MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thế giới sắp bước vào ‘siêu chu kỳ’ tăng trưởng mới, chuyên gia chỉ ra những động lực tăng trưởng cho Việt Nam trong năm 2024

Siêu chu kỳ thường được định nghĩa là giai đoạn tăng trưởng kinh tế kéo dài. Khi đó, GDP liên tục lớn lên, nhu cầu mạnh mẽ dành cho hàng hóa dẫn đến giá cả đi lên và tỷ lệ người có việc làm cao.

Thế giới sắp bước vào ‘siêu chu kỳ’ tăng trưởng mới, chuyên gia chỉ ra những động lực tăng trưởng cho Việt Nam trong năm 2024 - Ảnh 1.

Trong cuộc phỏng vấn với CNBC hồi đầu năm, trưởng bộ phận nghiên cứu vĩ mô của Goldman Sachs tại châu Âu, ông Peter Oppenheimer khẳng định nền kinh tế thế giới đang hướng đến "siêu chu kỳ" mới với sự phát triển và ứng dụng ngày càng mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo và các công nghệ khử carbon.

Siêu chu kỳ thường được định nghĩa là giai đoạn tăng trưởng kinh tế kéo dài. Khi đó, GDP liên tục lớn lên, nhu cầu mạnh mẽ dành cho hàng hóa dẫn đến giá cả đi lên và tỷ lệ người có việc làm cao.

Trong bối cảnh này, bà Fan Cheuk Wan, Giám đốc Đầu tư khu vực Châu Á, Khối Dịch vụ Ngân hàng Tư nhân Toàn cầu của HSBC đã chỉ ra một số xu hướng hàng đầu đang định hình lại trật tự thế giới mới gồm: Nắm bắt các cơ hội tăng trưởng hấp dẫn tại châu Á; Tập trung vào những quốc gia tăng trưởng cấu trúc được hưởng lợi từ đổi mới công nghệ mang tính đột phá, bao gồm trí tuệ nhân tạo tạo sinh và robot, nhiên liệu thay thế và lĩnh vực hàng không vũ trụ; Đầu tư trước đợt hạ lãi suất đầu tiên của Fed;...

"Chúng tôi tin rằng vẫn có nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn trên khắp thế giới bất chấp môi trường đầu tư phức tạp. Chúng tôi đã xác định năm xu hướng hàng đầu đang định hình lại trật tự thế giới mới. Hiểu rõ hơn về các động lực cấu trúc dài hạn này sẽ giúp các nhà đầu tư có thể tránh bị ảnh hưởng bởi những biến động thị trường ngắn hạn", bà Fan Cheuk Wan cho hay.

Tại châu Á, theo ông James Cheo, Trưởng bộ phận đầu tư Khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ, Khối Dịch vụ Ngân hàng Tư nhân Toàn cầu của HSBC, căng thẳng địa chính trị, sự phân mảnh thương mại và các hạn chế về công nghệ đang đẩy nhanh quá trình đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu trong khu vực. Để giảm thiểu rủi ro, các tập đoàn đa quốc gia phương Tây đã xây dựng các cơ sở sản xuất mới ở Ấn Độ và ASEAN.

"Những công ty tại Ấn Độ và ASEAN được hưởng lợi từ dòng vốn FDI mạnh mẽ do việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng đem lại", Trưởng bộ phận đầu tư Khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ, Khối Dịch vụ Ngân hàng Tư nhân Toàn cầu của HSBC cho hay.

Không chỉ vậy, theo ông James Cheo, nhờ vào những lợi thế mang tính cấu trúc từ đầu tư tư nhân trong và ngoài nước mạnh mẽ, dân số trẻ, sự bùng nổ công nghệ và chuyển đổi xanh,  Ấn Độ và các quốc gia ASEAN sẽ có những cơ hội tăng trưởng lâu dài đầy hứa hẹn.

Đối với Việt Nam, ông James Cheo nhấn mạnh kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6% vào năm 2024.

"Sức mạnh của nền kinh tế Việt Nam năm 2024 sẽ đến từ sự kết hợp giữa chi tiêu tiêu dùng và đầu tư. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh mẽ có thể vẫn sẽ tiếp tục vào năm 2024, hỗ trợ ngành sản xuất của Việt Nam. Chu kỳ thương mại toàn cầu mới phục hồi sẽ thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam. Hơn nữa, Việt Nam có thể sẽ chứng kiến sự tăng trưởng dần du lịch quốc tế. Nhìn chung, chúng tôi kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng GDP ở mức 6% vào năm 2024, nhanh hơn năm 2023", vị chuyên gia nhận định.

Với quan điểm tương tự, tại Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam thường niên (Vietnam Economic Scenarios) do Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy - Vietnam Economic Times và Bộ Ngoại giao đã phối hợp tổ chức, ông Suan Teck Kin, Giám đốc điều hành khối Nghiên cứu thị trường và kinh tế toàn cầu, Tập đoàn UOB đánh giá Việt Nam đang ở vị thế tốt để tiếp tục thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong khu vực Đông Nam Á thì Singapore luôn dẫn đầu về thu hút FDI, sau đó đến Indonesia và thứ ba là Việt Nam.

Theo đó, ông Suan Teck Kin dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ ở mức 6% trong năm 2024. Trong đó, một số động lực tăng trưởng chính như xuất khẩu, thu hút FDI được dự báo có triển vọng tươi sáng trong năm 2024.

“Hiện nay, Việt Nam có lợi thế về lực lượng lao động trẻ, tiếp thu công nghệ nhanh. Tuy nhiên, cần khai phá thêm các lợi thế cạnh tranh khác bởi Việt Nam cũng sẽ sớm phỉ đối mặt với già hoá dân số. Cụ thể, Việt Nam nên xác định các lĩnh vực thế mạnh muốn tập trung thu hút FDI, từ đó có chiến lược và giải pháp phù hợp”, chuyên gia UOB khuyến nghị.

Bên cạnh đó, theo ông Cheo, lạm phát ở Việt Nam khá ổn định nhưng có thể rủi ro tăng do giá năng lượng hoặc lương thực cao hơn dự kiến

"Chúng tôi cho rằng cơ quan quản lý tiền tệ Việt Nam sẽ thận trọng và giữ nguyên lãi suất điều hành trong năm nay. Chúng tôi dự báo tỷ giá USD/VNĐ sẽ tiến tới mức 24.400 vào cuối năm 2024", ông James Cheo đánh giá.

Hoàng Nguyễn

An ninh Tiền tệ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên