gia đình,… Nhưng dù ở yếu tố nào, Việt Nam cũng thấp hơn các nước phát triển. Điều này đã khiến ông càng lúc càng không hiểu nổi.
Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên thành tích học tập của học sinh Việt Nam gây tranh cãi. Hồi tháng 7 năm nay, tờ Business Insider đã có hẳn một bài phân tích về “hiện tượng Việt Nam” khi cho rằng đây là một đất nước kỳ lạ về giáo dục: “Về cơ bản, đây là nước thu nhập thấp duy nhất đạt kết quả tương đương những nước phát triển trong các bài kiểm tra học thuật quốc tế”.
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành xem xét 2 kỳ thi quốc tế lớn nhằm lý giải cho “hiện tượng Việt nam”. Một trong số đó là TIMMS (các kỳ thi toán và khoa học quốc tế). Tại kỳ thi này, học sinh Việt Nam đã thể hiện vượt trội hơn so với các nước có mức GDP đầu người tương đương.
Năm 2014, khi công bố nghiên cứu về TIMMS, TS. Abhijeet Singh của Đại học College London cho biết ông nhận ra giáo dục Việt Nam tạo ra sự vượt trội từ sớm. Lúc 5 tuổi, trình độ của trẻ em Việt Nam chỉ tương đương trẻ em ở các nước đang phát triển khác, tuy nhiên, theo độ tuổi tăng dần, độ chênh lệch ngày càng lớn hơn.
Chuyên gia giáo dục Lee Crawfurd cũng nhận định, "một năm tiểu học ở Việt Nam hiệu quả hơn nhiều so với một năm tiểu học ở Peru hay Ấn Độ về mặt học tập kỹ năng".
Hiện tại, hai nhà nghiên cứu Suhas D. Parandekar và Elisabeth K. Sedmik của Ngân hàng Thế giới (WB), cũng tiến hành khảo sát kết quả PISA từ năm 2012 trở lại đây nhằm lý giải vấn đề này.
Trong số 8 nước đang phát triển tham gia chương trình, Việt Nam có GDP đầu người thấp nhất, 4.098 USD (tính theo PPP năm 2010), nhưng lại đạt kết quả cao nhất.
Điểm số của học sinh Việt Nam khiến nhiều người bất ngờ, thậm chí có thể so sánh với các nước có chất lượng giáo dục hàng đầu như Phần Lan, Thụy Sĩ và vượt trội hơn hẳn so với Colombia, Peru.
Vòng luẩn quẩn của nghèo nhưng giỏi, nhưng giỏi tại sao vẫn nghèo?
Chất lượng học sinh Việt Nam vẫn đang là “bí ẩn” đối với nhiều nhà nghiên cứu giáo dục trên thế giới bởi lẽ, họ mới chỉ giải mã được 50% câu chuyện. Tuy nhiên, đối với chính người Việt Nam, cũng có một câu hỏi khác mà họ đang cần lý giải, tại sao “giỏi nhưng vẫn nghèo”, tại sao năng suất lao động Việt Nam – tiêu chí ảnh hưởng trực tiếp từ quá trình giáo dục và đào tạo, vẫn thấp hơn nhiều nước trên thế giới, thậm chí, thua cả Lào.
Báo cáo gần đây của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho biết Việt Nam được xếp vào nhóm có năng suất lao động thấp nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Cụ thể, thấp hơn Singapore 15 lần, Nhật Bản 11 lần, Hàn Quốc 10 lần, Malaysia 5 lần, Thái Lan 2,5 lần. Việt Nam là một trong 3 nước có năng suất lao động thấp nhất ASEAN, chỉ cao hơn Myanmar và Campuchia.
Mặt khác, hàng năm, lượng sinh viên Việt Nam ra trường vẫn thất nghiệp là khá lớn. Tính đến thời điểm hiện tại, đang có khoảng 220.000 cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp. Hay dù có tìm được việc thì những người này cũng phải học lại từ đầu, như cách mà doanh nghiệp than thở họ phải mất tầm 2 năm để “tẩy sạch những gì sinh viên đã học”.
Lý giải cho mâu thuẫn trên, nhiều chuyên gia cho rằng giáo dục phổ thông của Việt Nam đang quá dài trong khi khâu phân luồng, đào tạo cử nhân, lao động có chuyên môn kỹ thuận lại chưa bám sát thực tế.
GS. TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng GD&ĐT khi nói chuyện với báo chí cho rằng không thể phủ nhận được mối liên hệ giữa quá trình đào tạo với năng suất lao động. Ông nhấn mạnh đào tạo ra lao động có tay nghề và làm việc hiệu quả quan trọng hơn việc xếp hạng cao về Toán hay Khoa học.
Trên thực tế, nhiều sinh viên dù tốt nghiệp loại giỏi nhưng vẫn bị đơn vị tuyển dụng lao động từ chối vì thiếu kỹ năng làm việc, kinh nghiệm. Bởi những gì họ học được trên giảng đường vẫn rất xa lạ so với nhu cầu tuyển dụng.