MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thế giới 'đổ xô' rót vốn cho startup Việt

22-04-2016 - 10:13 AM | Doanh nghiệp

Trong những năm gần đây, các startup Việt Nam đã chứng minh giá trị của họ đối với cả nền kinh tế địa phương và cộng đồng quốc tế.

Kể từ sau thành công vượt bậc của game di động Flappy Bird, Việt Nam từ quốc gia ít được biết đến trong ngành công nghiệp công nghệ trở thành thị trường sáng giá không chỉ trong cộng đồng khởi nghiệp mà còn cả trong lĩnh vực sản xuất công nghệ.

Đầu năm nay, quỹ đầu tư 500 Startups của thung lũng Silicon đã chính thức tuyên bố thành lập quỹ trị giá 10 triệu USD dành riêng cho những công ty khởi nghiệp công nghệ có trụ sở tại Việt Nam.

Trong khi đó, hai gã khổng lồ trong lĩnh vực ngân hàng là Goldman Sachs và Standard Chartered cũng đã đầu tư 28 triệu USD vào ứng dụng ví điện tử MoMo.

Cuối tháng trước, Samsung cũng đã tuyên bố khoản đầu tư 300 triệu USD để xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Hà Nội. Cùng với đó, theo một nguồn tin chưa chính thức thì Apple rất có thể cũng sẽ xây dựng một trung tâm nghiên cứu và phát triển tại thủ đô Hà Nội với tổng mức đầu tư lên tới 1 tỉ USD.

Sự quan tâm đặc biệt của những gã khổng lồ công nghệ trên thế giới dành cho Việt Nam xuất phát từ một số điểm chính như: Giá nhân công rẻ, sự tham gia vào hiệp định TPP và cuối cùng là hàng loạt biện pháp ưu đãi nhằm thu hút đầu tư nước ngoài.

Còn theo kỹ sư của Google là Neil Fraser thì: “Việt Nam có những sinh viên trong lĩnh vực khoa học máy tính giỏi nhất mà tôi từng biết. Quan sát những học sinh này tôi nhận thấy các bài tập mà họ phải làm có độ khó tương đương với những thử thách mà chúng tôi đưa ra trong những buổi phỏng vấn tuyển dụng”.

Tờ Techinasia cũng ước tính rằng hiện có 1.500 công ty khởi nghiệp Việt Nam đang hoạt động - mức độ tập trung cao hơn rất nhiều so với Indonesia, Trung Quốc và Ấn Độ.

Trong khi những quốc gia lớn hơn như Trung Quốc và Ấn Độ cam kết giành hàng tỉ USD để giúp phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp thì cộng đồng tại Việt Nam lại nỗ lực vươn lên bằng chính năng lực của mình.

Phần lớn những công ty khởi nghiệp địa phương hiện tại đều là các nền tảng thương mại điện tử - một ngành công nghiệp đầy hứa hẹn tại Việt Nam: Doanh số bán hàng tăng 35% vào năm ngoái lên mức 4 tỉ USD.

Ngoài ra, những công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực logistic cũng đang bắt đầu xâm nhập vào thị trường, thúc đẩy tăng trưởng thương mại điện tử với những công ty hứa hẹn như giaohangnhanh.

Tương lai phía trước rõ ràng rất rộng mở với các công ty khởi nghiệp Việt Nam. Bên cạnh thương mại điện tử, logistic còn có nhiều lĩnh vực khác như học ngoại ngữ…

Nhìn chung, các công ty khởi nghiệp tại địa phương đang giúp Việt Nam từng bước đững vững trên bản đồ thế giới.

Theo Vân Đàm

Trí thức trẻ/CafeBiz

Trở lên trên