MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Thái tử Samsung" bị bắt, vì sao người Hàn Quốc nên lo lắng?

22-02-2017 - 16:33 PM | Tài chính quốc tế

Thiếu người đứng đầu, Samsung, tập đoàn lớn nhất của Hàn Quốc, có thể gặp nhiều rắc rối trong các thương vụ mua bán và sáp nhập cũng như các quyết định về nhân sự cấp cao, gây thiệt hại cho tập đoàn và cả nền kinh tế Hàn Quốc.

Tác hại của “rắn không đầu”

Ở thời điểm hiện tại, Samsung vẫn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Hàn Quốc, chiếm 12% doanh thu và 30% lợi nhuận trong lĩnh vực sản xuất. Chính vì vậy, việc Phó chủ tịch Lee Jae-yong, người đang nắm quyền điều hành tối cao của tập đoàn, bị bắt làm nảy sinh những quan ngại về hoạt động của Samsung.

Vắng người đứng đầu sẽ làm phức tạp thêm các thương vụ mua bán và sáp nhập cũng như ảnh hưởng tới các quyết định về nhân sự cấp cao, dẫn tới lỡ thời cơ. Bên cạnh đó, bê bối với luật pháp Hàn Quốc cũng khiến nhà lãnh đạo Samsung bị loại khỏi vòng đàm phán để sở hữu công ty công nghệ tự động hóa ô tô Harman International của Mỹ.

“Tập đoàn được xây dựng bởi Chủ tịch Lee Kun-hee rất vững chắc. Chẳng có gì đáng phải quan ngại về các hoạt động kinh doanh hiện tại của Samsung. Tuy nhiên, vắng Phó chủ tịch Lee Jae-yong, người thay thế chủ tịch Lee Kun-hee lãnh đạo Samsung, công ty không thể mở rộng các lĩnh vực đầu tư mới”, một chuyên gia phân tích chứng khoán của Hàn Quốc nhấn mạnh.


Phó chủ tịch Lee Jae-yong, người nắm quyền điều hành Tập đoàn Samsung thay cha.

Phó chủ tịch Lee Jae-yong, người nắm quyền điều hành Tập đoàn Samsung thay cha.

Theo các nhà phân tích, đầu tư vào những lĩnh vực mới là sự chuẩn bị cho những thay đổi của xã hội trong tương lai. Tuy nhiên, Samsung có thể gặp trục trặc khi tiếp cận các lĩnh vực như tự động hóa hay trí tuệ nhân tạo, vốn đang trở thành xu thế của cả nhân loại.

Ở thời điểm hiện tại, tác động của việc Phó Chủ tịch Lee Jae-yong bị bắt dường như không đáng kể với Samsung. Tuy nhiên, nếu thiếu vắng người đứng đầu trong 2 hoặc 3 năm tới, Samsung sẽ lộ rõ yếu điểm trong việc chậm trễ mua lại những lĩnh vực mới, từ đó làm giảm khả năng cạnh tranh của Samsung trên trường quốc tế. Điều đó không chỉ gây tổn hại với Samsung mà còn tạo gánh nặng rất lớn nên nền kinh tế Hàn Quốc.

Nhìn vào nền kinh tế Hàn Quốc hiện nay, không khó để nhận ra Samsung là chiếc phao lớn. Các ngành công nghiệp, vốn là thế mạnh của Hàn Quốc như đóng tàu, vận tải biển, thép, xây dựng và hóa chất, đều đang gặp khó và dễ bị tổn thương đến mức cần tái cơ cấu quyết liệt và tổ chức lại.

Ví dụ rõ ràng nhất là Hanjin Shipping, hãng vận tải lớn thứ 7 thế giới, đã chính thức phá sản. Trong khi đó, lĩnh vực Máy hàng hải và Đóng tàu của Daewoo cũng đang gặp vấn đề lớn về tài chính, dẫn tới việc sa thải trên quy mô lớn và bán tài sản để trả nợ. Điều đó càng làm đậm vai trò của Samsung cũng như những tác động của sức khỏe tập đoàn này với kinh tế Hàn Quốc.

Bê bối chính trị làm trầm trọng thêm vấn đề kinh tế

Trên phương diện chính trị, Hàn Quốc đang trải qua đợt sóng gió lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây. Bê bối lợi dụng ảnh hưởng để chuộc lợi của bạn thân và các trợ lý khiến Tổng thống Park Geun-hye bị tạm đình chỉ quyền lãnh đạo Hàn Quốc. Không chỉ dừng lại ở những lo ngại về kinh tế, điều này còn gây ra những thách thức về ngoại giao và an ninh.

Hiện tại, phía Trung Quốc đang đe dọa trả thủ Tập đoàn Lotte của Hàn Quốc bởi cung cấp cho Mỹ địa điểm triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao THAAD, thứ vũ khí mà Bắc Kinh vẫn coi là mối đe dọa. Hàn Quốc không thể coi nhẹ lời cảnh báo này bởi chỉ riêng lĩnh vực bán lẻ, Lotte đã có 150 cửa hàng ở Trung Quốc.


Biểu tình phản đối Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye.

Biểu tình phản đối Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye.

Sự việc khiến Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se phải đứng ra giải thích với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị rằng hệ thống tên lửa chỉ là biện pháp phòng thủ trước mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo hạt nhân của Triều Tiên.

Chính trường bất ổn ở Hàn Quốc còn khiến họ gặp khó khăn hơn trong quan hệ với quốc gia láng giềng Triều Tiên. Ở thời điểm hiện tại, Thủ tướng Hwang Kyo-ahn đang kiêm nhiệm chức danh quyền Tổng thống Hàn Quốc, lấp vào chỗ trồng bà Park để lại. Tuy nhiên, không ai đoán được ông Hwang sẽ phản ứng ra sao nếu Triều Tiên gây ra sự việc tương tự như vụ nã pháo vào đảo Yeonpyeong năm 2010.

Sự vắng mặt của bà Park còn gây tác động tới mối quan hệ tế nhị giữa Hàn Quốc và Nhật Bản, những đồng minh thân cận nhất của Mỹ trong khu vực. Bức tượng “phụ nữ mua vui”, cách gọi những phụ nữ bị ép làm gái mại dâm khi Nhật Bản xâm lược bán đảo Triều Tiên trong Thế chiến II, vẫn được đặt bên ngoài Lãnh sự quán Nhật Bản ở thành phố Busan từ cuối năm ngoái.

Samsung khuyết lãnh đạo trong bối cảnh đất nước thiếu Tổng thống là điều thực sự đang quan ngại với người dân Hàn Quốc. Bên cạnh đó, nguyên nhân dẫn tới sự kiện chưa từng có này cũng là hồi chuông cảnh báo với mối quan hệ giữa các Chaebol với chính phủ nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới.

Chaebol và sức mạnh làm chao đảo nền kinh tế Hàn Quốc

Linh Anh

Nikkei

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên