Thất thoát tiền tỷ trong đầu tư Xây dựng cơ sở Hạ tầng Dự án đất dịch vụ KĐT Đô Nghĩa
Sau hơn 8 năm triển khai xây dựng dự án, khu đô thị Đô Nghĩa (khu D Yên Nghĩa) quận Hà Đông, TP Hà Nội đã trở thành một khu phố mới. Tuy nhiên, người dân tại đây vẫn không có điện và nước...
Dự án "Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất dịch vụ thôn Yên Lộ (xứ Đồng Rứa, Mả Trâu, Cổ Cò) phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội" (được gọi tắt là khu đô thị Đô Nghĩa hay khu D Yên Nghĩa) có diện tích trên 5 ha, được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) phê duyệt ngày 02/7/2008 với tổng mức đầu tư trên 18 tỷ đồng. Cho đến nay, đã 8 năm trôi qua (từ tháng 7/2008 đến tháng 5/2016), gói thầu này vẫn nằm "đắp chiếu" không thể sử dụng được...
Ngày 24/8/2010, UBND quận Hà Đông (đơn vị chủ đầu tư) ban hành QĐ điều chỉnh dự án, nâng mức tổng đầu tư lên trên 35 tỷ đồng. Trong quá trình thực hiện, Ban quản lý dự án đầu tư và xây dựng quận Hà Đông (đơn vị đại diện cho chủ đầu tư) còn thu thêm của mỗi hộ dân trên 103 triệu đồng để "đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng...". Sau 4 năm triển khai, các hạng mục của dự án cơ bản đã hoàn thành, riêng hạng mục Mạng đường ống cấp nước đã được tổ chức bàn giao vào ngày 14/9/2012 để đưa vào sử dụng với đầy đủ các thành phần bên giao, bên nhận và nội dung biên bản pháp lý.
Có một điều khó hiểu là, vào ngày 17/12/2012 (nghĩa là sau khi gói thầu đã được bàn giao 3 tháng), UBND quận Hà Đông lại "tiếp tục" ban hành QĐ điều chỉnh mức đầu tư của dự án lên trên 38,5 tỷ đồng !? (Những bất cập qua nhiều lần "điều chỉnh" mức đầu tư dự án này, chúng tôi sẽ đề cập vào dịp khác). Và, cũng từ thời điểm này, đã xuất hiện hàng loạt những nghi vấn xung quanh 2 công trình rất quan trọng của dự án về Cung cấp điện và Cung cấp nước sạch.
Sau hơn 8 năm triển khai xây dựng dự án, khu đô thị Đô Nghĩa (khu D Yên Nghĩa) quận Hà Đông, TP Hà Nội đã trở thành một khu phố mới, đường bê tông nhựa sạch đẹp với những dãy nhà khang trang của hơn 200 hộ dân. Tuy nhiên, điện và nước vẫn … không có. Cuộc sống của bà con ở đây, đã nhiều năm rất khổ sở vì không được đáp ứng nhu cầu thiết yếu này.
Gia đình bà Lưu Thị Thuân và gia đình ông Trịnh Bá Nam, những người dân đã về định cư ở đây từ lâu than thở: "Cuối năm 2013, UBND quận Hà Đông giao đất, gia đình chúng tôi cùng nhiều hộ dân tổ chức xây nhà và đóng góp tiền xây dựng hạ tầng cơ sở xong (mỗi hộ hơn 103 triệu đồng). Nhưng, đã gần 4 năm nay, đến thời điểm này vẫn chưa có điện và nước sạch. Hầu hết các gia đình đều phải tự bỏ ra 5 - 8 triệu đồng để lấy nước giếng khoan lên lọc thủ công để tắm giặt, còn ăn uống thì mua… nước bình và mua dây kéo điện từ trong làng ra sử dụng để ổn định cuộc sống...".
Khi đi vào tìm hiểu chi tiết gói thầu Mạng đường ống cấp nước,như trên đã nói, hạng mục này đã được bàn giao ngày 14/9/2012. Lẽ ra, sau thời điểm đó, dân phải có nước dùng, nhưng thực tế vẫn là… không ! Có điều lạ là, vào ngày 21/11/2012 (nghĩa là đã sau ngày bàn giao hơn 2 tháng) Ban quản lý Dự án đầu tư và xây dựng quận Hà Đông lại ban hành QĐ bổ sung thiết kế với số tiền trên 501 triệu đồng ?! Như vậy có thể thấy, việc nghiệm thu công trình là "có vấn đề "? Dư luận đặt câu hỏi: Chất lượng của công trình thế nào mà phải bổ sung thiết kế? Việc bổ sung thiết kế và kinh phí sau khi đã bàn giao đưa vào sử dụng là đúng hay sai?
Nhân dân khu đô thị Đô Nghĩa bức xúc chỉ rõ vị trí mà Công ty thay thế ống nước mới với lời hứa ngày 15/5/2016 là có nước sạch
Làm việc với chúng tôi về công trình này, bà Trần Thị Lương An - Trưởng Ban quản lý Dự án thừa nhận: "Đây là dự án không suôn sẻ" và cho biết về việc bàn giao công trình Mạng đường ống cấp nước như sau: "Việc bàn giao đã được tiến hành theo đúng quy định với đầy đủ thành phần lãnh đạo bên giao (Ban quản lý Dự án), bên nhận (Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông - đơn vị tiếp nhận quản lý, khai thác phục vụ nhân dân) và các đơn vị chức năng liên quan khác. Như vậy, từ sau ngày 14/9/2012, công trình này do Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông chịu trách nhiệm quản lý và khai thác phục vụ nhân dân.
Khi nghiên cứu hồ sơ dự án, biên bản bàn giao công trình Mạng đường ống cấp nước, chúng tôi thấy, đã thể hiện khá đầy đủ các hạng mục nghiệm thu như: Hồ sơ thiết kế bản vẽ được phê duyệt, thay đổi bổ sung được chấp thuận; Hợp đồng giao nhận thầu xây lắp; Biên bản nghiệm thu công việc; Nhật ký thi công các hạng mục của nhà thầu; Biên bản nghiệm thu hoàn thành giai đoạn; Bản vẽ hoàn thành hạng mục và đầy đủ 6 chữ ký, 6 dấu đỏ chấp nhận đồng ý nghiệm thu công trình đưa vào sử dụng …
Đặc biệt, trong phần b về chất lượng hạng mục công trình còn được xây dựng thể hiện rõ: "Đảm bảo đúng thiết kế được phê duyệt, đạt yêu cầu xây dựng và yêu cầu kỹ thuật công trình". Thế nhưng, đó là những chấp thuận trên giấy, còn thực tế…thì, như đã mô tả ở trên là…không có nước. Một số hộ dân ở đây phản ánh rằng, cũng có đôi lần Công ty nước sạch Hà Đông cử người xuống bơm thử đường ống nhưng thấy nước bẩn tràn ra nên lại thôi, kết quả là, mấy năm qua, dân ở đây cứ "dài cổ" ra mà… ngóng!
Nhân công đang lắp đặt đường ống mới
Ngay sau khi Ban quản lý Dự án Đầu tư và Xây dựng Hà Đông thoái thác trách nhiệm vì gói thầu đã bàn giao, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Hoàng Văn Thắng - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông thì được biết: Lý do đường ống nước không hoạt động được là do các đầu bịt chữ T dẫn vào các hộ gia đình lâu ngày bị bung ra hoặc bị hở do tác động co giãn nên khi thử bơm thì không có áp lực, không đẩy nước lên được.
Để xử lý vấn đề này, Công ty đã "quyết định" chi ra khoảng trên 300 triệu đồng để " khai quật" bỏ đi đường ống cũ (tuy còn mới nguyên chưa được sử dụng lần nào) và thay vào đường ống cấp nước mới, dự kiến đến 15/5/2016 sẽ có nước sạch cung cấp cho dân. "Động thái" này của Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông có vẻ như khá "tích cực", nhưng câu hỏi đặt ra là: Về nguyên tắc, chỉ những "sản phẩm" đạt yêu cầu theo đúng tiêu chuẩn quy định về chất lượng mới được giao và được nhận. Vậy sau khi bàn giao mà đường ống không sử dụng được thì trách nhiệm thuộc về ai ?
Nếu thuộc về Ban quản lý thì cũng cần phải được làm rõ, và việc Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông đồng ý tiếp nhận một "sản phẩm" kém chất lượng thì có hay không việc "bắt tay" hợp pháp và hợp lý hóa bằng việc bổ sung thiết kế và tăng kinh phí để xử lý vấn đề này? Nếu thuộc về Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông (giả sử lý do là do khâu quản lý lỏng lẻo nên bị một số người đào bới, phá hoại) thì trách nhiệm của doanh nghiệp này cũng không thể bỏ qua do làm lãng phí, thất thoát tài sản nhà nước ?
Mặt khác, khi chưa xác định được trách nhiệm thuộc về bên nào thì số tiền mà Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông "sáng tạo" bỏ ra để "khắc phục hậu quả" đó lấy ở đâu và sẽ được thanh quyết toán thế nào? Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Báo Xây dựng