Thành Thành Công đưa công ty điện chủ chốt lên sàn, một cuộc đua với REE sắp xảy ra?
Còn nhớ vào tháng 9/2016, CTCP Điện Gia Lai đã “đua” cùng REE trong cuộc đấu giá trọn lô 5 công ty thủy điện của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam với giá 1.400 tỷ đồng.
- 15-12-2016Đường Biên Hòa đăng ký thoái hết vốn tại Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh
- 19-09-2016Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh chốt quyền nhận cổ tức và cổ phiếu thưởng tỷ lệ 30%
- 16-09-2016Đấu giá trọn lô 5 công ty thủy điện với giá 1.400 tỷ: Cuộc đua của REE với Thành Thành Công
Thành Thành Công là tập đoàn kinh tế tư nhân nổi tiếng được sáng lập bởi ông Đặng Văn Thành và bà Huỳnh Bích Ngọc. Theo giới thiệu, Tập đoàn này gồm 20 công ty thành viên và công ty hạt nhân là Đầu tư Thành Thành Công, hoạt động trong 3 lĩnh vực mũi nhọn là Mía đường – Du lịch – Năng lượng. Ngoài ra, Tập đoàn còn đầu tư vào các ngành khác như bất động sản, đầu tư tài chính và kho vận nông sản, bao bì,…
Nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán không lạ lẫm gì những cổ phiếu được gọi là “họ nhà Thành Thành Công”. Nổi bật nhất là nhóm cổ phiếu mía đường với BHS của CTCP đường Biên Hòa và SBT của CTCP Mía đường Thành Thành Công (trước đây là CTCP Mía đường Bourbon Tây Ninh); cổ phiếu bất động sản là SCR của Sacomreal; và mới mẻ nhất là VNG của CTCP Du lịch Thành Thành Công.
Sắp tới, CTCP Điện Gia Lai – công ty chủ chốt trong lĩnh vực điện của Tập đoàn này sẽ lên sàn UPCoM với mã chứng khoán GEG, khối lượng 74,5 triệu cổ phiếu. Giá lên sàn chưa được công bố. Và như vậy, sàn chứng khoán đã có đủ bộ trong 3 mảng mũi nhọn của Thành Thành Công.
Điện Gia Lai có gì?
Với vốn điều lệ 745 tỷ đồng và tổng tài sản 1.552 tỷ đồng tính đến cuối năm 2016 thì Điện Gia Lai có quy mô tương đồng với Nhiệt điện Bà Rịa (BTP, vốn điều lệ 605 tỷ đồng và tổng tài sản 1.993 tỷ đồng). Cuối năm 2016, giá trị sổ sách của GEG là 12.985 đồng/cp.
Tuy nhiên, khác với nhiệt điện Bà Rịa, công ty điện Gia Lai được lập ra với mục đích đầu tư vào các nhà máy thủy điện. Hiện tại, công ty này đầu tư vào 15 nhà máy thủy điện với tổng công suất 85MW.
Trên sàn chứng khoán, Điện Gia Lai đang sở hữu 58,1% vốn của CTCP Thủy điện Gia Lai (mã GHC) và 65,4% của CTCP Đầu tư Điện Tây Nguyên (mã TIC).
Đáng chú ý, 2 cổ phiếu nói trên đều đã tăng tích cực từ cuối năm ngoái đến nay. GHC hiện có giá 31.300 đồng và TIC có giá 13.700 đồng.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất được công bố, năm 2016, GEG đạt 431 tỷ đồng doanh thu – tăng 22% so với năm trước nhưng lợi nhuận trước thuế chỉ ở mức tương đương, đạt hơn 148 tỷ đồng với lý do chính là doanh thu hoạt động tài chính giảm, trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp tăng lên.
Nửa năm trước, khối ngoại đã rót vốn vào Điện Gia Lai
Từ năm 2012 đến nay, Điện Gia Lai tiến hành tăng vốn bằng cách phát hành riêng lẻ, trả cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành cổ phiếu thưởng và phát hành cổ phiếu để hoán đổi với CTCP Ayun Thượng và CTCP Điện cao su Gia Lai do sáp nhập.
Tại thời điểm 18/12/2016, cổ đông lớn của Điện Gia Lai gồm có CTCP Đầu tư thương mại Thuận Thiên (24,84%), Ngân hàng TMCP Sài Gòn thương tín (Sacombank, 5,33%), CTCP Đầu tư Thành Thành Công (24,84%), AVH PTE.,LTD (20,05%) và Tổ chức tài chính quốc tế (IFC, nắm 15,95%). Tổng cộng hơn 91%.
Phần vốn góp của 2 cổ đông nước ngoài vừa được mua lại nửa năm trước. Vào tháng 6 năm 2016, Điện Gia Lai đã ký kết với Tổ chức Tài chính Quốc tế - IFC và Quỹ Năng lượng sạch Armstrong (Singapore), đầu tư dự án năng lượng nhằm mở rộng danh mục đầu tư vào lĩnh vực thủy điện, tăng cường hoạt động theo các chuẩn mực quốc tế, tạo cơ sở phát triển các dạng năng lượng sạch như điện gió, điện mặt trời. Mức vốn đầu tư của IFC và Armstrong trong thỏa thuận này lần lượt tương ứng với 16% và 20% vốn chủ sở hữu của GEC
Một cuộc đua giữa REE và Thành Thành Công sẽ tạo nên sự sôi động của các cổ phiếu thủy điện?
CTCP Điện Gia Lai nằm trong nhóm các CTCP và nhà đầu tư khác trong hệ thống cung cấp nguồn phát điện hiện nay. Nhóm nhà đầu tư lớn là EVN, PVN, TKV chiếm 77,38% tổng công suất phát điện (số liệu năm 2013). Với quy mô chỉ 85MW, tổng công suất phát điện của GEG gồm các công ty thủy điện thành viên chỉ tương đương 1,8% công suất phát trong nhóm các nhà đầu tư trong nước.
Có thể dự đoán rằng, mục tiêu của Thành Thành Công đối với GEG sẽ không chỉ dừng lại ở quy mô bé nhỏ nói trên. Theo bản công bố thông tin, mục tiêu đến năm 2020, GEC sẽ sở hữu trực tiếp và gián tiếp tổng công suất lắp đặt khoảng 150 MW, trong đó công suất phát triển mới thông qua đầu tư hoặc M&A khoảng 65MW. Công ty cũng đặt mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo khác (điện gió, điện mặt trời) sẽ đưa tối thiểu 5 nhà máy vào hoạt động với tổng công suất lắp máy khoảng 175MW.
Việc đưa Điện Gia Lai lên sàn phần nào khiến người ta nhớ đến việc Thành Thành Công mua lại công ty du lịch Vinagolf và đổi tên thành CTCP Du lịch Thành Thành Công (VNG) để trở thành công ty hạt nhân trong quá trình thâu tóm các công ty thành viên vào một đầu mối.
Còn nhớ vào tháng 9/2016, CTCP Điện Gia Lai đã “đua” cùng REE trong cuộc đấu giá trọn lô 5 công ty thủy điện của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam với giá 1.400 tỷ đồng. Đã có 1 trong 3 nhà đầu tư trúng được lô 5 công ty này, nhưng không được tiết lộ danh tính. Chỉ biết sau đó, REE đã tăng tốc đầu tư, mua mạnh cổ phần của các công ty thủy điện trên sàn cũng như ngoài sàn.
Điện Gia Lai đã lên sàn với mục tiêu M&A các công ty điện. Có lẽ trong thời gian tới, thị trường sẽ tiếp tục được chứng kiến những cuộc thâu tóm hoặc tăng tốc đầu tư vào các công ty thủy điện của các ông lớn này.
Trí Thức Trẻ