MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thảm kịch vỡ đập ở Lào - Tiếng chuông báo động về những hệ lụy khi ồ ạt phát triển thủy điện trên dòng Mekong

26-07-2018 - 15:26 PM | Tài chính quốc tế

"Vụ vỡ đập cho thấy cần phải nghiêm túc xem xét lại chính sách phát triển thủy điện để xuất khẩu điện, cũng như việc ồ ạt xây dựng các con đập", Maureen Harris – giám đốc chương trình Đông Nam Á của nhóm hoạt động vì môi trường International Rivers – nói.

Bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng, chảy qua lãnh thổ Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia và cuối cùng là qua vùng đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam để chảy ra biển, dòng sông Mekong được xếp hạng là một trong những con sông lớn nhất thế giới. Riêng đối với Lào, sông Mekong còn có ý nghĩa lớn hơn rất nhiều: đây chính là nguồn năng lượng đứng sau tham vọng thủy điện và được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Lào trong nhiều thập kỷ tới.

Ước mơ trở thành "viên pin của châu Á" của quốc gia duy nhất ở khu vực Đông Nam Á không giáp biển được chắp cánh bởi một loạt dự án thủy điện. Tuy nhiên ước mơ ấy vừa bị "dội 1 gáo nước lạnh", sau sự cố vỡ đập liên quan đến 1 dự án thủy điện được hậu thuẫn bởi Chính phủ Lào kết hợp với các công ty đến từ Thái Lan và Hàn Quốc.

Từ nhiều năm nay, ở Đông Nam Á đã diễn ra cuộc đua chế ngự dòng Mekong và khai thác sức nước của nó để tạo ra điện năng. Cuộc đua này cũng phản ánh nhu cầu rất lớn của Đông Nam Á về năng lượng, mà theo 1 ước tính được Tổ chức năng lượng quốc tế IEA công bố năm ngoái sẽ tăng trưởng khoảng 66% vào năm 2040. Các nhà đầu tư Trung Quốc đang triển khai một loạt dự án khổng lồ ở khu vực này, đặc biệt là ở 3 nước Lào, Campuchia và Myanmar.

Với sự cố vỡ đập vừa qua, cùng với 1 tai nạn khác hồi mùa thu năm ngoái, hiện đang có nhiều câu hỏi nổi lên về việc liệu Chính phủ Lào – dưới sự dẫn dắt của Thủ tướng Thongloun Sisoulith và Chủ tịch nước Bounnhang Vorachith – có thể quản lý một cách an toàn làn sóng đầu tư ồ ạt của các tập đoàn năng lượng và xây dựng quốc tế vào lĩnh vực thủy điện ở Lào hay không.

Ở thời điểm hiện tại thì Lào có khá ít lựa chọn thay thế. Phát triển thủy điện gắn liền với vận mệnh của kinh tế Lào: thủy điện cung cấp gần như toàn bộ lượng điện mà Lào tiêu thụ, và số dư thừa được xuất khẩu sang các nước láng giềng đã đóng vai trò quan trọng trong tổng nguồn thu xuất khẩu. Do đó giới phân tích cho rằng về cơ bản thì đường lối phát triển thủy điện của Lào sẽ không thay đổi vì sự cố vỡ đập vừa qua.

Đối với Trung Quốc, cấp vốn cho hàng loạt dự án thủy điện ở khu vực Mekong không chỉ giúp nước này củng cố an ninh năng lượng mà còn tăng cường sức ảnh hưởng địa chính trị ở khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên nhiều nhóm hoạt động môi trường đã lên tiếng cảnh những dự án nói trên không được chuẩn bị kỹ lưỡng để đối phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là trong mấy năm gần đây lượng mưa đã gia tăng đột biến. Ngoài ra còn có những lo ngại về các mối đe dọa mà hệ thống thủy điện và mạng lưới đập gây ra đối với hoạt động đánh bắt cá và trồng lúa vốn là kế sinh nhai của nhiều nông dân ở Lào và Campuchia.

Đập thủy điện vừa bị vỡ ở Lào là một phần của dự án thủy điện liên doanh giữa SK Engineering & Construction (Hàn Quốc), Ratchaburi Electricity Generating Holding Plc (Thái Lan), Korea Western Power (Hàn Quốc) và Chính phủ Lào. Nguyên nhân được xác định là do mưa lớn trong nhiều ngày. Theo thông báo từ SK Engineering, trong gần 24 giờ trước đó, các kỹ sư đã cố gắng ngăn chặn thảm họa nhưng không thành công. Tỉnh Attapeu bị ngập nặng, khiến hơn 6.000 người mất nhà cửa, ít nhất 20 người chết và cho đến nay vẫn còn hàng nghìn người mất tích.

"Vụ vỡ đập cho thấy cần phải nghiêm túc xem xét lại chính sách phát triển thủy điện để xuất khẩu điện, cũng như việc ồ ạt xây dựng các con đập", Maureen Harris – giám đốc chương trình Đông Nam Á của nhóm hoạt động vì môi trường International Rivers – nói. Theo bà, có rất nhiều mối lo ngại về khả năng triển khai những dự án cơ sở hạ tầng quá tầm cỡ của Chính phủ Lào. Các công ty tư nhân được thả cửa hoạt động mà không bị giám sát chặt chẽ, dẫn đến các tiêu chuẩn an toàn chất lượng bị bỏ qua.

Vụ vỡ đập chính là 1 cơ hội để Lào xiết chặt các tiêu chuẩn xây dựng, quá trình cấp giấy phép cho các dự án thủy điện cũng như nhìn lại tham vọng phát triển ồ ạt các dự án thủy điện bằng mọi giá. Có khoảng 120 đập được dự kiến xây dựng dọc sông Mekong và các nhánh của nó, hầu hết tập trung ở Lào.

Thu Hương

Bloomberg

Trở lên trên