Thái độ đúng khi đi làm giúp bạn trở thành nhân viên xuất chúng: Bên ngoài tỏ ra ‘gắn bó trọn đời’, bên trong ‘chừa đường lui’ nhảy việc khi cần
Khi làm việc, chúng ta không những phải có thái độ muốn làm việc lâu dài để nắm bắt cơ hội tốt hơn trong công việc hiện tại, mà còn phải có khả năng ra đi bất kỳ lúc nào để chống lại sự bấp bênh trong chủ nghĩa lâu dài.
- 24-01-20225 mẹo giúp bạn thương lượng được mức lương cao khi "nhảy việc" trong năm mới
- 11-12-2021Có một "thế hệ khó bảo" tại nơi làm việc: Sếp thích sao cũng kệ, tỉ lệ nhảy việc cao ngất ngưởng nhưng sống lại rất thực dụng
- 08-12-2021Sau 6 lần nhảy việc, cô gái 34 tuổi chia sẻ kinh nghiệm thương lượng để có mức lương khủng, tăng gần 40% mỗi lần đổi công ty, hướng tới mục tiêu kiếm được triệu USD
01. Luôn giữ thái độ muốn ở lại làm việc lâu dài
Khi làm việc, việc bạn giữ thái độ không muốn rời đi so với việc bạn thể hiện thái độ chỉ làm việc trong thời gian ngắn, sẽ đem lại những lợi ích rất khác nhau.
Chủ yếu ở 3 lợi ích sau:
▼ 1. Bạn có thể lấy được lòng tin của sếp hay không?
Các sếp trong các công ty dù lớn dù nhỏ đều có một điểm chung trong việc lựa chọn những thành viên điều hành cốt lõi cho công ty của mình, đó là: Các ứng viên phải làm việc ở công ty ít nhất 3 năm.
Với những nhân viên tâm không kiên định chỉ muốn thành công tới nhanh, dù có thể hiện tốt trong một khoảng thời gian khá dài thì cũng khó lọt vào mắt xanh của sếp, như vậy họ sẽ không giành được cơ hội tham gia vào tầng lớp cốt cán của công ty.
Điều này cũng giống như việc bạn trồng cây vậy. Mỗi ngày bạn đều vất vả bón phân, tưới nước, bắt sâu, đợi mãi mới đến ngày cây kết trái, ấy vậy mà người được hưởng trái ngọt lại là những người hàng xóm chẳng làm gì cả.
Loại chuyện như thế, bạn có sẵn sàng làm không?
Cũng theo nguyên lý đó, các sếp lớn sẽ chỉ trọng dụng và bồi dưỡng bạn sau khi họ chắc chắn rằng bạn sẽ theo họ lâu dài.
Đây là điều rất thường tình, và chắc rằng khi bạn trở thành ông chủ, bạn cũng sẽ làm như vậy.
Khi bạn giữ thái độ muốn làm việc lâu dài và ở lại đến một số năm nhất định, đó sẽ là tín hiệu gửi đến các sếp rằng bạn là người đáng tin cậy.
▼ 2. Bạn có thể trưởng thành lên nhiều không?
Giả sử:
Bạn phát hiện công việc đang làm tồn tại một vấn đề cần giải quyết, nếu không xử lý thì công việc tương lai của bạn sẽ bị ảnh hưởng.
Nhưng giải quyết vấn đề này sẽ tốn rất nhiều công sức, ít nhất phải một hai năm.
Vậy bạn sẽ chọn đối mặt với rắc rối, hay rút lui?
Không bàn đến các yếu tố khác, nếu bạn có thái độ làm việc nhất thời, chắc chắn bạn sẽ lựa chọn biết khó mà rút lui: Với tâm thế chỉ làm việc trong một năm, mà thời gian giải quyết vấn đề này phải mất đến hai năm, thì thôi cố chịu đựng bất tiện trong một năm tới vậy.
Nhưng nếu ngay từ đầu bạn đã không có ý định rời đi, thì khi đối mặt với khó khăn, bạn sẽ lựa chọn giải quyết ngay, vì nếu không giải quyết thì bạn sẽ phải chịu bất tiện trong rất nhiều năm.
Đây là sự khác biệt giữa suy nghĩ dài hạn và ngắn hạn.
Một điều tất yếu đó là năng lực của chúng ta sẽ được nâng cao sau mỗi lần giải quyết vấn đề.
Dễ hiểu rằng càng giải quyết được nhiều vấn đề và vấn đề được giải quyết càng khó thì bạn càng cải thiện được khả năng của mình.
Những người có thái độ làm việc ngắn hạn vì giải quyết ít vấn đề hơn và giải quyết các vấn đề ít khó khăn hơn, nên khoảng cách năng lực của họ so với những người muốn làm việc dài hạn sẽ gia tăng theo thời gian.
▼ 3. Bạn có thể nhận được phần thưởng của thời gian hay không?
Nhận được sự tin tưởng của sếp và sự tiến bộ dần dần theo thời gian, bạn sẽ có thể nhận được món quà mà thời gian ban tặng.
Tôi thấu hiểu hiểu sâu sắc vấn đề này, vì bản thân tôi đã gắn bó với công ty hơn 10 năm, thăng tiến từ một nhân viên bình thường đến trưởng phòng, rồi giám đốc, cuối cùng là tổng giám đốc chi nhánh.
Con đường thăng tiến này không phải do tôi cố ý thiết kế mà là một cơ hội mà tôi đã chờ đợi kể từ khi chỉ là một nhân viên nhỏ bé.
Tất nhiên, chặng đường này tôi cũng gặp phải nhiều điều mà bản thân cảm thấy bất công, thậm chí có những lúc khó có thể tiếp tục kiên trì.
Ví dụ, rõ ràng tôi làm nhiều việc hơn những người khác nhưng tiền lương nhận được lại ít hơn. Tôi cũng đã có ý định bỏ việc nhiều lần, nhưng lại luôn thay đổi quyết định vào phút chót.
Bây giờ nhìn lại, điều may mắn nhất trong cuộc đời tôi là việc mình đã có thể kiên trì ở lại.
Vì vậy, chỉ khi bạn giữ thái độ không muốn rời bỏ công việc hiện tại, bạn mới có thể thực sự chiếm được lòng tin của sếp, mới có nhiều không gian để nâng cao năng lực cá nhân và thực sự được hưởng phúc lợi mà thời gian đem đến.
02. Có năng lực rời đi bất cứ lúc nào
Khả năng cạnh tranh lớn nhất của một người là khả năng đối phó với các nhân tố không chắc chắn.
Bởi vì cho dù chúng ta lập kế hoạch tốt đến đâu, cho dù chúng ta không muốn rời đi bao nhiêu, thì sẽ luôn có những yếu tố bất ổn xảy ra ở nơi làm việc.
Cũng giống như câu chuyện "Chỉ số hạnh phúc của gà tây" được đề cập trong cuốn "Thiên nga đen".
Giả sử bạn là một con gà tây được người nông dân nuôi trong một trang trại ở Hoa Kỳ. Bạn đã hạnh phúc trong 120 ngày qua vì được người nông dân cho ăn mỗi ngày.
Vì vậy, chỉ số hạnh phúc của bạn tăng tuyến tính theo thời gian và bạn nghĩ rằng hạnh phúc này sẽ tồn tại mãi mãi.
Nhưng thật không may, ngày mai là Lễ Tạ ơn (Ở phương Tây sẽ nướng gà tây ăn vào dịp này) nên chỉ số hạnh phúc của gà tây đột ngột kết thúc.
Vì vậy, khi làm việc, chúng ta không những phải có thái độ muốn làm việc lâu dài để nắm bắt cơ hội tốt hơn trong công việc hiện tại, mà còn phải có khả năng ra đi bất kỳ lúc nào để chống lại sự bấp bênh trong chủ nghĩa lâu dài.
Làm thế nào để phát triển khả năng ra đi bất cứ lúc nào?
▼ 1. Tự xem mình là người chịu trách nhiệm cuối cùng
Nếu bạn tự xem mình là người phụ trách cuối cùng, thì cùng một công việc, bạn sẽ có những thu hoạch vô cùng khác nhau:
1) Mục đích công việc không chỉ là hoàn thành mà là muốn hoàn thành xuất sắc.
2) Khi đạt được mục tiêu đầu tiên, bạn sẽ không hài lòng với nó, mà sẽ chủ động tìm những mục tiêu có tính thử thách cao hơn cho bản thân, luôn giữ mình trong trạng thái đứng bên lề của sự nhàn tản.
Làm được những điều trên, khả năng của bạn sẽ tiến bộ hơn những người khác gấp vài lần sau mỗi mục tiêu.
Và ngay cả khi rời bỏ vị trí hiện tại, bạn hoàn toàn có đủ năng lực và kinh nghiệm để tìm kiếm một công việc tốt hơn.
▼ 2. Tích lũy và chọn lọc những kiến thức có thể chuyển giao từ công việc hiện tại
Để trang bị cho bản thân kỹ năng này cốt lõi chính là:
1) Kiểu mẫu hóa quy trình làm việc
Hãy biến mọi thứ bạn làm trong công việc hiện tại của mình thành các quy trình kiểu mẫu.
Giống như việc trở thành trợ lý ghi chép tỉ mỉ các vấn đề trong một cuộc họp, bạn sẽ phát hiện khi ghi chép lại và lập thành một quy trình, từng cuộc họp sẽ cho bạn những quy trình khác nhau, từ đó trở thành nhiều bản mẫu và những bản mẫu đó sẽ là hành trang kinh nghiệm quý báu để bạn có thể nhảy việc bất cứ lúc nào.
2) Chắt lọc giá trị cốt lõi
Lý do mà chúng ta cảm thấy các kỹ năng và kiến thức rất phức tạp và đa dạng, là vì các nguyên lý ấy có cách ứng dụng khác nhau trong từng lĩnh vực nhỏ lẻ.
Ví dụ, một nguyên tắc đơn giản là có đi có lại (nghĩa là nếu bạn thỏa mãn lợi ích của người khác, người khác sẽ sẵn sàng trả ơn cho bạn), và trong từng lĩnh vực khác nhau sẽ có các cách nói khác nhau.
Trong quản lý dự án, ta gọi nguyên tắc này là quản lý các bên liên quan, tức cần phải nắm bắt được lợi ích và nhu cầu cốt lõi của các bên liên quan.
Trong quản lý bán hàng, ta gọi nguyên tắc này là quản lý khách hàng, tức phải nắm bắt được yêu cầu về lợi ích cốt lõi của khách hàng.
Trong quản lý đàm phán, ta gọi nguyên tắc này là quản lý kỳ vọng, cần phải nắm bắt được yêu cầu về lợi ích và nhu cầu cốt lõi của đối thủ đàm phán.
Do đó, bất kể bạn làm loại công việc gì và làm ở chức vị nào, nếu bạn có thể chắt lọc các nguyên tắc đằng sau các kỹ năng cụ thể trong công việc của mình, thì kinh nghiệm làm việc ấy của bạn có thể được chuyển sang ứng dụng với nhiều loại hình công việc khác nhau hơn.
Khi bạn xây dựng cho mình khả năng rời đi bất cứ lúc nào, bạn sẽ ngạc nhiên phát hiện rằng, ngược lại bạn có thể ở lại một nơi và phát triển trong thời gian dài hơn.
Doanh nghiệp và Tiếp thị