MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tham vọng vụt biến từ công xưởng giá rẻ sang bá chủ trí thông minh nhân tạo, Trung Quốc đang có nhiều lợi thế hơn cả Mỹ?

01-03-2018 - 19:23 PM | Tài chính quốc tế

Sự hào hứng với AI của Trung Quốc lớn hơn cả ở Mỹ, chí ít là đối với những vùng ngoài thung lũng Silicon.

Trong thế kỷ vừa qua, nền kinh tế Trung Quốc đã tiến được những bước dài với khả năng sản xuất mọi thứ từ những món đồ chơi đến những chiếc lốp xe với giá siêu rẻ, sau đó là xuất khẩu chúng ra nước ngoài. Nhưng thời kỳ đó đã qua, giờ đây nếu muốn trở thành 1 quốc gia thực sự giàu có, Trung Quốc phải vượt khỏi cái bóng công xưởng giá rẻ của thế giới và tự mình trở thành một nền kinh tế đi đầu về sáng tạo.

Liệu 1 quốc gia được lãnh đạo bởi những kế hoạch 5 năm do chính quyền trung ương vạch ra và được coi là không cởi mở tự do bằng những nước phương Tây có thể đạt được bước tiến như vậy? Thực ra trong lịch sử kinh tế thế giới đã có không ít ví dụ về việc các nước như Trung Quốc trở thành người sáng tạo tiên phong. Tuy nhiên, điều đáng chú ý ở đây là Trung Quốc lại muốn làm điều này thông qua bước nhảy vọt trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence - AI), với một cách tiếp cận chưa từng có.

Mùa hè năm ngoái, Chính phủ nước này công bố kế hoạch phát triển trí tuệ nhân tạo đầy tham vọng, với mục tiêu biến Trung Quốc thành "trung tâm phát triển AI hàng đầu thế giới" vào năm 2030. Kế hoạch bao gồm nghiên cứu cơ bản về nhận diện hình ảnh, thu thập dữ liệu và phân loại chúng, tất cả tích hợp vào các phần mềm là 1 phần của những mạng lưới phức tạp. Ví dụ, một thành phố với hàng triệu chiếc xe tự lái sẽ cần đến công tác phân tích dữ liệu và khả năng nhận diện rằng 1 quả bóng lăn qua phố có thể kéo theo 1 đứa trẻ đuổi theo nó.

Ở Trung Quốc, những kế hoạch như vậy không chỉ đơn giản là 1 kế hoạch mà đó là dấu hiệu cho thấy phát triển AI đã trở thành ưu tiên hàng đầu của Chính phủ, bao trùm mọi cấp từ các địa phương cho đến các doanh nghiệp nhà nước và các doanh nhân. Trước đó, các chính quyền địa phương - với mong mỏi trở thành những trung tâm phần mềm - đã cam kết sẽ tài trợ khoảng 7 tỷ USD cho phát triển AI.

Cộng với thái độ thực sự hào hứng của các doanh nghiệp tư nhân và các nhà khoa học Trung Quốc, bạn có 1 lực lượng thực sự hùng mạnh, theo các nhà nghiên cứu Mỹ nhận định. Một trong số đó, chuyên gia nghiên cứu Erik Brynjolfsson của Viện công nghệ Massachusetts cho rằng sự hào hứng với AI của Trung Quốc lớn hơn cả ở Mỹ, chí ít là đối với những vùng ngoài thung lũng Silicon.

Ở Tân Cương, cảnh sát đã được trang bị kính nhận diện khuôn mặt để theo dõi hàng triệu người dân tộc thiểu số Nội Mông nhằm ngăn ngừa nguy cơ khủng bố. Họ còn có thể sử dụng các thiết bị cầm tay để tìm kiếm ứng dụng nhắn tin mã hóa trong những chiếc smartphone.

Trong quá khứ, nỗ lực cải tiến sáng tạo của Trung Quốc đi liền với tham vọng tập trung hóa kiểm soát, dẫn đến Chính phủ nước này dè dặt từ chối cho phép các nhà nghiên cứu cũng như doanh nghiệp được tự do đi theo ý tưởng của mình. Ví dụ, Trung Quốc từng có những dự án phát triển ngành sản xuất chip bán dẫn từ thời Cách mạng Văn hóa (cuối những năm 1960 đến cuối những năm 1970) nhưng cho đến nay vẫn chưa thể tạo ra được công ty nào đủ tầm cỡ để cạnh tranh với những ông lớn thế giới như Samsung hay Intel. Sau đó Bắc Kinh lại một lần nữa thử sức với chip máy tính với sự giúp sức của quỹ đầu tư công khổng lồ nhưng nỗ lực thâu tóm công nghệ tiên tiến của phương Tây của Trung Quốc đã bị Chính phủ Mỹ chặn lại.

Theo các nhà nghiên cứu công nghệ Mỹ, lĩnh vực AI có thể tạo ra sự khác biệt. Hiện nay nỗ lực phát triển AI đang được thực hiện bởi những đế chế Internet trên toàn cầu, trong đó có nhiều cái tên đến từ Trung Quốc như Tencent Holdings tập trung vào hình ảnh trong y học hay Alibaba muốn tạo ra những thành phố thông minh bằng cách sử dụng hệ thống cảm biến, camera và máy tính để quản lý giao thông.

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc có thể chưa đạt được tự do về chính trị, nhưng họ có tự do về kinh tế để tạo ra lộ trình cho riêng mình. Môi trường ở Trung Quốc thậm chí có lợi hơn ở các nước phương Tây khi Chính phủ không xây lên những chướng ngại vật liên quan đến tính riêng tư có thể tác động tiêu cực đến quá trình phát triển công nghệ.

Theo Loren Graham, nhà nghiên cứu lịch sử khoa học đang công tác tại MIT, chỉ có rất ít quốc gia có thể vừa trở thành nước tiên phong trong công nghệ cao lại vừa có thể kinh doanh thành công những công nghệ mới này trên thị trường quốc tế. Ông rút ra đặc điểm chung của các nước này là đều có xã hội rất cởi mở, nơi các doanh nghiệp nhà nước không thống lĩnh - những điều trái ngược với Trung Quốc.

Do đó có thể nói nỗ lực phát triển AI của Trung Quốc chính là 1 cuộc thử nghiệm kinh tế vĩ đại. "Liệu 1 quốc gia có nhiều điểm khác xa với các nước phương Tây và thường bị cho là quá gò bó như Trung Quốc có thể thành công được hay không? Nếu câu trả lời là có, chúng ta sẽ phải suy nghĩ lại về mọi thứ", ông nói.

Thu Hương

WSJ

Trở lên trên