Thái Lan và cuộc suy thoái tồi tệ hơn cả khủng hoảng tài chính: "Mọi người thậm chí không còn đồ gì để cầm cố!"
Chủ một tiệm cầm đồ ở Bangkok chia sẻ: "Bạn biết đấy, mọi thứ thật kinh khủng khi nhân viên văn phòng phải cầm cố cả thiết bị điện tử, điện thoại và laptop. Mọi người không còn gì cả!"
- 21-07-2021Động lực nào giúp Phố Wall bứt phá mạnh mẽ sau phiên bán tháo khiến Dow Jones rơi 900 điểm?
Danai Tangvatanangkoon là một chủ tiệm cầm đồ ở Bangkok. Cửa tiệm cũ kĩ của ông hiện vẫn giữ những chiếc đồng hồ và vàng ở trong vài chiếc hộp gỗ phủ đầy bụi.
Ông từng nhiều lần chứng kiến kinh tế Thái Lan rơi vào khủng hoảng, nhưng kể từ khi cửa hàng bắt đầu hoạt động vào năm 1989, chưa bao giờ mọi thứ lại tồi tệ như hiện tại. Đồng hồ, thiết bị điện tử ở tiệm cầm đồ này đang xếp chồng chất lên nhau, khi nền kinh tế Thái Lan rơi vào khủng hoảng do làn sóng thứ 3 của đại dịch.
Ông chia sẻ: "Mọi người không còn gì để mang đi cầm đồ. Doanh số của chúng tôi còn tồi tệ hơn cả cuộc khủng hoảng ‘tom yum goong’ vào năm 1997." Ở thời điểm đó, người dân Thái Lan đã gần như mất toàn bộ số tiền tiết kiệm khi cuộc khủng hoảng lan rộng Đông Nam Á. Danai nói: "Khi ấy, ít nhất mọi người vẫn giữ được công việc, còn bây giờ, họ không có gì cả."
Tháng trước, NHTW Thái Lan đã hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2021, từ 3,0 xuống 1,8% và triển vọng năm 2022 cũng giảm gần 1 điểm phần trăm. Cơ quan này dự đoán khách du lịch sẽ không đến Thái Lan khi đại dịch tiếp tục lây lan.
Song, ước tính này dường như vẫn khá lạc quan ở một quốc gia nơi chỉ có hơn 5% trong số 70 triệu dân đã được tiêm vắc-xin Covid-19 đầy đủ. Điều này khiến chính phủ đang gặp nhiều khó khăn trong việc ngăn chặn đại dịch và sự phẫn nộ của người dân về việc chậm chạp triển khai chương trình tiêm chủng.
Tại Thái Lan, số ca Covid-19 đang tăng lên mức cao chưa từng có, lần đầu tiên vượt con số 11.000 ca hàng ngày vào cuối tuần qua. Hôm qua, Thái Lan ghi nhận 11.035 ca mắc và 80 trường hợp tử vong, khi giới chức y tế dự kiến số ca còn tăng gấp đôi vào đầu tháng 8.
Bangkok đã bị đóng cửa hoàn toàn kể từ đầu tháng này và các chuyến bay nội địa cũng bị hoãn hủy. Ngoài ra, các trạm kiểm tra tại thành phố cũng được tăng cường để hạn chế hoạt động đi lại từ thủ đô.
Những biện pháp này đã "đè bẹp" hoạt động kinh tế của Thái Lan, vốn chỉ "le lói" từ cuối năm ngoái đến tháng 4. Do đó, một lượng lớn người lao động tự do – từ người bán hoa quả rong cho đến bán đồ trang sức và nhân viên massage, đều mất việc. Ngoài ra, nợ hộ gia đình cũng tăng lên mức nguy hiểm là 90% GDP.
Để xoay chuyển tình thế, chính phủ Thái Lan dự kiến sẽ mở cửa đón khách nước ngoài vào tháng 10. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, kế hoạch có thể sẽ khó thực hiện.
Pavida Pananond – phó giáo sư khoa Kinh doanh Quốc tế thuộc Đại học Thammasat, nhận định: "Có thể, sự hồi phục hình chữ V hay thậm chí là chữ U như ở quốc gia khác vẫn là một ước mơ xa vời với Thái Lan."
Trong khi các địa điểm du lịch nổi tiếng Phuket và Koh Samui đã mở cửa trở lại, các chuyên gia cho biết số lượng du khách đến có thể sẽ rất ít. Nguyên nhân là bởi tỷ lệ tiêm vắc-xin của quốc gia này vẫn ở mức thấp. WB mới đây cho biết, số lượng du khách đến Thái Lan vào cuối năm nay có thể là gần 600.000 người, thấp hơn nhiều so với ước tính 4-5 triệu lượt ở trước đợt bùng phát gần đây nhất.
Dù đã chi 1,5 nghìn tỷ baht (45 tỷ USD) để hỗ trợ nền kinh tế, nhưng Bộ trưởng Tài chính Arkhom Termpittayapaisith vẫn dự báo tỷ lệ đi vay nợ vẫn tăng cao hơn khi đại dịch ảnh hưởng rất lớn đến chi tiêu tiêu dùng. Ông nói: "Đà hồi phục có thể chưa diễn ra ngay như chúng tôi mong đợi. Ngoài ra, chính phủ đang cân nhắc thêm một đợt giãn nợ kéo dài đến năm sau, để doanh nghiệp có thể tự thu hồi vốn."
Trong những đợt suy thoái trước đây, các tiệm cầm đồ thường kinh doanh rất thuận lợi khi khách hàng kéo đến để tìm khoản vay ngắn hạn. Nhưng ở lần này, mọi thứ hoàn toàn khác biệt. Khách hàng của Danai ngày càng lún sâu vào nợ nần. Họ thậm chí còn còn không thể "chuộc" lại món đồ cầm cố trong 5 tháng, nhiều người không đủ khả năng để trả mức lãi 1,5%.
Danai cho hay: "Chúng tôi đang phải gia hạn hợp đồng lên 6-7 tháng. Điều này có nghĩa là họ sẽ nợ chúng tôi lâu hơn và chúng tôi cũng không thể kiếm được bất kỳ khoản tiền nào."
Từ lâu, Thái Lan là quốc gia nổi tiếng với việc đi vay nặng lãi nhiều nhất châu Á và có "núi nợ" cá nhân trị giá khoảng 14 nghìn tỷ baht (426,5 tỷ USD). Phần lớn, số tiền này đã được tích lũy trước khi đại dịch đẩy nền kinh tế xuống bờ vực thẳm.
Ông Pavida nhận định: "Việc phụ thuộc quá nhiều vào du lịch và xuất khẩu đã khiến Thái Lan phải trả giá đắt trong 2 năm qua."
Trong khi đó, Danai nhận thấy những dấu hiệu hồi phục là rất ảm đạm. Ông nói: "Bạn biết đấy, mọi thứ thật kinh khủng khi nhân viên văn phòng phải cầm cố cả thiết bị điện tử, điện thoại và laptop. Mọi người không còn gì cả."
Tham khảo SCMP