Thai Airways chính thức đệ đơn xin phá sản
Ước tính, các khoản nợ tồn đọng của Thai Airways đã lên tới 200 tỷ bath (tương đương 9,4 tỷ USD).
- 18-05-2020Là tên tuổi hàng không hàng đầu khu vực, vì đâu Thai Airways đến bờ vực phá sản?
- 17-05-2020Thai Airways xin phá sản: Hàng không Việt Nam đối diện kịch bản nào?
- 17-05-2020Thai Airways lớn mạnh thế nào trước khi nộp đơn xin phá sản?
Ngày 26/5, hãng hàng không Thai Airways đã chính thức nộp đơn xin phá sản tại Tòa án phá sản Trung ương Thái Lan. Tin tức trên được đưa ra sau khi cổ phiếu của Thai Airways tăng 12,9% lên 4,9 baht trong phiên giao dịch ngày 26/5. Sau khi kiểm tra các tài liệu liên quan, tòa án dự kiến sẽ phê duyệt đơn xin phá sản của hãng vào ngày 27/5.
Nếu như vậy, Thai Airways sẽ ở trong trạng thái của một ràng buộc pháp lý ngăn các chủ nợ đòi nợ hãng này. Truyền thông Thái Lan cho biết một số chủ nợ nước ngoài của hãng đã cử đại diện để theo dõi diễn biến tiếp theo.
Việc nộp đơn được đưa ra sau nghị quyết của nội các Thái Lan ngày 19/5 rằng Thai Airways phải trải qua quá trình tái cơ cấu dưới sự giám sát của tòa án để có thể tiếp tục kinh doanh.
Ngày 25/5, Thai Airways đã bổ nhiệm 4 thành viên hội đồng quản trị mới để thay thế thành viên cũ.
Thai Airways dự kiến cũng sẽ nộp đơn xin bảo hộ theo Chương 11 của Luật phá sản Mỹ hoặc tài sản của hãng bao gồm các văn phòng và máy bay ở nước ngoài có thể bị tạm giữ. Trong số tất cả các khoản nợ, có tới 49% là của chủ nợ nước ngoài, chủ yếu là ở Mỹ, Anh và Đức.
Bước tiếp theo của quá trình phục hồi tài chính là chỉ định một người lập kế hoạch. Thai Airways có thể đề xuất một ứng cử viên nhưng người đó phải được hơn một nửa số chủ nợ chấp thuận. Còn trong trường hợp chủ nợ muốn đề xuất ứng cử viên, sẽ cần một cuộc bỏ phiếu.
Sau khi các bên thống nhất, tòa án sẽ xem xét phê duyệt lần cuối. Người được chọn có 3 tháng để hoàn thành việc soạn thảo kế hoạch phục hồi, bao gồm một số biện pháp như tăng vốn, tìm nhà đầu tư mới, khoản vay mới, trả nợ và hoán đổi nợ. Khi kế hoạch hoàn thiện, các chủ nợ sẽ tiếp tục bỏ phiếu.
Nếu được phê duyệt, nó sẽ được gửi đến tòa án để đơn vị này chỉ định một người quản lý để thực hiện. Mặt khác, nếu không đạt được thỏa thuận, Thai Airways sẽ bước vào quá trình phá sản và tài sản của hãng sẽ được thanh lý.
Tuần trước, Bộ Tài chính Thái Lan đã bán hết 3,17% cổ phần cho quỹ Vayupak 1, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu của Thai Airways từ 51% xuống 48% và khiến hãng mất tư cách doanh nghiệp nhà nước. Ước tính, các khoản nợ tồn đọng của Thai Airways đã lên tới 200 tỷ bath (tương đương 9,4 tỷ USD).
Cuối tháng trước, để tránh nguy cơ trở thành hãng hàng không quốc gia đầu tiên trên thế giới lâm vào cảnh phá sản vì đại dịch, Thai Airways phải đề nghị một gói cứu trợ trị giá 10 tỷ baht (khoảng 307 triệu USD) từ chính phủ Thái Lan để trả tiền lương 1 tháng cho nhân viên.
Ngoài ra, hãng còn yêu cầu phê duyệt khoản vay trị giá 70 tỷ baht khác với Bộ Tài chính để tiếp tục duy trì hoạt động. Tuy nhiên, tất cả đã không cứu vãn được tình hình kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19 của họ. Hơn nữa, Thai Airways còn gặp phải không ít khó khăn sau nhiều năm thua lỗ liên tiếp.
Theo Bangkok Post
Tổ quốc