MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tham vọng thống trị ngành vận tải biển toàn cầu của Trung Quốc đằng sau cái bắt tay 6,3 tỷ USD

11-07-2017 - 08:21 AM | Tài chính quốc tế

Vào thời điểm mà giới chức Trung Quốc đang kêu gọi một cách tiếp cận hợp lý và tỉnh táo hơn đối với việc M&A ra nước ngoài, một ngân hàng Trung Quốc lại hỗ trợ cho COSCO - công ty vận tải nhà nước Trung Quốc mua lại hãng logistic của Hong Kong với giá 6,3 tỷ USD.

Mới đây, công ty vận tải biển COSCO Shipping Holdings Co. đã mua lại công ty dịch vụ vận tải container và hậu cần Orient Overseas International Ltd. với giá 6,3 tỷ USD. Trong đó, COSCO là tập đoàn vận tải biển thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc và Orient Overseas có trụ sở tại Hong Kong. Thương vụ này đã đưa COSCO trở thành hãng tàu lớn nhất Thái Bình Dương, đánh bại cả 2 đối thủ là A.P. Moller-Maersk của Đan Mạch và CMA CGM của Pháp.

Trong phiên giao dịch ngày hôm nay, cổ phiếu của Orient Overseas tăng 20% lên 72 đô HK - mạnh nhất trong 8 năm. Cổ phiếu COSCO cũng tăng 5,4%, sau khi tăng 11% từ hôm thứ 6.

Theo số liệu từ Alphaliner, khối COSCO - Orient Overseas sau khi được sáp nhập có thể nâng công suất chuyên chở lên tới 77.208 container trên tuyến Á - Bắc Mỹ. Trong bối cảnh ngành vận tải biển vốn đang phải vật lộn với cước phí thấp và quá tải, các đơn hàng tới Mỹ trở thành yếu tố quyết định sống còn của các hãng tàu. Đầu năm nay, hai hãng vận tải biển Maersk và Hyundai Merchant Marine Co. cho biết họ đang phải cố gắng thương thảo với khách hàng để có được mức cước phí cao hơn trên các tuyến đường xuyên Thái Bình Dương.


Sự sáp nhập của 2 công ty vận tải lớn của Trung Quốc đã đưa quốc gia này trở thành ông vua vận tải biển Thái Bình Dương.

Sự sáp nhập của 2 công ty vận tải lớn của Trung Quốc đã đưa quốc gia này trở thành ông vua vận tải biển Thái Bình Dương.

Vào thời điểm mà giới chức Trung Quốc đang kêu gọi một cách tiếp cận hợp lý và tỉnh táo hơn đối với việc M&A ra nước ngoài, ông Dang Huangjun - CFO của COSCO lại cho biết phía công ty này sẽ nhận được một khoản vay bắc cầu từ ngân hàng Trung Quốc (BoC).

So với trung bình giá giao dịch của cổ phiếu Orient Overseas trong 20 ngày trước khi thương vụ được tuyên bố, mức giá mà COSCO đưa ra cao hơn 49%. Đây là lần đầu tiên sau 20 năm, một hãng logistic ở Hong Kong lại được mua lại ở mức giá cao như vậy. Năm 1997, hãng tàu Neptune Orient Lines đã mua lại APL với mức giá 833 triệu USD - cao hơn giá giao dịch 57%.

Điều đó cho thấy quyết tâm lớn của Bắc Kinh muốn đưa COSCO trở thành người chơi chính trong ngành cảng và vận tải biển.

Corrine Png - giám đốc công ty chứng khoán Crucial Perspective Singapore nhận định: "Đây là một thương vụ có ý nghĩa rất lớn đối với COSCO. Các công khác cần phải dè chừng mặc dù hiện nay thị phần của COSCO chỉ là một vài điểm nhỏ so với Maersk và MSC, 5 năm nữa họ rất có thể trở thành công ty hàng đầu thế giới".

Không chỉ làm tăng thị phần và kích thước của COSCO (sau sáp nhập COSCO - Orient Overseas sẽ trở thành hãng tàu đứng thứ 3 trên thế giới về giá trị vốn hoá), việc mua lại Orient Overseas sẽ giúp COSCO cải thiện hiệu quả hoạt động lên rất nhiều nhờ có hệ thống IT và quản lý hạm tàu đỉnh cao của phía công ty Hong Kong.

COSCO - Orient Overseas trở thành hãng vận tải biển lớn thứ 3 thế giới về giá trị vốn hoá.
COSCO - Orient Overseas trở thành hãng vận tải biển lớn thứ 3 thế giới về giá trị vốn hoá.

"COSCO sẽ học được rất nhiều thứ từ Orient Overseas bởi đó là một công ty hoạt động cực kỳ tốt", ông Png cho biết.

Thương vụ giữa COSCO và Orient Overseas cũng được tuyên bố chỉ mới hơn 1 tuần sau khi Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình đến thăm Hong Kong trong ngày kỷ niệm 20 năm thành phố này được trao trả về Trung Quốc.

Giới quan sát lo lắng sau "cái bắt tay" đắt giá này, Hong Kong cũng sẽ phải chịu một cái giá đắt không kém khi mà vai trò là trung tâm tài chính và cửa ngõ của đại lục sẽ bị phai nhoà trong bối cảnh các công ty quốc doanh Trung Quốc đang ngày càng bành trướng đến Hong Kong và một số trung tâm đang nổi lên ở đại lục như Thâm Quyến, Quảng Châu và Thượng Hải.

Việc hoàn tất thương vụ sẽ đặt một dấu chấm hết cho lịch sử lừng lẫy của một doanh nghiệp vận tải biển gia đình ở Hong Kong. Được thành lập từ năm 1947 bởi ông C. Y. Tung, Orient Overseas đã trở thành hãng vận tải châu Á đầu tiên vận chuyển hàng hoá qua khu vực Thái Bình Dương và làm thay đổi bộ mặt thương mại toàn cầu ở toàn khu vực châu Á Thái Bình Duong.

Một nguồn tin nội bộ cho biết gia đình ông Tung đã nhận ra rằng họ không còn có thể cạnh tranh với các hãng khác trong tình trạng quá tải và những âm mưu cấu kết làm giá mặc dù giá cước đã bắt đầu hồi phục từ năm ngoái. "Công ty đang ở trong tình trạng không bền vững và thoả thuận này được đưa ra ở mức giá hợp lý", người này nói.

Anh Sa

Bloomberg, FT

Trở lên trên