MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thế hệ những đứa trẻ ‘nghiện’ smartphone

16-06-2023 - 06:30 AM | Thị trường

Sống xa bố mẹ, hàng triệu học sinh “bị bỏ rơi” tại các vùng nông thôn Trung Quốc đang đối mặt với cuộc khủng hoảng về công nghệ, đòi hỏi nhận được sự quan tâm đặc biệt của cả xã hội.

 Khi Li Xiaofeng bị bắt quả tang sử dụng điện thoại di động trong khuôn viên nhà trường vào năm 2020, nhà trường đã nhanh chóng tịch thu mối liên hệ duy nhất của cậu với thế giới bên ngoài. 

Khi được thông báo về hành vi của con, cha mẹ cậu – đang làm việc ở Bắc Kinh - tỏ ra khoan dung.

 "Mẹ cháu lầm bầm, càu nhàu về điều gì đó một lúc, nhưng chỉ vậy thôi", Li – đang học nội trú ở quê nhà ở tỉnh Hà Nam nói. Thay vì trách mắng, bố mẹ mua cho cậu một chiếc đồng hồ thông minh để có thể giữ liên lạc với con trai đang ở xa 1.000 km. Nhưng như thế là chưa đủ với Li.

Cha mẹ thường cho cậu khoảng 1.000 nhân dân tệ (140 USD) mỗi tháng để trang trải chi phí hàng ngày. Quyết tâm mua một chiếc điện thoại, Li chỉ ăn bánh bao hấp và bánh mì trong 2 tháng để tiết kiệm số tiền cần thiết.

Thế hệ những đứa trẻ ‘nghiện’ smartphone - Ảnh 1.

 "Cháu không thể sống thiếu điện thoại", cậu nói. "Cháu không gọi video nhiều cho bố mẹ nhưng cần chơi game và xem video để giết thời gian. Học tập không phải điều quan trọng nhất. Cháu không biết mình có thể làm gì nếu không có điện thoại".

Thế hệ những đứa trẻ ‘nghiện’ smartphone - Ảnh 2.

Li nằm trong số 6 triệu trẻ em "bị bỏ lại" quê nhà ở Trung Quốc khi cha mẹ chúng phải đi làm việc ở các thành phố xa xôi.

Năm 2018, Trung Quốc cấm học sinh tiểu học và trung học cơ sở sử dụng thiết bị điện tử trong khuôn viên nhà trường. Năm 2021, quốc gia này giới hạn trẻ vị thành niên chỉ được chơi game trực tuyến 1 giờ vào cuối tuần. 1 năm sau, một báo cáo tuyên bố có hơi 40 triệu người chơi game trực tuyến là trẻ vị thành niên. Nhưng một nghiên cứu gần đây do Đại học Vũ Hán thực hiện cho thấy vấn đề vẫn tiếp tục lan rộng.

Khảo sát hơn 13.000 trẻ em bị bỏ lại ở các vùng quê – học tiểu học hoặc trung học cơ sở - ở 9 huyện thuộc các tỉnh Hồ Nam, Hồ Bắc và Hà Nam (Trung Quốc), nghiên cứu chỉ ra những trường hợp như cậu bé Li là vô cùng nhiều.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra hơn 40% học sinh được khảo sát sở hữu điện thoại di động và gần 1 nửa trong số đó sử dụng thiết bị của ông bà chúng. Ngoài ra, 21,3% phụ huynh cho biết con cái họ nghiện điện thoại di động – xu hướng mà họ lo sợ sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tương lai của chúng.

Hầu hết các cuộc khảo sát này được thực hiện vào năm 2021, một năm sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Việc các lớp học được chuyển sang hình thức trực tuyến đã làm trầm trọng thêm vấn đề.

"Một giáo viên chủ nhiệm ở trường cấp 2 thị trấn Hồ Nam cho tôi xem bảng điểm của lớp và nói rằng 40% học sinh kém nhất đều nghiện game di động", Yi Zhuo – nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Quản trị Nông thôn Trung Quốc tại Đại học Vũ Hán cho hay.

Cuộc khảo sát cũng tiết lộ những tác động đáng lo ngại và điện thoại di động gây ra cho sức khỏe thể chất của học sinh.

 Ở một trường trung học cơ sở, 30% học sinh được phát hiện có thị lực kém nghiêm trọng, trong khi ở một trường khác, khoảng 2/3 học sinh của trường này phải đeo kính. Ngoài ra, giáo viên cũng quan sát được học sinh của mình thiếu tập trung vào các ngày trong tuần. Chúng háo hức chờ đợi cuối tuần để được sử dụng điện thoại trong thời gian dài.

Thế hệ những đứa trẻ ‘nghiện’ smartphone - Ảnh 3.

Cuộc sống của Li Xiaofeng rẽ sang 1 hướng bất ngờ khi cậu 13 tuổi. Cậu sinh ra ở Bắc Kinh nhưng vào năm 2018, bố mẹ quyết định gửi cậu về quê ở tỉnh Hà Nam. Cậu ở trong một ngôi nhà 2 tầng ở một ngôi làng nông thôn thuộc thành phố Trú Mã Điếm, nơi cậu không có ông bà hay bạn bè.

Dành tất cả các ngày trong tuần ở trường nội trú công lập, Li tìm thấy niềm an ủi trong các video ngắn và game di động, vì điện thoại là liên kết duy nhất của cậu với thế giới bên ngoài.

Nhưng điều này không phải lúc nào cũng dễ dàng. "Nhà trường tắt điện ký túc xá lúc 11h đêm và đó là lúc cháu bắt đầu chơi game", cậu nhớ lại. "Cháu lén mang điện thoại vào trường học. Điều này bị nghiêm cấm. Cháu không dám giữ nó bên mình. Cháu chỉ chơi khi tất cả những người khác đã ngủ". 

Thế hệ những đứa trẻ ‘nghiện’ smartphone - Ảnh 4.

 Sống ở ký túc xá lớn với hơn 80 học sinh ở chung, Li cho biết những giờ phút hạnh phúc nhất của cuộc sống nội trú là chơi game và xem các video ngắn. Thông thường, cậu thức đến 2 hoặc 3h sáng và thức dậy vài giờ sau đó theo tiếng chuông báo thức lúc 6 giờ của trường.

 Các hoạt động ban ngày của cậu bị ảnh hưởng vì cậu thường ngủ gật trong các buổi học. Trong khi các bạn cùng lớp tận dụng những ngày cuối tuần để ôn tập và chuẩn bị cho lớp học, Li chọn cách chơi game, đôi khi chuyển sang xem các video ngắn nhưng cũng chủ yếu là để cải thiện kỹ năng chơi game của mình.

Cha mẹ của Li đã đến Bắc Kinh từ nhiều năm trước để kiếm sống. Cha cậu làm việc tại một cửa hàng bánh mì kẹp thịt còn mẹ cậu kiếm tiền từ việc dọn dẹp các căn hộ. Cặp vợ chồng này đã tặng con trai chiếc điện thoại di động đầu tiên khi cậu 10 tuổi. "Cha cháu mua TV và được tặng chiếc điện thoại này. Ông ấy đưa nó cho cháu", Li nhớ lại.

Sống cùng cha mẹ ở Bắc Kinh, Li dành gần như toàn bộ thời gian để khám phá thế giới Internet. "Cháu chủ yếu chơi game với bạn bè. Ở nhà, ngay cả khi gia đình quây quần bên nhau, mọi người luôn im lặng và bận rộn với chiếc điện thoại của mình", cậu nói.

Hậu quả của việc Li nghiện điện thoại di động trở nên rõ ràng khi trường nội trú Trú Mã Điếm bắt quả tang cậu nhiều lần lén mang điện thoại vào khuôn viên trường. Cuối cùng, cậu bị đuổi học.

Nhận thấy sự cần thiết phải thay đổi, gia đình cậu đã đăng ký cho cậu học tại một trường tư thục nhưng cậu học kém đến mức bố mẹ phải cho cậu thôi học. "Cháu học kém từ khi còn nhỏ. Ngay từ lớp 5, cháu đã không thể hiểu được những gì giáo viên nói", Li giải thích.

Li bỏ học cấp 2 hoàn toàn vào năm 2021. Năm đó, cậu dự định tham gia kì thi quan trọng của Trung Quốc vào lớp 9. Nếu học kém, đồng nghĩa học sinh phải theo học nghề hoặc bắt đầu làm việc ngay lập tức.

Cha của Li đã chọn cho con cách thứ nhất và đưa con trai trở lại Bắc Kinh. Ở đó, Li đăng ký học tại một trường nội trú dạy nghề về kỹ thuật máy tính – nơi hầu hết học viên đều là những người bỏ học cấp III hoặc không qua được kỳ thi cấp 3.

Năm nay 18 tuổi, Li vẫn ở trường nội trú và nói rằng cậu thích cuộc sống ở ký túc xá. Cậu ở chung phòng với 7 người khác và không còn phải trốn dưới tấm ga trải giường để chơi game trên điện thoại nữa. Trường quản lý học sinh khép kín. Họ không thể rời trường mà không được phép, kể cả cuối tuần. Nhưng miễn là ở trong khuôn viên trường, học sinh sẽ được tương đối tự do.

"Bọn cháu chơi game đến 2-3 giờ sáng, cậu nói – giữa cuộc nói chuyện ồn ào của những người bạn cũng đang chơi game. "Không ai kiểm tra chúng cháu sau khi trường tắt điện vào lúc 11h tối".

Thế hệ những đứa trẻ ‘nghiện’ smartphone - Ảnh 5.

 Ở Thượng Hải, Fan Yan, 40 tuổi, làm osin còn chồng cô là một tài xế xe tải. 3 người con trai của họ đang sống ở quê nhà Liên Vân Cảng, phía đông tỉnh Giang Tô.

 Khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào năm 2020, Fan chi khoảng 1.000 nhân dân tệ mua cho đứa con lớn của mình, lúc đó học lớp 8, một chiếc smartphone "để con học trực tuyến", bà nói với Sixth Tone.

Hoàn toàn trái ngược với những gì bà mong đợi, "thành tích" của con là vọt xuống xếp hạng 800, từ mức 300-400. "Tôi và cha của chúng không được học hành đến nơi đến chốn. Chúng tôi không thể dạy kèm chúng nên đã gửi chúng đến trường tư thục tốt nhất, bất kể học phí bao nhiêu. Nhưng từ khi có điện thoại, đi đâu nó cũng mang theo. Nó chơi game bất cứ khi nào tôi kiểm tra", Fan nhớ lại.

Thế hệ những đứa trẻ ‘nghiện’ smartphone - Ảnh 6.

 Người con trai thứ 2 của Fan, 13 tuổi, được nhận điện thoại di động vào năm ngoái, cũng để phục vụ cho việc học trực tuyến. "Nhưng đêm nọ tôi thức dậy lúc nửa đêm để chuẩn bị sữa cho con. Tôi đăng nhập vào Douyin (phiên bản Trung Quốc của TikTok), tôi thấy nó đang online", Fan nói.

"Đã hơn 1h sáng, tôi hỏi sao nó thức khuya như thế. Nó nói rằng nó đói và dậy tìm thức ăn. Tôi biết nó nói dối. Chắc hẳn nó đang chơi game".

Fan là một người mẹ nhân hậu. Khi nghĩ về việc sử dụng điện thoại di động của mình, chị nói: "Tôi không thể ngừng sử dụng nó mọi lúc. Ngay cả khi cho em bé ăn, tôi cũng xem những đoạn video ngắn. Tôi không có khả năng kiểm soát bản thân. Làm thế nào tôi mong đợi các con trai mình quản lý bản thân đúng cách".

He Ran làm việc cho 1 tổ chức phi chính phủ và chịu trách nhiệm theo dõi cuộc sống của những đứa trẻ "bị bỏ rơi". Cô đã để mắt đến Li Xiaofeng từ khi cậu được gửi về Hà Nam từ năm 2018. Cô nói rằng nhiều bậc cha mẹ không nhận thức được sự nguy hiểm mà điện thoại di động gây ra cho trẻ em. "Thay vào đó, họ tin rằng trẻ em có thể học được nhiều điều từ các video ngắn trên mạng xã hội", cô nói.

Cô nói thêm rằng những người dân lao động thường không giao tiếp nhiều với con cái của họ. Chúng lớn lên với sự giao tiếp rất hạn chế với cha mẹ mình. "Hầu như không thể ngăn cản chúng sử dụng các thiết bị thông minh", cô cảnh báo.

Trong suốt 20 năm qua, hàng nghìn thanh thiếu niên Trung Quốc đã bị gán cho cái mác "nghiện Internet" và bị tống vào các trung tâm phục hồi chức năng. "Tất cả đều được phân loại là nghiện Internet, bất kể bạn đang sử dụng smartphone hay máy tính. Đó là một loại bệnh tâm thần", một giáo viên họ Tang thuộc Trung tâm Quande ở Hồ Nam nói.

Trung tâm hiện có 30 học viên đang theo học chương trình phục hồi chức năng. "Hầu hết là học sinh cấp 2. Chỉ một số ít là học sinh tiểu học" Tang nói. "Số lượng học sinh thấp hơn đáng kể so với những gì chúng tôi có vài năm trước".

Trong những năm gần đây, các phương tiện truyền thông Trung Quốc cáo buộc những trung tâm như vậy bắt trẻ em phải uống thuốc, huấn luyện quân sự hoặc thậm chí các liệu pháp sốc điện.

Theo Li Angran, giáo sư tại Đại học New York Thượng Hải, trẻ em sẽ luôn tìm cách tiếp cận các tiện ích mới. Đó là lý do anh nhấn mạnh điều quan trọng là hướng dẫn chúng sử dụng đúng cách.

"Chúng ta nên huấn luyện trẻ em sử dụng các thiết bị Internet để truy cập nhiều thông tin hơn", anh nói. "Trẻ em ở các thành phố lớn không chỉ sử dụng thiết bị kỹ thuật số để chơi game hay xem các video ngắn. Họ sử dụng chúng cho nhiều mục đích khác, chẳng hạn như học lập trình".

Thế hệ những đứa trẻ ‘nghiện’ smartphone - Ảnh 7.

Vị giáo sư tin rằng không có gì sai với điện thoại thông minh, nhưng nói rằng các chính sách cụ thể sẽ giúp hướng dẫn những đứa trẻ "bị bỏ rơi" sử dụng các thiết bị thông minh theo cách tốt hơn.

Hiện tại, các trường chỉ đơn giản thực hiện những gì cơ quan nhà nước quy định – học sinh không được mang điện thoại vào trường.

Trở lại với trường nội trú ở Bắc Kinh, Xiaofeng không bận tâm đến những điều đó. "Cháu hạnh phúc ở đây. Cháu có smartphone và máy tính. Cháu có thể chơi game trên cả 2 thiết bị. Khi mất điện, cháu có thể chơi trên điện thoại của mình", cậu nói.

 Cậu nói chuyện rất ít với các bạn cùng lớp, ngoại trừ nội dung về game. Khi được hỏi về kế hoạch tương lai, Li tỏ ra không chắc chắn. "Cháu không biết điều gì đang chờ đợi mình khi tốt nghiệp trường này. Cháu đã dành hơn 1 năm ở đây. Cháu có thể rời đi trong một hoặc nửa năm nữa. Cháu không biết sau đó mình có thể làm được gì". 


Đức Nam - Nhật Vũ

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên