MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thảm cảnh của ngân hàng Deutsche Bank: Văn phòng trống trơn, ngổn ngang giấy tờ, nhân viên ra ngoài uống bia dù đang là giữa buổi sáng, sếp thờ ơ không quan tâm

03-07-2019 - 07:47 AM | Tài chính quốc tế

Bên trong toà nhà số 60 Phố Wall - trụ sở chính của Deutsche Bank - ngân hàng lớn nhất nước Đức - tại Mỹ, những dấu hiệu của sự bất ổn xuất hiện ở khắp mọi nơi.

Bắt đầu từ tầng 46, nhìn ra sông Đông, những chiếc hộp màu nâu chồng chất lên nhau ở văn phòng của người điều hành cấp cao nhất khu vực châu Mỹ của Deutsche Bank. Cách đó 40 tầng, tức tầng 6, trên sàn giao dịch, những chỗ ngồi đều trống không dù đang là giữa buổi sáng. Màn hình máy tính tối đen. Một số nhân viên vẫn ngồi trên bàn làm việc, nhưng họ lại đang tìm kiếm việc làm ở những ngân hàng khác. Sếp của họ biết điều đó và cũng không quan tâm.

Vào một ngày làm việc gần đây, một giám đốc điều hành đã phát hiện các nhân viên giao dịch uống bia ngay tại quán rượu Full Shilling ở gần đó. Lúc đó chỉ mới 1 giờ chiều. Có thể dễ dàng bắt gặp một nhân viên lâu năm của Deutsche Bank tại Cipriani trên Phố Wall - nơi có loại bellini cocktails nổi tiếng, được phục vụ trong những căn phòng ốp gỗ hoặc trên tầng thượng.

Đó là những gì diễn ra ở Deutsche Bank tại New York gần đây, nơi tất cả các nhân viên từ giám đốc điều hành dường như đều cảm nhận được rằng Frankfurt đang đối mặt với ngày càng nhiều tin dữ.

Thảm cảnh của ngân hàng Deutsche Bank: Văn phòng trống trơn, ngổn ngang giấy tờ, nhân viên ra ngoài uống bia dù đang là giữa buổi sáng, sếp thờ ơ không quan tâm - Ảnh 1.

Trụ sở Deutsche Bank ở Phố Wall từng là một biểu tượng của ngân hàng lớn nhất nước Đức này, thể hiện cho tham vọng dẫn đầu ngành tài chính Mỹ. Trong những năm gần đây, ngân hàng này là "nguồn cơn" rắc rối cho các nhà lập quy cũng như lĩnh vực chính trị, thậm chí còn mất đi chỗ đứng và nhân tài cho các công ty đối thủ.

Một nguồn tin thân cận tiết lộ với Bloomberg, Deutsche Bank hiện tại đang có kế hoạch công bố với hàng trăm nhân viên giao dịch chứng khoán rằng họ sẽ không bao giờ được làm việc ở nơi này nữa. CEO Christian Sewing có thể đưa ra một kế hoạch cải tổ lớn vào tuần này, cắt giảm tới 20.000 nhân sự ở các trụ sở của Deutsche Bank trên toàn thế giới.

Theo các cuộc phỏng vấn với hàng chục nhân viên hiện tại và từng làm việc ở đây, sau những tin tức và tin đồn rò rỉ về việc ngân hàng lớn nhất nước Đức cắt giảm nhân sự, cùng với việc ít khi được liên lạc trực tiếp với ông Sewing, một số nhân viên ở Mỹ ngày càng khiến đội ngũ nhân sự ở London và Frankfurt tức giận. Kerrie McHugh, người phát ngôn của ngân hàng Deutsche Bank, từ chối bình luận về việc này.

Hơn 1 năm qua, các giám đốc điều hành ở trụ sở New York đã phải làm việc với không khí u tối bao trùm, với mối lo ngại rằng không biết khi nào nơi này sẽ bị bán lại, sụp đổ hay trở thành công ty spin-off (công ty con phái sinh với nguồn vốn độc lập với công ty mẹ).

Thảm cảnh của ngân hàng Deutsche Bank: Văn phòng trống trơn, ngổn ngang giấy tờ, nhân viên ra ngoài uống bia dù đang là giữa buổi sáng, sếp thờ ơ không quan tâm - Ảnh 2.

Ông Christian Sewing.

Những mâu thuẫn nội bộ điển hình về việc bên nào sẽ phải chịu một số chi phí nhất định trở nên quan trọng hơn khi mọi chi nhánh của ngân hàng này đều được theo dõi sát sao. Peter Selman, người đã nghỉ hưu nhưng đã quay lại vào năm 2017 để khôi phục mảng đầu tư chứng khoán, đã không thể thuyết phục thủ quỹ Dixit Joshi hồi năm ngoái để chuyển 300 triệu euro chi phí được phân bổ cho chi nhánh không có lợi nhuận của mình sang mảng đầu tư trái phiếu.

Về phần mình, ông Sewing tuyên bố rằng ông đã gắn bó với ngân hàng kể từ khi được bổ nhiệm làm CEO hồi năm ngoái. Thế nhưng, vị giám đốc mới này đã phải rất khó khăn để vực dậy niềm tin của các nhà đầu tư và cơ quan quản lý, trong bối cảnh lợi nhuận của họ sụt giảm. Sau nỗ lực sáp nhập với Commerzbank (được thúc đẩy bởi Bộ trưởng Tài chính Đức) không thành, các cổ đông hiện đang ủng hộ cho một kế hoạch cải tổ. Nhưng nhiều cấp quản lý lại không muốn việc này xảy ra.

Selman hiện đang nằm trong số hàng chục nhân viên khác cũng đang rời khỏi công ty. Zia Huque, giám đốc điều hành bộ phận chứng khoán của Deutsche Bank tại Mỹ, đã không đến văn phòng trong nhiều tuần. Tom Patrick, người đứng đầu bộ phận châu Mỹ và gia nhập ngân hàng từ 10 năm trước, có thể cũng đang thu dọn đồ đạc ở văn phòng và Deutsche Bank đang xem xét việc tìm người thay thế ông. Chỉ còn lại Ashley Wilson, người đứng đầu bộ phận giao dịch chứng khoán ở châu Mỹ, phụ trách tái cấu trúc đơn vị.

Những nhân viên giao dịch lâu lăm như Brad Kurtzman, Craig Bench và Powell Fraser đã rời ngân hàng, theo sau đó là hàng chục giám đốc điều hành cấp trung. Rất nhiều trong số họ không thể tìm được việc ở những nơi khác. Một số nhà quản lý của Mỹ cho biết trong nhiều năm họ đã khuyến nghị ngân hàng này nên cắt giảm số lượng nhỏ nhân viên mảng kinh doanh thương mại để cải thiện lợi nhuận. Khi rời đi, họ phàn nàn rằng nếu những giám đốc điều hành cấp cao nghe theo lời khuyên của họ thì bây giờ đã không phải chịu gánh nặng.

Tuần trước, trụ sở ở Mỹ đã đón nhận một tin vui rằng họ đã vượt qua bài kiểm tra áp lực của Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Ông Sewing đã gửi một lưu ý tới nhân viên, gọi đó là "một bước tiến tuyệt vời". Thế nhưng, sự hứng khởi cũng không thể kéo dài, chỉ có được trong vài giờ, sau đó nhanh chóng bị "che lấp" bởi thông báo cắt giảm lượng lớn nhân sự ở Mỹ.

Ngân hàng lớn nhất nước Đức tuyên bố trong 2 năm nữa họ sẽ rời khỏi toà nhà số 60 Phố Wall sau gần 20 năm. Khi những nhân viên của Deutsche Bank rời "cái rốn của phố Wall", thì một câu hỏi lớn được đặt ra là lúc đó còn lại bao nhiêu người để ra đi?

Hương Giang

Bloomberg

Trở lên trên