MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thành thị bão hòa, ngân hàng sẽ ồ ạt đổ về nông thôn?

17-08-2017 - 11:41 AM | Tài chính - ngân hàng

Ngân hàng có mạng lưới rộng đôi khi hiệu quả kinh doanh lại không bằng những ngân hàng có mạng lưới nhỏ hơn, do chưa thể khai thác tối đa hiệu suất hoạt động của mạng lưới, đặc biệt là các điểm giao dịch đặt tại vùng nông thôn. Tuy nhiên, độ phủ mạng lưới rộng còn mang lại những giá trị khác ngoài hiệu quả kinh doanh. Do đó trong tương lai, chiến lược phát triển mạng lưới của các ngân hàng sẽ tiếp tục có những sự thay đổi.

Mạng lưới rộng có lãng phí?

Trong hệ thống ngân hàng hiện nay, Agribank, Vietinbank và Lienvietpostbank có thể xem là 3 ngân hàng có hệ thống mạng lưới nhiều nhất và có độ phủ rộng nhất hiện nay. Agribank đến cuối 2016 là 938 chi nhánh và 2.198 PGD, Vietinbank có 1.155 điểm giao dịch còn Lienvietpostbank có 130 chi nhánh, 1.000 PGD bưu điện và quyền khai thác trên 10.000 điểm giao dịch thông qua các bưu cục và điểm văn hóa xã.

Do mạng lưới quá rộng và chủ yếu đặt tại vùng nông thôn với kinh tế còn kém phát triển, nên số liệu hoạt động của các đơn vị tại những địa bàn này tương đối khiêm tốn so với những đơn vị của chính các ngân hàng này đặt tại các thành phố lớn. Tuy nhiên, ngoài mục tiêu kinh doanh thì những ngân hàng như Agribank còn phải thực hiện các nhiệm vụ chính trị phát triển kinh tế xã hội nên vẫn phải tiếp tục duy trì những điểm giao dịch không hiệu quả tại các vùng sâu vùng xa.

Còn nếu so với những ngân hàng như Vietcombank có mạng lưới chủ yếu đặt tại các thành phố lớn, các địa bàn tiềm năng thì các ngân hàng như Agribank rõ ràng không thể nào so được. Không chỉ ở các chỉ tiêu huy động vốn, dư nợ mà các chỉ tiêu về hiệu quả kinh doanh như lợi nhuận, thu dịch vụ thì Vietcombank rõ ràng có sự vượt trội hơn rất nhiều. Ngoài hệ thống quản trị tốt hơn, thì rõ ràng lợi thế về địa bàn đặt điểm giao dịch tại các thành thị lớn đã giúp Vietcombank có cơ hội bán chéo các sản phẩm, gia tăng nguồn thu phí dịch vụ, cũng như có lượng khách hàng vay quy mô lớn hơn nhiều tại các địa bàn nông thôn, vốn chủ yếu là khách hàng cá nhân nhỏ lẻ.

Dù vậy, với độ phủ mạng lưới rộng cũng giúp các ngân hàng gia tăng độ nhận diện thương hiệu rộng hơn những ngân hàng có mạng lưới ít. Rõ ràng khi về các vùng nông thôn thì gần như ai cũng biết đến ngân hàng Agribank, tuy nhiên nếu hỏi đến một ngân hàng TMCP nào đó thì nhiều người gần như chưa bao giờ nghe nói tới. Ngoài ra, cũng nhờ các ngân hàng có các điểm giao dịch trải dài khắp nơi mà hoạt động thanh toán, chuyển tiền của các khách hàng đến các địa bàn nông thôn, vùng sâu vùng xa thuận tiện và dễ dàng hơn.

Bên cạnh đó, tài nguyên về khách hàng cơ sở của những ngân hàng có mạng lưới rộng cũng nhiều hơn so với những ngân hàng có mạng lưới ít, vốn chỉ tập trung cho những khách hàng doanh nghiệp lớn để tìm kiếm và duy trì lợi nhuận. Tuy nhiên, điều này cũng dẫn đến rủi ro tập trung cho các tổ chức này, vì một khi khách hàng lớn “hắt hơi sổ mũi” thì các ngân hàng trên cũng điêu đứng lao đao.

Tương lai của ngành ngân hàng có thể thay đổi rất lớn

Trong tình hình mà ra ngõ là gặp ngân hàng tại các thành phố lớn, thì các ngân hàng có thể phải xem xét lại chiến lược phát triển mạng lưới của mình trong thời gian tới. Với mật độ dày đặc các điểm giao dịch tại các khu vực thành thị, dẫn đến mức độ cạnh tranh giữa các ngân hàng ngày càng khốc liệt khi mà dung lượng thị trường tăng trưởng không theo kịp tốc độ mở rộng mạng lưới của các ngân hàng tại các thành phố lớn.

Trong thời gian vừa qua, một số ngân hàng đã phải đóng cửa, di dời những điểm giao dịch không hiệu quả hoặc đặt quá gần nhau tại các thành phố lớn. NHNN những năm gần đây cũng đã yêu cầu các ngân hàng phải xây dựng kế hoạch kiện toàn mạng lưới để nâng cao hiệu quả hoạt động. Trong khi đó, với những tổ chức sáp nhập, hợp nhất trong thời gian qua dù đạt được con số điểm giao dịch tăng lên nhanh chóng, tuy nhiên một hệ quả khác là nhiều điểm đặt quá gần nhau dẫn đến phải di dời sang các địa bàn khác hoặc thậm chí đóng cửa để tránh việc sử dụng không hiệu quả và giẫm chân, chồng chéo địa bàn hoạt động.

Trong tương lai không xa, với độ phủ mạng lưới các ngân hàng tại các thành thị đạt tới độ bão hòa, thì các ngân hàng có thể phải mở rộng mạng lưới về vùng nông thôn để tìm kiếm thị trường phát triển, cũng như đón đầu lộ trình đô thị hóa của khu vực nông thôn và vùng sâu vùng xa. Rõ ràng một khi các vùng nông thôn phát triển hơn, thu nhập người dân nâng cao thì những ngân hàng đã sớm hiện diện sẽ có lợi thế người đi đầu tại những khu vực này.

Ngoài ra, Chính phủ vào cuối năm 2016 đã ban hành Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020, theo đó khuyến khích các TCTD phát triển một số phương tiện và hình thức thanh toán mới, hiện đại phục vụ cho khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa để góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện, do đó thúc đẩy các ngân hàng có thể sớm đổ bộ về vùng nông thôn để nhanh chóng chiếm hữu thị phần tại đây. Theo một thống kê cho thấy dư địa phát hành thẻ nội địa còn khá lớn với thị trường 80% ở nông thôn, đặc biệt là khi NHNN đã cho phép cá nhân từ 15 tuổi trở lên được mở thẻ.

Cần lưu ý là đặc thù của khu vực nông thôn là địa bàn luôn thiếu vốn, do đó những ngân hàng với mô hình quản trị rủi ro tốt và các sản phẩm cho vay nhỏ lẻ phù hợp thì sẽ đáp ứng được nhu cầu rất lớn của khách hàng tại đây. Với biên lợi nhuận từ các sản phẩm cho vay tiêu dùng nhỏ lẻ ở mức cao thì những ngân hàng nào phát triển tốt hoạt động cho vay tại các địa bàn này không những giúp ngân hàng có thể giải quyết được vốn đầu ra mà còn gia tăng hiệu quả kinh doanh cho tổ chức.

Trong khi đó, mạng lưới truyền thống của các ngân hàng tại khu vực thành thị có thể ngưng phát triển hoặt thậm chí thu hẹp, thay vào đó là ưu tiên phát triển các ngân hàng tự động, các dịch vụ thanh toán qua điện thoại, Internet để đáp ứng nhu cầu của khách hàng ngày càng tăng lên, nhất là khi các kiến thức về tài chính, sản phẩm dịch vụ ngân hàng của khách hàng tại khu vực này đã tăng lên đáng kể trong những năm qua.

Theo thông tư 21/2013/TT-NHNN thì số lượng chi nhánh được thành lập phải đi theo vốn điều lệ của ngân hàng, cụ thể với CN tại TP HCM và Hà Nội quy định vốn điều lệ tối thiểu phải 300 tỷ/ 1 CN, còn các CN mở tại các tỉnh thành khác là 50 tỷ/ 1 CN. Mặc dù quy định này không hồi tố nhưng với các ngân hàng muốn mở thêm CN mới thì phải đảm bảo có vốn điều lệ đáp ứng điều kiện, do đó các ngân hàng thay vì chọn mở thêm chi nhánh ở 2 thành phố lớn thì sẽ cân nhắc mở chi nhánh ở các tỉnh thành khác để tối ưu hóa sử dụng vốn. Quy định này của NHNN cũng cho thấy định hướng khuyến khích phát triển mạng lưới tại các địa bàn khác thay vì chỉ chăm chăm tập trung ở các thành phố lớn như từ trước đến nay.

Cần lưu ý là đặc thù của khu vực nông thôn là địa bàn luôn thiếu vốn, do đó những ngân hàng với mô hình quản trị rủi ro tốt và các sản phẩm cho vay nhỏ lẻ phù hợp thì sẽ đáp ứng được nhu cầu rất lớn của khách hàng tại đây. Với biên lợi nhuận từ các sản phẩm cho vay tiêu dùng nhỏ lẻ ở mức cao thì những ngân hàng nào phát triển tốt hoạt động cho vay tại các địa bàn này không những giúp ngân hàng có thể giải quyết được vốn đầu ra mà còn gia tăng hiệu quả kinh doanh cho tổ chức.

Khánh Quân

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên