Tháng 7 của các doanh nghiệp bán lẻ: Vốn hóa Thế Giới Di Động, Masan giảm 15.000 tỷ, cùng xuống thấp nhất gần 1 năm qua, FPT Retail mất 1/5 giá trị
Vốn hóa các doanh nghiệp bán lẻ đồng loạt giảm mạnh trong nửa đầu tháng 7 và mức giảm mạnh hơn so với chỉ số chung VN-Index. Đáng chú ý, vốn hóa FPT Retail giảm tới gần 20% chỉ trong nửa tháng qua.
- 23-04-2022[ĐHĐCĐ] Chủ tịch Thế giới Di động (MWG): Chưa chốt tỷ lệ bán vốn Bách Hóa Xanh, dư địa phát triển ngành dược còn rất lớn
- 03-04-2022Vốn hóa tăng 22 lần lên 5 tỷ USD sau 8 năm niêm yết, những cổ đông sáng lập kín tiếng của Thế giới Di động đang sở hữu khối tài sản lớn đến mức nào?
- 02-04-2022Có thêm FPT và Thế giới Di động, số doanh nghiệp vốn hóa trên 100.000 tỷ đồng lập kỷ lục mới
Tháng 7 mới trôi qua được một nửa chặng đường, nhưng thống kê cho thấy giá trị của các doanh nghiệp bán lẻ trên sàn chứng khoán đang cùng nhau giảm mạnh.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 15/7, vốn hóa Masan còn 144 nghìn tỷ đồng, giảm 15,4 nghìn tỷ đồng so với cuối tháng 6 (-9,6%). Tương tự, vốn hóa của Thế Giới Di Động trong nửa tháng qua bốc hơi 14,6 nghìn tỷ đồng, xuống chỉ còn 90 nghìn tỷ đồng (-14%).
Như vậy, vốn hóa của cả Masan và Thế Giới Di Động đều đã xuống thấp nhất gần 1 năm qua.
Có quy mô nhỏ hơn, vốn hóa của PNJ và FPT Retail chỉ giảm 3,6 nghìn tỷ đồng và 2,1 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu tính theo tỷ lệ, 2 doanh nghiệp này đã để mất tương ứng 12% và 20% giá trị trong tháng 7.
Trong khi đó, chỉ số chung VN-Index nửa tháng qua chỉ giảm chưa tới 2%. Nhiều doanh nghiệp vốn hóa lớn khác mức giảm cũng thấp, thậm chí còn tăng giá trị.
Không chỉ giảm mạnh hơn mặt bằng chung thị trường, sự sụt giảm về giá trị vốn hóa các doanh nghiệp hàng đầu còn đi ngược lại số liệu tăng trưởng của tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ Việt Nam 6 tháng đầu năm (tăng trưởng 11,7%). Con số này đạt được nhờ dịch bệnh Covid-19 đã dần được kiểm soát, giúp mức độ di chuyển và mua sắm của người Việt Nam đến các địa điểm bán lẻ gần như đã phục hồi về mức trước dịch, đánh dấu sự trở lại giai đoạn tăng trưởng tiêu dùng Việt Nam sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Mặc dù vậy, không phải không có những khó khăn. Theo nhận định của một số chuyên gia, triển vọng ngành bán lẻ năm nay không quá tích cực.
Chẳng hạn tại mặt hàng điện máy, vốn là thế mạnh của Thế Giới Di Động và FPT Retail, dư địa tăng trưởng được cho là không nhiều. Trong chương trình "Bí mật đồng tiền", ông Phạm lưu Hưng, kinh tế trưởng Chứng khoán SSI nhận định rằng ngành hàng điện tử chính là ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất, thể hiện ngay ở việc sản phẩm laptop không còn bán được nhiều.
Kinh tế trưởng MBS, ông Hoàng Công Tuấn cũng cho rằng đây sẽ là ngành bị ảnh hưởng, bởi khi người dân phải ở nhà nhiều vì dịch bệnh Covid-19, học online nhiều, nhu cầu về tăng trưởng của mảng thiết bị điện tử sẽ rất mạnh thì năm nay sẽ rất khó để có thể tăng trưởng mạnh hơn nữa. Người tiêu dùng đã mua năm ngoái rồi thì năm nay sẽ khó để mua tiếp.
Với "sân chơi" siêu thị, Bách Hóa Xanh của Thế Giới Di Động và Winmart/Winmart+ của Masan đều đang trong giai đoạn đi tìm những đồng lãi đầu tiên. Masan sau khi nhận chuyển giao hệ thống siêu thị từ tay Vingroup đã ngay lập tức tìm cách cải tổ, khi bỏ những cửa hàng không hiệu quả và chỉ giữ lại những cửa hàng hoạt động tốt. Thế nhưng, các siêu thị này vẫn báo lỗ cả năm 2020 và năm 2021. Đến quý 1/2022 vừa qua, mảng bán lẻ tiêu dùng tiếp tục lỗ dù lợi nhuận gộp được cải thiện.
Với Bách Hóa Xanh, chuỗi này đang đi lại nước cờ của Masan, khi cũng loại bỏ các cửa hàng kém hiệu quả. Chỉ trong vài tháng qua, đã có hàng trăm cửa hàng Bách Hóa Xanh phải đóng cửa.
Tại mảng thuốc, cả An Khang của Thế Giới Di Động và Long Châu của FPT Retail đều mới trong giai đoạn mở rộng và chưa thể đóng góp nhiều vào tổng doanh thu của các công ty mẹ. Thực tế, thị trường thuốc vẫn còn rất rộng mở khi tổng thị phần của các chuỗi mới chỉ chiếm 4% toàn thị trường.
Theo nhận định của ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Thế Giới Di Động, đây là giai đoạn mà tình hình vĩ mô không thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, đặc biệt là doanh nghiệp bán lẻ và sản xuất. Theo ông Tài, sau hai năm chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, sức mua đã bị ảnh hưởng rất nhiều, mặc dù hiện tại tình hình dịch bệnh có phần được kiểm soát. Khi mọi thứ còn chưa kịp phục hồi ở trạng thái tốt nhất, cuộc xung đột Nga – Ukraine lại tiếp tục gây ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu
Bên cạnh đó, phải kể đến diễn biến giá dầu phức tạp trên thế giới, khiến giá xăng trong nước liên tục tăng cao, có lúc lên sát ngưỡng 33.000 đồng/lít. Điều này góp phần làm tăng giá cả hàng hóa, ảnh hưởng mạnh đến sức mua của người tiêu dùng.
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, trong 6 tháng cuối năm, một trong những mục tiêu quan trọng của Bộ là tập trung ưu tiên cao cho các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định cung cầu, giá cả. Theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong điều hành giá để kiểm soát giá cả hàng hóa đầu vào, tăng cường kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn các hoạt động găm hàng, đầu cơ, thao túng giá.
Nhịp sống kinh tế