MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Thánh nữ dọn nhà" Marie Kondo kiếm bộn tiền trên đất Mỹ bằng cách chia sẻ bí quyết của người Nhật: Dọn nhà không chỉ là sắp xếp đồ đạc mà còn giúp bạn quản lý tài chính cá nhân

02-02-2019 - 07:04 AM | Tài chính quốc tế

Nhà tư vấn dọn dẹp, sắp xếp này đang tạo ra một làn sóng truyền thông rất lớn nhờ vào chương trình trên Netflix của cô, có tên là Tidying Up With Marie Kondo.

Kondo, "nữ hoàng dọn dẹp" của Nhật Bản, muốn giúp đỡ hàng triệu người giải quyết sự lộn xộn và cùng đó có thể quản lý tài chính cá nhân. Nhà tư vấn dọn dẹp, sắp xếp này đang tạo ra một làn sóng truyền thông rất lớn nhờ vào chương trình trên Netflix của cô, có tên là Tidying Up With Marie Kondo (Tạm dịch: Dọn nhà cùng Marie Kondo). Phương pháp quản lý, sắp xếp các đồ vật mà cô chia sẻ, trong đó có đồ dùng cá nhân nên được bỏ đi hoặc giữ lại theo nguyên tắc "spark joy", đang thu hút rất nhiều sự chú ý của người Mỹ bởi xung quanh họ có quá nhiều vật dụng. "Spark joy" có nghĩa là đem lại niềm vui, theo đó, bạn chỉ lựa chọn giữ lại những món đồ khiến mình thấy vui và hạnh phúc.

Nội dung của chương trình khá đơn giản. Kondo tới thăm các gia đình trên khắp nước Mỹ để giúp ngôi nhà và cuộc sống của họ ngăn nắp, có tổ chức hơn nhờ vào từng món đồ. Khi các gia đình đã vượt qua tình trạng bừa bộn, họ được khuyên rằng nên nói cảm ơn và tạm biệt với những món đồ đã không còn mang lại niềm vui. Ngay sau đó, chương trình này trở thành một cơn sốt đối với người Mỹ, họ "phủ kín" các trang mạng xã hội với hình ảnh của các món đồ được sắp xếp theo hàng lối và cất giữ trong các thùng đựng đồ. Hơn nữa, họ còn tham gia vào những cuộc thảo luận về việc liệu những đồ vật như sách có nên vứt đi hay chủ nghĩa tối giản của Kondo.

Dù các nhà phân tích cho biết, tác động về lâu dài đối với các nhà bán lẻ từ việc nhiều người đã không còn "tha thiết" với quá nhiều đồ dùng nữa là điều không chắc chắn, "cơn sốt" Kondo phản ánh sự đi lên của xu hướng tiêu dùng có ý thức (mindful consumption). 

Quan điểm "less-is-more" (sống tối giản để tận hưởng nhiều hơn) của Kondo được kết hợp cùng sự khôn ngoan trong công việc kinh doanh giúp cho KonMari Media Inc., công ty được sáng lập bởi Kondo và cô cũng đảm nhiệm vị trí giám đốc tầm nhìn, phát triển mạnh mẽ hơn. Cùng với đó là doanh thu từ các hoạt động bán ra những phương pháp của KonMari qua một mạng lưới các nhà tư vấn đã được chứng nhận trên toàn thế giới. Hai cuốn sách của cô, The Life-Changing Magic of Tidying Up và Spark Joy, đã được xuất bản ở 42 quốc gia. Trong đó, cuốn đầu tiên nằm trong danh sách sách bán chạy nhất của New York Times trong gần 150 tuần.

Kondo thậm chí còn nổi tiếng ở Mỹ hơn so với Nhật, đây là nơi cô nhận được tiếng vang khi ra mắt cuốn sách đầu tiên vào năm 2010 và sau đó trở nên nổi tiếng tại Mỹ. "Tại Mỹ, cuốn sách ấy trở thành cuốn sổ tay hướng dẫn cách tự phát triển năng khiếu của bản thân. Nó không chỉ là việc dọn dẹp, dọn dẹp chỉ là một công cụ để bạn tự giúp đỡ, hiểu và phát triển bản thân. Trong khi đó, ở Nhật Bản thì họ lại coi cuốn sách hướng dẫn về quá trình dọn dẹp". Satoko Suzuki, một giáo sư ngành marketing tại Đại học Hitosubashi ở Tokyo, cho biết.

Ý tưởng cho những phương pháp mà Kondo chia sẻ đến từ khái niệm "danshari" của Nhật, được sử dụng để viết ký tự tiếng Trung cho các từ "từ chối", "sắp xếp" và "độc lập". Dù Kondo đã lấy cảm hứng từ một nguyên tắc chung, nhưng cô vẫn xứng đáng nhận được sự tin tưởng khi chuyển biến nó thành một khái niệm có giá trị cao và còn gặt hái được thành công từ những hoạt động kinh doanh từ đó, Suzuki nói.

Ngoài những cuốn sách và chương trình truyền hình, Kondo còn có "nguồn thu" từ việc hướng dẫn nhiều người theo cách của KonMari. Bất kì ai có mong muốn trở thành một nhà tư vấn về dọn dẹp nhà cửa thì bước đầu tiên là đọc hai cuốn sách của cô ấy và sau đó công bố những hình ảnh của các ngôi nhà mà họ thực hiện sắp xếp, theo đúng phương pháp KonMari. Họ còn phải trả chi phí đào tạo khoảng 2700 USD và 500 USD là mức phí thường niên cho chứng nhận. Vé của các hội thảo ở New York và London đều đã bán hết, theo trang web của Kondo.

Tuy vậy, sự nổi tiếng của Kondo cũng gây ra nhiều tranh cãi. Lời khuyên của cô về việc bỏ đi những cuốn sách in đã tạo ra làn sóng thảo luận rất sôi nổi giữa nhiều tác giả trên các trang mạng xã hội. Một số ý kiến cho rằng lời khuyên đó gợi ra những quan niệm đen tối về việc kiểm soát tâm trí. Sau đó, Kondo cho biết lời khuyên của cô về việc sở hữu không quá 30 cuốn sách bị ảnh hưởng bởi những ngôi nhà nhỏ ở Nhật, với rất ít không gian cho giá sách và khí hậu ẩm ướt dễ khiến những cuốn sách bị nấm mốc.

Chương trình của Marie Kondo đem lại "phần thắng" cho Netflix trong việc phát triển các chương trình với ngôn ngữ địa phương và xuyên biên giới. Tidying Up With Marie Kondo hiện đang chiếm phần lớn lượt xem của các chương trình thực tế trên Netflix, trong khi số lượt xem này lại giảm đáng kể vào năm ngoái. Cách tiếp cận của Kondo có thể tiếp tục "hái ra tiền" bởi người Mỹ lại rất thích những gì cô chia sẻ.

Wendy Liebmann, giám đốc điều hành của công ty tư vấn WSL Strategic Retail, cho biết: "Những gì chúng ta thấy từ lời khuyên của cô ấy là chúng ta không thể kiểm soát được những thứ lớn lao như việc chính phủ đóng cửa hay diễn biến của thị trường. Nhưng chúng ta có thể kiểm soát được những thứ rất nhỏ, như mua đồ ở đâu, mua gì và sự hỗn loạn trong cuộc sống."

Hương Giang

Bloomberg

Trở lên trên