Tham vọng nghìn tỷ VSD Holdings của 'thiếu gia' Thuận Thành EJS
Ở độ tuổi 31, trưởng nam nhà đại gia Vũ Văn Đắc sở hữu trong tay một hệ sinh thái kinh doanh đồ sộ, từ lĩnh vực nhựa, nước sạch, xử lý rác thải và trọng tâm nhất là thuỷ điện.
"Đế chế" xử lý rác Thuận Thành EJS với khả năng sinh lợi đầy ấn tượng của đại gia Vũ Văn Đắc đã được Nhadautu.vn đề cập trong bài viết gần đây. Ít người biết rằng, con trai cả của ông - ông Vũ Ngọc Tú (SN 1989) cũng là một doanh nhân trẻ đang gây được sự chú ý đáng kể.
Sau 4 năm tu luyện và lấy bằng cử nhân tài chính kế toán ở Đại học Newcastle (Australia), ông Tú về nước năm 2012, có 1 năm công tác ở Chứng khoán MaritimeBank, trước khi làm Trợ lý Hội đồng thành viên tại Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ và Môi trường Ngôi Sao Xanh - doanh nghiệp xử lý rác thuộc sở hữu của thân phụ ông. Từ giữa năm 2014 đến tháng 5/2016, ông là Giám đốc Tài chính Thuận Thành EJS, như đã biết , là pháp nhân lõi trong hệ sinh thái kinh doanh của đại gia Vũ Văn Đắc với doanh thu trên nghìn tỷ mỗi năm.
Với kiến thức và kỹ năng tích luỹ được trong 4 năm về nước, tháng 6/2016, ông thành lập CTCP Đầu tư VSD (VSD Holdings), đặt trụ sở tại thửa đất số 52, khu Thượng (thuê từ công ty Ngôi Sao Xanh của ông Vũ Văn Đắc), phường Khắc Niệm, thành phố Bắc Ninh.
Công ty riêng của ông Vũ Ngọc Tú hoạt động theo mô hình holding, có vốn điều lệ 500 tỷ đồng, trong đó mình ông Tú góp tới 499,5 tỷ đồng, chiếm 99,9%.
Mối cơ duyên với Chủ tịch Nhựa Đồng Nai Vũ Đình Độ
Trong suốt quá trình hình thành và phát triển của VSD Holdings, khó có thể bỏ qua CTCP Nhựa Đồng Nai (HNX: DNP), công ty của một doanh nhân họ Vũ khác - Chủ tịch HĐQT Vũ Đình Độ.
Không chỉ cùng quê Tân Yên (Bắc Giang), ông Vũ Ngọc Tú từng làm việc dưới quyền ông Vũ Đình Độ khi Chủ tịch Nhựa Đồng Nai còn làm Phó Tổng giám đốc Chứng khoán Maritime Bank giai đoạn 2011-2012.
Thương vụ đầu tiên chắc hẳn là vào tháng 9/2016, khi VSD Holdings mua 1,57 triệu cổ phần CTCP Cấp thoát nước Long An (UpCom: LAW). Bên bán chính là ông Vũ Ngọc Tú. Tháng 6/2017, VSD Holdings lại sang tay toàn bộ cổ phần LAW cho CTCP Đầu tư Ngành nước DNP (DNP Water) - công ty con của Nhựa Đồng Nai.
Đây thực chất là một "công đoạn" trong quá trình mua gom cổ phiếu LAW hậu cổ phần hoá của một nhóm nhà đầu tư. Hiện nay, DNP Water đang nắm 37,15% vốn LAW, chỉ xếp sau UBND tỉnh Long An (60%).
Cùng với đó, ở thương vụ mua "hụt" số cổ phần mà UBND tỉnh Ninh Bình muốn thoái tại CTCP Cấp thoát nước Ninh Bình (UpCom: NNB) vào đầu năm 2019, ông Vũ Ngọc Tú và DNP Water là 2 trong số 7 nhà đầu tư vượt qua vòng thẩm định năng lực tham gia đấu giá.
Mối lương duyên này còn được thể hiện rõ khi nhìn vào cơ cấu cổ đông Nhựa Đồng Nai. Theo đó, tính đến tháng 4/2020, nhóm liên quan tới ông Vũ Ngọc Tú gồm VSD Holdings, CTCP Đầu tư Châu Á Thống Nhất và trực tiếp ông Tú sở hữu gần 21% cổ phần DNP.
Ngoài các khoản đầu tư kể trên, bản thân ông Tú cũng trực tiếp nắm 51% vốn CTCP Giải pháp V – Water, doanh nghiệp thành lập vào ngày 8/7/2019, hoạt động chính trong lĩnh vực khai thác, xử lý và cung cấp nước (phần 49% còn lại nắm bởi các cổ đông Hàn Quốc).
Dù vậy, lĩnh vực mà VSD Holdings, hay doanh nhân trẻ Vũ Ngọc Tú dành sự quan tâm hơn cả, lại là thủy điện.
"Cuộc chơi" thủy điện vừa và nhỏ của doanh nhân tuổi Tỵ
Để dễ hình dung, có lẽ nên tiếp cận từ CTCP Xây dựng và Năng lượng VCP (VCP Holdings), tiền thân là Vinaconex P&C.
VSD Holdings hiện tại dù không trực tiếp sở hữu cổ phần, nhưng 2/3 cổ đông lớn nhất của VCP Holdings có liên hệ mật thiết tới VSD Holdings, đó là Quỹ Đầu tư Cơ hội PVI (40,88%) và CTCP Đầu tư Châu Á Thống Nhất (14,04%). Mặt khác, ông Vũ Ngọc Tú cũng mới nhậm chức Chủ tịch HĐQT VCP Holdings vào tháng 2/2020.
Việc đổi tên công ty từ thành VCP Holdings phần nào cho thấy giới chủ VSD Holdings muốn biến doanh nghiệp này trở thành một công ty hoạt động theo mô hình holding, thiên về đầu tư tài chính, quản lý vốn trong các đơn vị thành viên.
Ngược về ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 của VCP Holdings ngày 15/5/2020, các cổ đông đã thông qua nội dung M&A 4 doanh nghiệp là Công ty TNHH thủy điện Đaklo 4, Công ty TNHH thủy điện Đakrobaye, CTCP Thủy điện Nậm La và Công ty TNHH MTV nhà máy Thủy điện Thác Ba. Cổ đông cũng đã thông qua nội dung phát hành 900 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp kỳ hạn 48 tháng.
Chỉ 5 ngày sau, tức vào ngày 20/5/2020, VCP Holdings đã hoàn tất cả 4 thương vụ chuyển nhượng với tỷ lệ sở hữu chi phối từ 82,71% - 100%.
Đáng chú ý là cả 4 doanh nghiệp kể trên đều thuộc sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp bởi VSD Holdings của doanh nhân Vũ Ngọc Tú - Chủ tịch vừa được bầu của VCP Holdings. Ở một góc độ khác, điều này cũng không khỏi đặt ra băn khoăn về tính minh bạch, nhất là khi các giao dịch trên đáng ra phải được trình ĐHĐCĐ với nội dung "giao dịch với bên liên quan", chứ không đơn thuần chỉ là M&A thông thường.
Trở lại với VCP Holdings, việc M&A 4 doanh nghiệp nêu trên đồng nghĩa công ty sở hữu thêm các dự án thuỷ điện, trong đó có dự án thủy điện Đak Robaye (tỉnh Kon Tum) – công suất 10 MW và Nhà máy thủy điện Nậm La (Sơn La) – công suất 27 MW.
Trước đó, VCP Holdings được biết tới là chủ sở hữu 100% vốn Nhà máy thủy điện Cửa Đạt (công suất 97 MW - huyện Thường Xuân, Thanh Hoá); nắm 51% cổ phần 2 nhà máy thủy điện cỡ nhỏ cũng ở Thanh Hoá là Bái Thượng (6 MW) và Xuân Minh (15 MW).
Tính đến hết quý II/2020, báo cáo tài chính thể hiện VCP Holdings đang thực hiện xây dựng các dự án: Thủy điện Đăk Robaye (chi phí xây dựng dở dang 7,8 tỷ đồng), Thủy điện Thác Ba (5,6 tỷ); Thủy điện Xuân Khao (4,8 tỷ); Thủy điện Đăk Lô 4 (1,67 tỷ)...VCP Holdings cũng manh nha tham gia vào lĩnh vực điện gió với dự án Điện gió Hướng Sơn 1, có số dư chi phí xây dựng cơ bản dở dang 1,38 tỷ đồng.
Một khoản đầu tư khác của VSD Holdings trong lĩnh vực thuỷ điện là CTCP Thiết bị phụ tùng Sài Gòn (HOSE: SMA). Tính đến tháng 6/2020, VSD Holdings sở hữu 24,43% vốn Saigon Machinco.
Saigon Machinco hiện đang sở hữu Nhà máy thủy điện Đăkglun (Bình Phước) với công suất 18 MW. Hiện doanh nghiệp đang đặt kế hoạch tìm đối tác để đầu tư thêm dự án điện năng lượng mặt trời tại Đăkglun với công suất 49 MW. Đáng chú ý, công ty cũng nắm 3 khu đất công trình năng lượng tại tỉnh Bình Phước với tổng diện tích là hơn 1 triệu m2, thời hạn thuê đến năm 2059, bao gồm: 570.675 m2 đất tại xã Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước; 325.064 m2 đất xã Đăk Nhau, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước và 180.686 m2 đất tại xã Bom Bo, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước.
Ngoài các dự án kể trên, VSD Holdings cũng sở hữu CTCP Đầu tư và Xây lắp Sông Đà (SDD), đồng nghĩa nắm trong tay 3 dự án thủy điện nhỏ tại Mộc Châu là: Nhà máy thuỷ điện Tắt Ngoẵng (7 MW), Mường Sang 2 (4,6 MW) và Mường Sang 3 (6 MW).
Theo dữ liệu của Nhadautu.vn , VSD Holdings (công ty mẹ) giai đoạn 2016 – 2019 không ghi nhận doanh thu thuần. Trong khi đó, sau hai năm chịu lỗ, với lỗ thuần 43 tỷ đồng năm 2016, lỗ 9,7 tỷ đồng năm 2017, VSD Holdings bắt đầu báo lãi từ năm 2018, với lãi thuần năm 2018 là 27,8 tỷ đồng, năm 2019 là 3,6 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/12/2019, tổng tài sản công ty đạt 1.002 tỷ đồng, tăng hơn 14,6% so với số đầu năm. Đây cũng là mức cao nhất trong 4 năm trở lại đây. Tính trong giai đoạn 2016 – 2019, tài sản của VSD Holdings hàng năm tăng trưởng bình quân 77,6%.
Trong đó, cấu thành phần lớn tài sản là vốn chủ sở hữu 778,5 tỷ (tỷ trọng 77,7%); phần 22,3% còn lại là nợ phải trả.
Nhà đầu tư