MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thảm cảnh tài xế công nghệ thời Covid-19 ở Đông Nam Á: 50 người "xếp lốt" cho một đơn hàng

11-06-2020 - 19:30 PM | Tài chính quốc tế

Hàng triệu người có nguy cơ thất nghiệp khi dịch vụ tài xế công nghệ, vốn giúp nhiều người có công ăn việc làm, đang gặp khó trong bối cảnh hậu Covid-19.

Aji, một tài xế công nghệ, vừa hút thuốc vừa kiểm tra điện thoại thông minh. Đậu chiếc xe máy bên vệ đường ở thủ đô Jakarta của Indonesia vào một buổi sáng tháng 6 nóng bức, Aji mong chờ một khách đặt nhưng trắng tay. Ngày hôm đó, ông không có khách nào sử dụng dịch vụ.

Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, người bố của 4 đứa trẻ này có khoảng 20 khách mỗi ngày. Theo đó, thu nhập hàng ngày của người đàn ông 35 tuổi này dao động từ 13 đến 20 USD. Aji là tài xế công nghệ của Gojek, một công ty khởi nghiệp tiếng tăm ở Đông Nam Á và thế giới, ra đời tại chính Indonesia.

Khi các dịch vụ vận tải bị tạm ngừng do việc phong tỏa thành phố, Aji coi một ngày là ngày tốt nếu nhận được nhiều hơn 2 đơn giao thực phẩm. Mỗi lần, người đàn ông này sẽ có thù lao 0,7 USD. Tuy nhiên, nhiều ngày, Aji trắng tay. Ngay cả khi việc hạn chế cách ly xã hội được nới lỏng trong tuần này, Aji vẫn phải vật lộn để nuôi gia đình.

"Thực tế là có rất nhiều tài xế nhưng số đơn hàng lại rất ít", Aji chia sẻ với yêu cầu từ chối nêu danh tính.

Mười một tài xế Gojek và Grab - công ty được đầu tư bởi SoftBank, ở Indonesia, Việt Nam và Thái Lan cùng chia sẻ tình cảnh này với Reuters. Hầu hết những tài xế này đều cho biết thu nhập của họ giảm hơn một nửa sau khi đại dịch Covid-19 bùng lên ở Đông Nam Á.

Ngay cả khi số đơn thực phẩm tăng mạnh trong mùa dịch, doanh thu của các tài xế vẫn chưa được đảm bảo. Điều này vẽ ra một viễn cảnh không mấy sáng sủa khi giao thực phẩm được xem là lĩnh vực tăng trưởng chính của cả Gojek và Grab trong tương lai.

Ngay cả ở Việt Nam, quốc gia được xem là điển hình của chống dịch và phục hồi kinh tế, các tài xế vẫn đang phải vật lộn với nguồn thu. "Đại dịch khiến tôi và nhiều đồng nghiệp đứng trước nguy cơ mất đi phương tiện mà chúng tôi mua bằng tiền vay và thế chấp chính nó", một tài xế Grab Car ở Hà Nội chia sẻ.

Các công đoàn đại diện cho các tài xế của Gojek và Grab cũng đang xác nhận tình cảnh của các tài xế, đặc biệt là ở Indonesia. Ở Đông Nam Á, Grab và Gojek là những doanh nghiệp có thị phần lớn nhất trong lĩnh vực xe công nghệ.

Hoàn cảnh éo le của những tài xế đe dọa lời cam kết mà cả Grab và Gojek đang theo đuổi: Cải thiện đời sống của hàng chục triệu người ở khắp Đông Nam Á. Các chính phủ ở Đông Nam Á cảnh báo hàng triệu người trong lĩnh vực xe công nghệ có thể thất nghiệp vì hậu quả của Covid-19.

Trả lời Reuters, cả 2 doanh nghiệp này đều cho biết họ đang hỗ trợ tài xế thông qua thực phẩm đến các khoản vay lãi suất thấp cũng như giảm phí. Tuy nhiên, khủng hoảng cũng khiến các doanh nghiệp này phải cắt giảm trợ cấp để thúc đẩy tăng trưởng của chính mình.

Trong dịch, xuất hiện những nghi ngờ về loại hình xe công nghệ toàn cầu cũng như việc các nhà đầu tư sẽ sẵn sàng bơm tiền vào các doanh nghiệp khởi nghiệp như Grab và Gojek. Đó là chưa kể đến việc nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này thua lỗ với Uber và Lyft là những ví dụ điển hình.

Về phần mình, đồng sáng lập Grab Tan Hooi Ling cảnh báo một mùa đông dài mà công ty khởi nghiệp trị giá 14 tỷ USD này phải đối mặt. Hiện tại, cả Grab và Gojek đều cần nhiều tiền mặt. Một nguồn thạo tin cho biết Grab có dự trữ khoảng 3 tỷ USD. Trong khi đó, nguồn thạo tin khác của Gojek cho biết họ đang hoàn tất vòng gọi vốn mới với 3 tỷ USD, đưa định giá công ty lên 10 tỷ USD.

Hiện tại, Facebook và Paypal đều đã đầu tư vào mảng fintech của Gojek. Google và Tencent cũng có thể sẽ trở thành những nhà đầu tư mới cho công ty khởi nghiệp của Indonesia.

Cả Grab và Gojek đều đáng tránh được việc sa thải hàng loạt mặc dù Grab cho nhân viên nghỉ phép không lương tự nguyện trong khi Gojek đánh giá lại toàn bộ dịch vụ của mình. Ở Mỹ, Uber cho biết họ đang đứng trước viễn cảnh cắt giảm 23% số lao động. Mảng kinh doanh của Uber ở Đông Nam Á đã bị Grab mua lại.

Trong tình cảnh khó khăn, CEO Gojek Patrick Patuwo vẫn lạc quan: "Vận tải hành khách lâm vào ngõ cụt nhưng lĩnh vực giao thực phẩm đang ổn định. Trong dịch, nhu cầu này là rất cao và thanh toán trực tuyến giúp thúc đẩy nó phát triển. Nếu chỉ là công ty vận tải, chắc hẳn chúng tôi đã bị hạ gục".

Lãnh đạo của Grab và Gojek cũng như các nhà đầu tư đều nhìn sự phục hồi của Didi Chuxing, một doanh nghiệp cùng loại ở Trung Quốc, là điểm hình cho sự lạc quan. Russell Cohen, người phụ trách hoạt động của Grab, nói rằng sự phục hồi chủ yếu phụ thuộc vào thời điểm các chính phủ gỡ bỏ giãn cách xã hội.

Cuộc khủng hoảng hiện tại đang làm hồi sinh suy đoán của các nhà đầu tư về khả năng Grab và Gojek sáp nhập. Các nguồn thạo tin cho biết, điều này đã được thảo luận vào đầu năm 2020 nhưng không dẫn đến các cuộc đàm phán nghiêm túc. Đại diện Gojek cho biết thông tin về việc sáp nhập là không chính xác trong khi người phát ngôn của Grab từ chối bình luận về vấn đề này.

Trở lại với đời sống của các tài xế, giao thực phẩm, dù được các hãng đánh giá cao, nhưng không đủ giúp cuộc sống của người lao động được đảm bảo. Aji mô tả việc giao thức ăn ở Indonesia là cuộc chiến. Đôi lúc, có tới 50 tài xế cho một đơn hàng. Các tài xế Grab ở Việt Nam cũng chia sẻ những trải nghiệm tương tự.

Tham khảo: CNBC

Linh Anh

Tổ Quốc

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên