Thấy gì từ cú “lật ngược” của Trung Quốc trong cơn bão thương mại Mỹ - Trung?
Trái với những dự đoán và kì vọng trước đó, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã không thể chấm dứt. Thậm chí, những ẩn số lạ và đột biến mới đã khiến cơn bão này trở nên trầm trọng hơn bao giờ hết.
- 16-05-2019Chậm chân hơn Samsung ở Việt Nam, Apple đang thua thiệt vì chiến tranh thương mại
- 13-05-2019Báo Trung Quốc: Nếu không nhanh chân, các công ty muốn tránh chiến tranh thương mại có thể sẽ "lỡ thuyền" vào Việt Nam vì hết chỗ
- 12-05-2019Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Thách thức ngắn hạn với xuất khẩu, cơ hội cho đầu tư và bất động sản Việt Nam
Mọi kỳ vọng vào thỏa thuận giữa Washington và Bắc Kinh đã sụp đổ trước dòng thông báo trên Twitter của Tổng thống Donald Trump hôm 10/5. Ông Trump đã quyết định tăng thuế từ 10% lên 25% với 200 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc, và cũng không quên dọa cũng sẽ sớm áp thêm 325 tỷ USD hàng hoá khác. Nếu điều này thành sự thật, Mỹ sẽ áp đặt thuế lên toàn bộ lượng hàng hóa vào nước này, đưa cuộc chiến thương mại bấy lâu nay lên một cấp độ mới toàn diện.
Điều này có lẽ là một cú sốc với giới quan sát khi mọi kỳ vọng cho rằng cuộc chiến thương mại sẽ có thể đi đến hồi kết. Nó vốn đã kéo dài quá lâu, cả Mỹ và Trung Quốc đều bị ngấm đòn và những vòng đàm phán trước đó đều cho thấy tinh thần rất khả quan. Đầu tháng 12/2018, ông Trump và Tập đã có dấu hiệu đình chiến khi lệnh áp thuế của Mỹ bị hoãn lại cho đến tháng 3/2019 và Trung Quốc nhận mua một lượng lớn hàng hóa từ Mỹ.
Nguyên nhân đổ vỡ đến nay vẫn còn nhiều đồn đoán. Về phía Mỹ, có nhiều lý do để Tổng thống Trump mong muốn "gói" lại phần nào vấn đề cọ xát thương mại. Trump đang có khá nhiều vấn đề cần bận tâm. Một mặt, ông ta cần một kết quả khả quan cho kỳ bầu cử sắp tới, nhất là khi cuộc gặp Mỹ - Triều không đạt được kết quả mong muốn.
Mặt khác, trong nước, ông cũng đang phải đối mặt với cuộc điều tra Mueller đang bị lật lại, trong khi đó cựu Tổng thống Joe Biden đã chính thức tuyên bố ra tranh cử và đang chứng minh là một đối thủ đáng gờm phía đảng Dân chủ.
Mọi con mắt đổ dồn về phía Trung Quốc như đối tượng chịu trách nhiệm chính cho sự đổ vỡ. Ông Trump, trên Twitter, đã chỉ trích đích danh Trung Quốc chính là phía "phá kèo" vào phút cuối khi cả hai bên đã gần như đạt được thỏa thuận.
Tờ South Morning China Post (SMCP) dẫn nguồn tin cho rằng ông Tập Cận Bình đã can thiệp vào phút chót, không để các nhà đàm phán Trung Quốc nhượng bộ Mỹ. "Tôi sẽ chịu trách nhiệm về mọi hậu quả", tờ này dẫn lời của ông Tập, theo nguồn tin riêng.
Thông tin này, dù có đúng hoặc không, thì những diễn biến vừa qua cho thấy cuộc chiến thương mại đã bước sang một giai đoạn mới phức tạp hơn.
Từ trước tới nay, việc Mỹ tỏ ra cứng rắn và là bên liên tục "ra đòn" vốn đã không có gì lạ lẫm. Nhưng điều kỳ lạ lần này đến từ những hành động của Trung Quốc ngay sau khi đàm phán đổ vỡ.
Ngày 13/5, Bắc Kinh tuyên bố sẽ tăng thuế lên 25% đối với lượng hàng hoá trị giá hơn 60 tỷ USD hàng hoá Mỹ nhập khẩu, nhằm vào khoảng 5.000 sản phẩm từ ngày 1/6. Đây chính là 60 tỷ USD hàng hoá Mỹ đã bị áp thuế từ 5 – 10% hồi tháng 9/2018 khi Washington áp thuế 10% với 200 tỷ USD hàng hoá của Bắc Kinh.
Đây là một nét rất mới nếu nhìn lại toàn bộ phương thức hành động của Trung Quốc. Bắc Kinh từ trước đến nay luôn giữ thái độ mềm dẻo, "dùng nhu chế cương", đồng thời, luôn nhắc nhở Mỹ về lợi ích hợp tác giữa hai bên, về "đại cuộc".
Đến thời điểm hiện tại, Bắc Kinh đã không ngần ngại áp thuế đáp trả, đồng thời đưa ra những tuyên bố cứng rắn cả ở trong và ngoài nước. Những hành động này cho thấy Trung Quốc đã đi ngược lại với truyền thống: Sẵn sàng trực diện đối đầu với Mỹ.
Một số nhận định cho rằng nhiều khả năng cú bẻ lái 180 độ này của Trung Quốc đến từ những sức ép ở bên trong. Từ lâu, nội bộ nước này đã có những tiếng nói cho rằng họ quá mềm mỏng với Mỹ. Năm 2019 cũng là năm với nhiều sự kiện quan trọng của Trung Quốc như kỷ niệm 70 năm lập quốc, 100 năm phong trào Mùng 4 tháng 5.
"Nếu Trung Quốc đáp ứng yêu cầu của Washington..., đó sẽ là nỗi nhục cho người Trung Quốc khi chủ nghĩa dân tộc đang dâng cao trong nước. Các lãnh đạo Trung Quốc không thể chấp nhận được", Nhà phân tích chính trị Chen Daoyin nói trên SMCP.
Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung được khơi mào từ đầu năm 2018, đến nay Trung Quốc cũng đã có những sự chuẩn bị nhất định. Những chính sách ổn định kinh tế bên trong dường như đã phát huy tác dụng. Trung Quốc cũng đã rất nỗ lực tìm kiếm các thị trường mới ngoài Mỹ trong thời gian vừa qua, đồng thời đẩy mạnh cải cách trong nước theo hướng nội nhu, tự cường. Họ hiểu rằng điểm yếu nhất của Mỹ là khả năng chịu đựng không lâu do đặc thù chính trị nội bộ, nhất là khi cuộc bầu cử Tổng thống 2020 đang đến gần. Nên càng để lâu thì Trung Quốc sẽ có lợi thế hơn, và dường như họ đã sẵn sàng cho cuộc "trường kỳ chiến" với Mỹ.
Đến thời điểm hiện nay, có lẽ ông Trump đã dần nhận thấy việc áp dụng những kỹ thuật đàm phán theo quyển sách "the art of the deal" của mình là không hề đơn giản. Lần lượt những đồng minh là Châu Âu, Nhật Bản đến những đối thủ như Trung Quốc, Triều Tiên.. đều cho thấy rằng một nước Mỹ số một thế giới không dễ dàng gì khiến cho nước khác theo ý của mình.
Những diễn biến này cho thấy sự phức tạp và khó lường đang ẩn chứa bên trong. Khác với vòng đàm phán thương mại trước không đạt kết quả, sự đổ vỡ lần này không những là một cú sốc, mà còn ẩn chứa những lo ngại rất lớn. Khó có thể tưởng tượng được những tác hại mang lại cho nền kinh tế thế giới và các chuỗi sản xuất toàn cầu nếu như hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, vốn phụ thuộc lẫn nhau này sẽ áp thuế toàn bộ lên các mặt hàng xuất nhập khẩu của nhau.
Điều đáng lo ngại là cuộc chiến thương mại này đã bước sang một quy mô mới và có thể sẽ trở thành toàn diện. Từ trước tới nay, giới phân tích vẫn nói rằng Trung Quốc có những "vũ khí" đáng gờm để đáp trả lại Mỹ, đó là: áp thuế thương mại, phá giá đồng Nhân dân tệ và bán trái phiếu của Mỹ. Nhưng đây đều là những biện pháp "đau thương" với cả Trung Quốc, bởi lẽ chính họ cũng sẽ chịu thiệt hại không nhỏ.
Đến nay, những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẵn sàng sử dụng tất cả những biện pháp này. Tại "mặt trận" tiền tệ, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc đã hạ giá 0,6% ngay lập tức vào ngày 15/5 sau khi đàm phán đổ bể. Để chuẩn bị cho việc này, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc được gia tăng trong thời gian gần đây, lên mức 3 nghìn tỷ USD. Việc phá giá đồng tiền sẽ tạo cho Trung Quốc những lợi thế về xuất khẩu. Dù vậy, nền kinh tế nước này cũng sẽ phải đối diện với áp lực lạm phát, đồng thời trực tiếp tạo cớ cho Mỹ trả đũa. Năm ngoái, việc đồng NDT yếu đi đã khiến cho Tổng thống Trump nổi giận và áp thuế nhập khẩu.
Lá bài trái phiếu cũng đã được sử dụng ngay lập tức vào ngày 16/5. Họ đã cắt giảm lượng nắm giữ trái phiếu Kho bạc Mỹ xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2017 – là thời điểm mà quan hệ Mỹ - Trung khi đó khá nồng ấm. Hiện Trung Quốc đang nắm giữ 1.100 tỷ USD trái phiếu Chính phủ Mỹ và là chủ nợ nước ngoài lớn nhất của nước này. Việc Trung Quốc bán một phần số trái phiếu này hoặc ngừng mua sẽ khiến cho thị trường trái phiếu Mỹ chao đảo.
"Bất kỳ động thái nào khiến lợi suất trái phiếu Mỹ tăng lên đều có tác động tiêu cực đến số trái phiếu Mỹ mà Trung Quốc hiện nắm giữ, đồng thời kéo giá USD lên. Sự bất ổn về tài chính và ngoại hối của chính sách này có thể lấn át lợi ích mà Trung Quốc có được", Bloomberg dẫn lời Ed Al-Hussainy tại Columbia Threadneedle Investments. Nhưng có vẻ như Trung Quốc đã sẵn sàng cho cuộc chơi đó.
Và câu chuyện không chỉ dừng ở đó. Mới đây, Tổng thống Trump đã sử dụng quyền hành pháp của mình để ban hành tình trạng khẩn cấp quốc gia về các thách thức công nghệ. Các công ty Mỹ sẽ bị cấm không được mua thiết bị nước ngoài nếu nghi ngờ có tác hại đến an ninh quốc gia – điều được cho là nhằm vào các công ty Trung Quốc với công nghệ 5G. Điều này đã đẩy sự cọ xát công nghệ giữa hai quốc gia lớn nhất thế giới này sang một nấc thang mới sau sự kiện bắt bà Mạnh Vãn Chu và gây sức ép lên các nước không hợp tác với Huawei. Nói một cách khác, cuộc chiến Mỹ - Trung đang bùng nổ cả về lượng (tiền tệ, tài chính, tỷ giá) và về chất (công nghệ, chuỗi sản xuất).
Sự đổ vỡ lần này do đó có tác hại vô cùng lớn đối với nền kinh tế thể giới, với triển vọng đình chiến trở nên mong manh hơn bao giờ hết. Những nỗ lực của 11 vòng đàm phán và niềm tin được xây dựng coi như đổ sông đổ bể. Và với tính cách mạnh của cả hai người lãnh đạo, với tâm thế "nước lớn", sẽ khó để ngồi lại với nhau sau khi hai bên đều nghĩ rằng mình đã cố gắng thỏa hiệp hết sức.
Cách đây chỉ vài tuần, khi thế giới còn chớm hi vọng về sự kết thúc của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Thì nay những hi vọng đó đã vụt tắt và lo ngại càng một tăng cao vì những diễn biến mới đang đưa cuộc chiến này trở thành câu chuyện "một mất một còn" giữa hai người khổng lồ của thế giới. Thế giới dường như đang đứng trước một giai đoạn mới bất ổn và khó lường hơn bao giờ hết.
Trí Thức Trẻ
- Con số bất ngờ lý giải tại sao Trung Quốc lại muốn thỏa thuận thương mại
- Lộ trình đánh thuế của ông Trump đã đi từ kế hoạch bài bản đến mớ bòng bong hỗn loạn như thế nào?
- Điêu đứng vì thương chiến, nông dân Mỹ phá sản nhiều kỷ lục
- Ông trùm đầu cơ Mỹ cảnh báo sau chiến tranh thương mại, chiến tranh công nghệ sẽ là chiến tranh vốn
- Ông Trump dọa tăng thuế đánh vào hàng hóa Trung Quốc nếu không đạt được thỏa thuận thương mại