Thảm cảnh kỳ lân bất động sản Trung Quốc sụp đổ: Hàng nghìn người trở thành vô gia cư, mất cả tiền lẫn nhà
Khi thị trường cho thuê nhà dần hạ nhiệt trong đại dịch Covid-19, Danke Apartment ngày càng nhận được nhiều cáo buộc về việc không trả tiền cho chủ nhà dù đã nhận từ người đi thuê trong nhiều tháng. Do đó, chủ nhà buộc phải đuổi người đi thuê.
- 13-01-2021Ông trùm bất động sản Hồng Kông: Một trong những tỷ phú giàu nhất châu Á bỗng trở thành 'chúa chổm', chật vật để trả khoản nợ 1 tỷ USD
- 28-12-2020Mặt tối của thành phố tăng trưởng nhanh nhất Trung Quốc: Bong bóng bất động sản và tình trạng đầu cơ bùng nổ
- 02-12-2020Đầu tư bất động sản chưa bao giờ lỗi thời: Gia đình Hồng Kông kiếm được hơn 3 tỷ USD sau một thương vụ bất ngờ
Chủ nhà không biết đòi tiền ai, người đi thuê thành kẻ vô gia cư
Vào một buổi tối mùa đông gần đây, Xiaoyue – sống tại Bắc Kinh, và vợ trở về nhà sau bữa tối. Họ nhìn thấy chủ nhà đang thay ổ khóa. Chủ nhà muốn Xiaoyue rời căn hộ ngay lập tức, bởi họ đã không thanh toán tiền thuê nhà trong nhiều tháng.
Xiaoyue bị sốc, anh chia sẻ: "Tôi hoàn toàn không ngờ rằng việc này sẽ xảy ra". Người đàn ông 28 tuổi cho biết anh đã trả khoản tiền thuê nhà rất lớn, thậm chí còn nộp trước 6 tháng.
Vậy số tiền này đã đi đâu? Xiaoyue nhanh chóng phát hiện ra rằng anh và chủ nhà là một trong số nhiều nạn nhân của một startup bất động sản có tên Danke Apartment. Công ty này được cho là đã khiến nhiều người trẻ ở Trung Quốc – có thể lên đến hàng nghìn người, rơi vào tình trạng vô gia cư, trong khi các chủ nhà nợ một khoản tiền lớn.
Danke Apartment từng được coi là một trong những startup triển vọng nhất Trung Quốc. Khi lần đầu ra mắt vào năm 2015, công ty này đã thu hút được những sinh viên mới tốt nghiệp, chuyên gia trẻ chuyển đến những thành phố lớn. Họ cung cấp cho khách hàng dịch vụ thuê nhà với giá phải chăng ở những nơi có mức giá cao "ngất ngưởng" như Thượng Hải, Bắc Kinh và Quảng Châu.
Hình ảnh quảng cáo nhà cho thuê đầy bắt mắt của Danke.
Mô hình kinh doanh của Danke được gọi là "vỏ trứng" theo tiếng Trung Quốc. Họ thuê căn hộ từ chủ nhà trong thời gian dài, cải tạo nhà sau đó cho người khách thuê lại với mức giá tương đối phải chăng. Công ty này còn được mệnh danh là WeWork phiên bản nhà ở. Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, Danke dường như đã vướng vào nhiều rắc rối dù bác bỏ thông tin rằng họ phá sản.
Khi thị trường cho thuê nhà dần hạ nhiệt trong đại dịch Covid-19, nhà môi giới có trụ sở tại Bắc Kinh này ngày càng nhận được nhiều cáo buộc về việc không trả tiền cho chủ nhà dù đã nhận từ người đi thuê trong nhiều tháng. Do đó, chủ nhà buộc phải đuổi người đi thuê.
Dẫu vậy, những người đi thuê lại không đồng ý rời đi. Họ cho rằng mình có quyền ở lại vì đã trả đủ tiền. Nhiều người đã thanh toán tiền nhà trước cả năm bởi Danke hứa hẹn rằng họ sẽ nhận được chiết khấu.
Xiaoyue cho biết: "Chủ nhà muốn hủy hợp đồng với Danke, đuổi chúng tôi đi và cho người khác thuê. Nhưng hợp đồng của tôi với Danke vẫn có hiệu lực." Anh chia sẻ mình là người may mắn vì ít nhất vẫn được ở trong căn hộ này.
Cả Xiaoyue và chủ nhà đã chấm dứt thỏa thuận với Danke và ký hợp đồng mới thông qua một công ty bất động sản khác, dù họ có thể mất ít nhất 3.000 tệ/tháng tiền thuê nhà. Xiaoyue nói: "Tôi chỉ là một người lao động trẻ. Tôi không có khả năng để đâm đơn kiện, tìm cách lấy lại tiền."
Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn như Xiaoyue. Kể từ tháng 11, đã có rất nhiều người đăng tải trên Weibo về việc người thuê nhà của Danke bị chủ nhà yêu cầu rời đi. Một tài khoản kẻ lại về việc chủ nhà xông vào phòng và ném đồ của cô đi. Trong khi đó, một số khác chia sẻ họ bị cắt điện và nước đột ngột. Thậm chí, nhiều người còn bị đe dọa kiểu xã hội đen.
Những bài đăng thịnh hành thời gian gần đây trên Weibo còn kể về những người đi thuê nhà phải ngủ trong cửa hàng đồ ăn nhanh để tránh thời tiết giá rét. Hồi tháng trước, Zhong Chunyuan (20 tuổi ở Quảng Châu đã đốt căn hộ của mình, sau đó tự tử. Gia đình Zhong cho biết anh bị chủ nhà đuổi đi vì "người môi giới đã cầm tiền chạy mất", họ đang cân nhắc đệ đơn kiện Danke.
Nhóm người trẻ thiếu hiểu biết
Các nhà phân tích cho rằng cuộc khủng hoảng của Danke đã bộc lộ sự mong manh của hàng trăm nghìn thanh niên Trung Quốc chuyển đến thành phố lớn tìm việc. Phó giáo sư kinh tế Đại học Clemson – Kevin Tsui, cho biết: "Dịch chuyển lao động trong giới trẻ Trung Quốc là điều phổ biến, nhưng họ không có khả năng chi trả cho bất động sản tại đó. Do đó, nhu cầu đối với các căn hộ giá rẻ khá cao."
Để thu hút khách hàng, Danke hứa hẹn sẽ có mức chiết khấu nếu người thuê trả trước tiền nhà 1 năm bằng cách vay tiền từ 1 ngân hàng đối tác. Ví dụ, hơn 160.000 người đi thuê đã vay tiền từ nhà cho vay trực tuyến WeBank – được Tencent hậu thuẫn.
Các chuyên gia nhận định, công ty này đã mở rộng mô hình vay nợ quá mạnh và quá nhanh. Chỉ trong 5 năm, Danke đã có mặt tại 13 thành phố và số lượng căn hộ họ quản lý đã tăng từ 2.400 lên hơn 415.000 vào tháng 3 năm ngoái. Tháng 1/2020, công ty đã niêm yết tại NYSE và huy động được 149 triệu USD.
Thế nhưng, mọi thứ bắt đầu sụp đổ khi dịch Covid-19 xảy ra khiến nhiều thành phố phải phong tỏa. Danke chứng kiến tình trạng người đi thuê nhà sụt giảm, do đó không thể duy trì dòng vốn.
Edith Yeung – đối tác cấp cao của công ty đầu tư mạo hiểm Race Capital, cho biết: "Danke chắc chắn đã thất bại về phương diện tài chính. Nhưng tác động của công ty này còn ghê gớm hơn khi nhìn từ phương diện xã hội. Những thanh niên đi thuê nhà không hiểu mô hình kinh doanh của họ, nên Danke đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết đó."
Tháng trước, WeBank cam kết sẽ miễn lãi và gia hạn các khoản vay cho khách hàng đến cuối năm 2023. Giới chức Trung Quốc hiện cũng đang điều tra Danke về vấn đề dòng tiền và đưa công ty mẹ vào danh sách đen "tín dụng xã hội" của chính phủ.
Dẫu vậy, những khách hàng của Danke vẫn không khỏi bất an. Trong những tuần gần đây, họ gặp khó khăn khi truy cập vào ứng dụng của Danke – vốn chứa nhiều thông tin cá nhân. Ngoài ra, đường dây nóng cũng không có ai bắt máy. Kể từ dịp Giáng sinh, toàn bộ danh sách bất động sản của Danke đã bị xóa khỏi nền tảng trực tuyến, khiến nhiều người lo sợ không biết họ còn hoạt động như một công ty hay không.
Tham khảo BBC