Thất bại của U19 Việt Nam: Thuật toán Facebook và ảo giác thành tích của bóng đá Việt Nam
Chỉ với một thuật toán đơn giản, mạng xã hội Facebook biến người sử dụng thành những "con nghiện", khiến họ tốn nhiều giờ truy cập không chán. Chỉ với hai giải đấu thành công trên cấp độ trẻ, các cầu thủ đang khiến một bộ phận người hâm mộ xem bóng đá chỉ mong thành tích, quên đi hiện thực về vị thế của bóng đá Việt Nam.
- 27-10-2018"Trùm cuối" Đông Nam Á: U19 Việt Nam ở đâu so với Thái Lan, Indonesia?
- 27-10-2018Bầu Đức: "Hoàng Anh Tuấn hãy nhường ghế HLV U19 cho người khác"
- 23-10-2018U19 Việt Nam: Giấc mơ World Cup tan vỡ và 2 chữ "vứt đi" đầy cay nghiệt
1. Có bao giờ bạn tự hỏi: Tại sao rất nhiều người dành hàng tiếng đồng hồ mỗi ngày chỉ để lướt và đọc thông tin trên mạng xã hội Facebook?
Câu trả lời nằm ở thuật toán mà gã khổng lồ công nghệ của Mỹ tạo ra. Facebook nghiên cứu sở thích và xu hướng tìm kiếm của người sử dụng, từ đó chỉ cung cấp những thông tin mà họ yêu thích. Với một người thích điện ảnh, Facebook sẽ ưu tiên hiển thị những thông tin liên quan đến phim ảnh. Tương tự với chính trị, kinh tế, thể thao, âm nhạc,...
Người ta gọi cách làm của Facebook là tạo ra ảo giác truyền thông. Mạng xã hội này tạo cho người dùng cảm giác nó "vô tình" hiển thị toàn những thông tin mà họ yêu thích. Thực tế, đó là ảo giác có tính toán. Từ chỗ cung cấp thông tin đa dạng, Facebook chỉ cho người dùng đọc thông tin mà nó nghĩ rằng họ sẽ hứng thú. Từ đó, độc giả bị mạng xã hội này "cầm tù" trong không gian của chính mình.
2. Bóng đá Việt Nam đang rất giống... Facebook. Chỉ với tiếng vang từ thành công của U23 Việt Nam và Olympic Việt Nam, nó dẫn lối khán giả vào thế giới chỉ bó hẹp trong những chiến tích, đồng thời tạo ra tư duy "cuồng thành tích" cho một bộ phận người hâm mộ. Với họ, đội tuyển nào không tiếp tục duy trì chiến thắng ở đấu trường châu lục, đó là đội tuyển... bỏ đi.
Thất bại của U19 Việt Nam là một minh chứng. Văn Tới cùng các đồng đội rời giải với ba trận toàn thua và bị chỉ trích kịch liệt. Có người cho rằng: đây là lứa cầu thủ không có tương lai và không có khả năng giành vàng SEA Games 2021 - giải đấu Việt Nam đăng cai chủ nhà.
Nhìn lại lịch sử để thấy: Ngoại trừ kỳ tích năm 2016 ở Bahrain để giành vé đi U20 World Cup năm 2017, các lứa U19 Việt Nam chưa từng tạo tiếng vang ở giải các giải châu Á. Trước khi viết nên thiên truyện "cổ tích Thường Châu", U23 Việt Nam cũng có hành trang khiêm tốn ở giải châu lục là ba trận toàn thua. Ở sân chơi châu Á, Việt Nam không thể sánh với Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran, cũng khó "chung mâm" với UAE, Qatar, Iraq, Uzbekistan,...
Ở "ao làng" Đông Nam Á, U23 Việt Nam chưa từng vô địch SEA Games. Các lứa U16, U19 của Công Phượng, Xuân Trường, Bùi Tiến Dũng 04... cũng chưa từng bước lên bục vô địch ở cấp độ trẻ trong khu vực Đông Nam Á.
Với xuất phát điểm như thế, U19 Việt Nam có đáng bị chê bai nhiều như vậy khi thua?
Lứa Bùi Tiến Dũng, Xuân Trường, Công Phượng cũng từng toàn thua 3 trận ở giải U19 Đông Nam Á 2014 trên đất Myanmar. Trong khi đó, chủ nhà U19 Myanmar vào bán kết và giành vé đi U20 World Cup tại New Zealand năm đó.
3. So với U19 Hàn Quốc, U19 Australia và U19 Jordan, U19 Việt Nam hiển nhiên ở cửa dưới. Thành tích 0 điểm/ 3 trận, dẫu là con số buồn, song đó là thất bại được dự báo từ trước. Dù quá trình chuẩn bị không chu toàn cùng những sai sót cá nhân khiến đội dừng bước sớm.
Điều đó không có gì xấu hổ. Đội tuyển Việt Nam vẫn mấp mé nằm ngoài top 100 đội tuyển ở "nửa trên" bảng xếp hạng thế giới FIFA. Số lượng trung tâm đào tạo đạt chuẩn ở Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay với PVF, HAGL, Viettel, CLB Hà Nội,... trong khi mỗi đội bóng chuyên nghiệp ở Nhật Bản, Hàn Quốc đều có riêng một "lò" đủ tốt để cung cấp nhân tài cho quốc gia.
V.League còn tồn tại nhiều tiêu cực và chưa phải môi trường đủ trong lành, thực chiến để các cầu thủ mài giũa khả năng. Bóng đá học đường, bóng đá phong trào còn yếu,... và quan trọng hơn cả, bóng đá trẻ Việt Nam luôn tồn tại những bất ổn, rủi ro.
Không nói đâu xa, U19 Hàn Quốc từng bị loại ở vòng bảng hai lần liên tiếp ở giải U19 châu Á. U19 Qatar vô địch năm 2014 và "mất dạng" vào năm 2016. Nói vậy để thấy, U19 Việt Nam bị loại, dù đáng buồn, nhưng cũng đâu có gì để bi lụy?
4. Thất bại chỉ bị khuếch đại khi đặt trong thế giới quan thành tích sai lệch và hẹp hòi. Đúng thật, khi U23 Việt Nam là Á quân châu lục, Olympic Việt Nam giành hạng Tư ASIAD, U16 và U19 bị loại khỏi vòng bảng quả thật khó chấp nhận. Dù vậy, nhìn trên tương quan thực lực hiện tại, người hâm mộ không thể đòi hỏi thái quá về thành tích của các đội trẻ. Có thì tốt. Còn không? Chấp nhận và làm lại.
Đừng so sánh lứa U19 hiện tại với thế hệ đàn anh. Nhiều lứa cầu thủ của lò La Masia (Barcelona) từng "thui chột" vì không vượt qua được cái bóng của những Lionel Messi, Xavi, Iniesta hay Gerard Pique. Thành công của U23 Việt Nam chỉ nên lấy làm động lực. Mọi sự so sánh có thể khiến cầu thủ tổn thương và méo mó. Không thể đòi hỏi lứa cầu thủ nào cũng phải lặp lại quy trình vinh quang như nhau.
Hơn cả, thành tích không nên được lấy làm thước đo thành bại cho cả thế hệ. Lứa U19 Việt Nam của Công Phượng, Xuân Trường đi vào trái tim người hâm mộ dẫu không có chức vô địch "danh chính ngôn thuận" nào. Hãy để các cầu thủ tự do phát triển và chơi thứ bóng đá trong trẻo nhất. Điều gì phải đến, trước sau gì cũng đến mà thôi.
Trí thức trẻ