MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thấy gì từ nghịch lý năng suất lao động thấp và thâm dụng vốn cao của doanh nghiệp Việt Nam?

Nếu so sánh năng suất lao động của cả nền kinh tế thì năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn 15 lần so với Singapore, 6 lần so với Malyasia và 3 lần so với Thái Lan.

Doanh nghiệp Việt Nam có mức thâm dụng vốn cao nhưng năng suất lại thấp nhất trong khu vực. Đó là "nghịch lý" được đưa ra trong hội thảo khởi động chương trình Aus4Reform nhằm năng cao năng suất và tính cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam, do Chính phủ Australia hỗ trợ.

Thâm dụng vốn tức là doanh nghiệp sử dụng lượng vốn lớn hơn nguồn nhân lực. Thông thường, một doanh nghiệp thâm dụng vốn sẽ gắn liền với đổi mới khoa học công nghệ để tăng năng suất. Tuy nhiên, các doanh nghiệp của Việt Nam có mức thâm dụng vốn cao nhất trong khu vực Đông Nam Á nhưng năng suất lại thấp nhất trong khu vực. Nếu so sánh năng suất lao động của cả nền kinh tế thì năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn 15 lần so với Singapore, 6 lần so với Malyasia và 3 lần so với Thái Lan.

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nêu ví dụ về đồng bằng Sông Hồng. Đây là nơi tập trung vốn cao nhất cả nước do tập trung phần lớn các doanh nghiệp Nhà nước, nhưng năng suất lại thấp.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng cho biết trong khi tốc độ tăng năng suất lao động Việt Nam đạt trung bình 4%/năm, ở cùng giai đoạn phát triển, Trung Quốc đạt tốc độ 7%, Hàn Quốc là 5%. “Mức tăng năng suất lao động này sẽ khó giúp Việt Nam tăng trưởng nhanh và bền vững như những nước trong khu vực.”

Thực tế, trình độ khoa học công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam còn lạc hậu. Phần lớn doanh nghiệp nước ta sử dụng công nghệ tụt hậu 2-3 thế hệ so với mức trung bình của thế giới. Trong đó, 76% thiết bị máy móc, dây chuyền công nghệ nhập từ nước ngoài thuộc thế hệ những năm 1960-1970; 75% số thiết bị đã hết khấu hao và 50% thiết bị là đồ tân trang. Số các doanh nghiệp tham gia hoạt động liên quan đến sáng tạo còn thấp.

Nền kinh tế Việt Nam vẫn luôn đặt nhiều kỳ vọng vào hiệu ứng lan tỏa từ các công ty công nghệ nước ngoài. Tuy nhiên, sức lan tỏa của các tập đoàn công nghệ đối với Việt Nam rất đáng thất vọng. Theo TS. Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, Intel sau 11 năm tồn tại ở Việt Nam gần như không có tác động lan tỏa đối với nền kinh tế, giá trị gia tăng do Intel tạo ra trong nền kinh tế Việt Nam rất thấp, ở mức độ dưới 10%. 

Một trường hợp tương tự là Samsung. Gần như tất cả các nhà cung ứng cho Samsung, thậm chí cả những vấn đề như cung cấp xuất ăn hay xử lý rác thải, đều là các nhà cung ứng của Hàn Quốc. 

“Chúng ta đã từng kỳ vọng rất nhiều, kỳ vọng Samsung, Intel và những công ty khác tạo ra ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam. Nhưng đến thời điểm này, sau mười mấy năm, chúng ta không có”, TS. Vũ Thành Tự Anh nhận xét.

Ông Nguyễn Đình Cung cho biết năng suất lao động phải tăng 1,25% hoặc cao hơn để GDP có thể tăng trưởng 7%/năm, từ đó thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước khác.

Để gia tăng tốc độ tăng trưởng năng suất trong nền kinh tế, ông Nguyễn Đình Cung đề xuất phân bổ lại nguồn lực, chuyển đổi cơ cấu thành phần kinh tế, chuyển đổi cơ cấu ngành kinh tế. Bên cạnh đó, Nhà nước cần thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, áp dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi cơ cấu nội ngành để tăng năng suất nội ngành trong nền kinh tế.

Lan Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên